.

Đừng đắm mình trong thế giới ảo

Cập nhật: 01:33, 09/03/2014 (GMT+7)

Không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ số mang lại, song mặt trái của nó là khiến tình cảm đời thường của một bộ phận xã hội trở nên nhạt nhẽo hơn. Ở nhà, ngồi quán cà phê, chờ khám bệnh, thậm chí trong những buổi gặp mặt... nhiều người - nhất là giới trẻ - chỉ chăm chú vào các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng mà bỏ quên những câu chuyện thăm hỏi nhau.

Trẻ em không nên tiếp cận với các thiết bị công nghệ như smartphone, ipad quá 1 tiếng mỗi ngày.
Trẻ em không nên tiếp cận với các thiết bị công nghệ như smartphone, ipad quá 1 tiếng mỗi ngày.

Hai bạn trẻ cùng bước lên xe buýt. Sau khi yên vị, họ lập tức dán mắt vào màn hình chiếc smartphone (điện thoại thông minh). Suốt 1 tiếng trên xe, họ hầu như không nói với nhau câu nào mà chỉ chăm chú vào những thông tin được cập nhật liên tục trên smartphone...

Những hình ảnh như vậy đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hiện đại. Sự bùng nổ của mạng xã hội, internet khiến không ít bạn trẻ dần quên đi cuộc sống thực của mình. Mải mê với mạng xã hội, nhiều người không còn để ý đến việc trau dồi kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống thực. Họ dường như cũng thờ ơ, lạnh nhạt với nhau. “Bây giờ đâu cần gặp mặt trực tiếp nữa. Bạn bè, người thân muốn biết thông tin thì chỉ cần lên mạng xã hội như facebook hỏi han nhau bằng những comment (bình luận), cái bấm like (thích) hay thậm chí là... nói lời xin lỗi cũng qua facebook”, Mỹ Vân, 20 tuổi, bán hàng thời trang tại TP. Vũng Tàu trả lời lạnh lùng khi được hỏi về quan điểm sống của mình trong cuộc sống công nghệ hiện nay.

Sau 2 năm tốt nghiệp THPT, nhóm bạn thân Thuần - Minh - Hiếu - Kiều chưa có dịp gặp lại. Hẹn hò trên facebook mãi, cuối cùng họ cũng thu xếp được một buổi gặp nhau vào dịp Tết vừa qua. Những tưởng khi gặp mặt, họ sẽ có một buổi trò chuyện thú vị, vì đứa ở Vũng Tàu, đứa tận TP. Hồ Chí Minh, đứa ở Tây Ninh, Bình Dương cũng về. Vậy mà, sau dăm câu ba điều, người thì ôm điện thoại, đứa dán mắt vào Ipad để lướt web, vào facebook, tán gẫu trên skype, viber, zalo... khiến cho cuộc gặp gỡ trở nên nhạt nhẽo.

Cô Tạ Thị Phương, giáo viên dạy Văn trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) cho rằng, thay vì mải mê với thế giới ảo, các bạn trẻ nên quan tâm tới gia đình, bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện... để thấy được thế giới bên ngoài rộng lớn, sinh động và tuyệt vời hơn nhiều lần thế giới ảo trước màn hình máy tính. Bản lĩnh đích thực của con người được rèn giũa giữa cuộc đời họ đang sống, những bài học, kinh nghiệm được rút ra từ sự cọ xát thực tế mang lại, chứ đâu thể đo đếm bởi những cuộc rong chơi trên thế giới ảo.

Sự phát triển của công nghệ số đã thay đổi thói quen của con người, kể cả trẻ em. Khác với điện thoại cơ bản vốn chỉ có vai trò duy trì liên lạc và giải trí như nghe nhạc và chơi game đơn giản, smartphone mở ra một thế giới đầy mới mẻ và hấp dẫn như lướt web, truy cập mạng xã hội, chat... nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Một chiếc smartphone hầu như chứa đầy đủ những thứ thu hút trẻ, những trò chơi, ứng dụng, kết nối internet... Cho trẻ tiếp xúc, sử dụng máy tính bảng, các thiết bị số không phải hoàn toàn là xấu. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải quản lý, kiểm soát thời gian, thói quen và tư thế của bé khi sử dụng, để bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của con mình.

Theo các bác sĩ tâm lý, trẻ em sử dụng thiết bị số quá một tiếng trong một ngày có thể gây tổn hại về thể chất ở bé như mệt mỏi, căng thẳng, ảnh hưởng đến tư thế ngồi và cột sống... Chưa kể, việc dành quá nhiều thời gian để chơi game trên máy tính bảng cũng khiến trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới xung quanh, gây ra những nguy cơ mắc bệnh tâm lý ở trẻ.

Bài, ảnh: SONG THƯ

.
.
.