.

TP. Hồ Chí Minh: Chật vật chăn nuôi bò sữa

Cập nhật: 17:07, 09/07/2018 (GMT+7)

Vài năm qua, giá mua sữa tươi nguyên liệu từ các nhà máy không tăng làm cho nhiều người nuôi bò sữa trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh chật vật, không ít nơi giảm đàn…

 MỌI THỨ TĂNG, GIÁ SỮA VẪN VẬY

Sản phẩm sữa mang thương hiệu Củ Chi Milk
Sản phẩm sữa mang thương hiệu Củ Chi Milk

Theo báo cáo tháng 6-2018 của UBND huyện Củ Chi, trên địa bàn có 4.699 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn 66.422 con. Trong đó, đàn bò cái sinh sản là 29.421 con, bò đang vắt sữa là 20.484 con, sản lượng sữa bình quân đạt 16,5kg/con/ngày. Tổng lượng sữa mỗi ngày trên toàn huyện là 338 tấn. Khảo sát của UBND huyện về giá sữa cho thấy, nếu tỷ lệ độ béo, chất khô và tế bào soma đều đạt thì nông dân bán được với giá 14.000 đồng/kg, khi có tế bào soma thì chỉ được 7.000 đồng/kg và bị ngưng mua 2 tuần. Nếu tái diễn, sẽ bị ngưng hợp đồng.

Trên thực tế, giá sữa hiện nay chỉ trung bình 12.000 đồng/kg do các tiêu chuẩn về chất khô, độ béo không đạt; giá bán sữa tươi 14.000 đồng/kg rất ít người đạt được. Mức giá sữa hiện nay bằng giá cách đây hơn một năm, trong khi đó thức ăn chăn nuôi, vật tư chuồng trại… đều đã tăng giá, điều này khiến nhiều nông hộ buộc phải giảm đàn do không còn lợi nhuận. Nhiều nhà đã chuyển sang nuôi bò sữa lấy thịt hoặc nghỉ nuôi.

Ông Lê Văn Khánh Nhỏ (xã Tân Thạnh Đông) kể: “Cách đây hơn một năm, gia đình tôi nuôi gần 70 con bò lấy sữa, nhưng giờ chỉ còn hơn 40 con. Tương lai có thể tiếp tục giảm đàn, chuyển hướng sang nuôi bò thịt. Điều mà nông dân lo sợ nhất là sữa bị nhiễm tế bào soma nên phải chăm sóc rất kỹ lưỡng từ việc lấy sữa, cho ăn, vệ sinh chuồng trại để bầu vú không bị nhiễm tạp chất. Cẩn thận hơn, nhiều người mua thêm thuốc thử soma để thử từng con, tránh trường hợp đổ chung rồi mới phát hiện. Nếu chẳng may sữa bị nhiễm tế bào soma thì coi như 2 tuần phải đổ bỏ vì không biết bán ở đâu. Đã thế, còn phải mua thuốc từ đại lý thu mua để trộn vào thức ăn cho bò với giá 3,5 triệu đồng/20 lon loại 400g. Nếu tính qua, tính lại, giá 12.000 đồng/kg coi như là lấy công làm lời”.

HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Củ Chi) cho biết đang cung cấp sữa tươi nguyên liệu cho nhiều công ty, bình quân 25 tấn/ngày, với quy mô khoảng 5.000 con. Đối với các thành viên, HTX cung cấp phụ phẩm thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ dịch vụ thú y với giá bán thấp hơn so với thị trường từ 2.000 - 3.000 đồng/đơn vị. Trung bình HTX thu mua sữa với giá 11.500 đồng/kg; trong năm 2018 sẽ tăng sản lượng thu mua lên trên 30 tấn/ngày. Đồng thời tăng cường quản lý nông hộ, đảm bảo sữa nguyên liệu đạt chất lượng tốt để cho ra sữa thành phẩm chất lượng cao.

CẦN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN

Theo HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, để ổn định đầu ra cho nguồn sữa tươi, bảo đảm thu nhập cho thành viên, HTX đã xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sữa cung cấp cho thị trường với nhãn hiệu “Sữa bò tươi Củ Chi - Củ Chi Milk”, công suất chế biến được thiết kế 30 tấn/ngày, nhưng hiện chỉ hoạt động trung bình 2 tấn/ngày do chưa có thị trường. Do vậy, HTX phải đổ bỏ sữa hoặc cô đặc sữa để dùng làm bánh sau này, nên chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, điện rất lớn, chi phí nhân công vận hành máy nhiều.

Theo ông Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội, sắp tới, sản phẩm Củ Chi Milk sẽ vào siêu thị Satra, hiện đang ký kết với Co.opmart và mở rộng đưa vào trường học. Tuy HTX đã sản xuất ra sản phẩm tạo thương hiệu cho Củ Chi nói riêng, TP. Hồ Chí Minh nói chung, nhưng so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường của những thương hiệu lớn thì sức cạnh trạnh rất yếu. Bên cạnh đó, để xây dựng nhà máy, HTX đã vay 25 tỷ đồng với lãi suất được hưởng theo chính sách hỗ trợ, hiện nay đang phải trả nợ gốc hơn 700 triệu đồng/tháng, lợi nhuận chỉ vừa đủ vận hành nên không còn kinh phí quảng bá thương hiệu. HTX mong muốn UBND TP. Hồ Chí Minh có thêm chính sách quảng bá nhằm phát triển thương hiệu HTX, cũng như xây dựng sản phẩm địa phương.

Ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, nhận định hoạt động chăn nuôi bò sữa vẫn có lãi nhưng chỉ đối với những nông dân thật sự chuyên nghiệp, biết đầu tư kỹ thuật cao thì chất lượng sữa mới đảm bảo tăng. Những trường hợp lỗ là chăn nuôi kiểu tạm bợ, như nuôi bằng chuồng tôn thì mùa nắng ít sữa, môi trường ô nhiễm khiến chất lượng sữa kém, thay vì trồng cỏ lại đi mua làm tăng chi phí đầu vào… Hiện nay, nguyên liệu sữa cung cấp cho các nhà máy đã bình ổn, thậm chí có chiều hướng đi xuống do nhiều công ty đã đầu tư ứng dụng quy trình chăn nuôi công nghệ cao. HTX Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội mới bước đầu tìm kiếm thị trường nên người tiêu dùng chưa biết, chưa quen với thương hiệu Củ Chi Milk. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh chỉ mới có chính sách hỗ trợ tại các hội chợ, triển lãm, còn về quảng cáo truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp chưa có. Nếu TPHCM xây dựng được thương hiệu Củ Chi Milk làm từ bò sữa Củ Chi thì sẽ giúp cho người nông dân phát triển đàn bò, ổn định thu nhập.

THANH HẢI
(Theo sggp.org.vn)

 

.
.
.