Ngôi nhà giữa cánh đồng hoang

Thứ Sáu, 03/05/2019, 09:16 [GMT+7]
In bài này
.

 

Căn nhà lụp xụp giữa cánh đồng không người thoáng hiện lên trong tâm trí tôi. Căn nhà đó cách làng tôi không xa, anh Đức nói chỉ cần đi đến cuối làng, gặp con đường mòn dẫn ra cánh đồng, đứng bên này thôi đã nghe gió thổi lạnh gáy. Chẳng mấy ai đủ can đảm để đứng đó trông về ngôi nhà nhỏ giữa đồng, đợi một bóng người nào đó bước ra, tóc xõa dài, đôi mắt u buồn. 

Tôi không nhớ rõ tin đồn về người đàn bà ấy dấy lên từ bao giờ, nhưng hình như là lâu lắm! Mỗi người một tin đồn, những tin đồn khác nhau cùng thêu dệt thành câu chuyện nhuốm màu ma mị. Người lớn trong làng thường đem chuyện người đàn bà kia ra dọa trẻ em, đứa nào đứa nấy sợ khóc thét, mặt mày tái xanh. Cánh đồng bị bỏ hoang, xung quanh lau sậy um tùm, mùa về chim chóc sà xuống rỉa mấy khóm lúa ma mọc hoang hoải. Chúng tôi - lũ nhóc con bị người làng gọi là “lũ yêu ma phá chùa phá miễu” - cũng tuyệt nhiên không dám bén mảng tới lui.

Đêm hôm đó, trong lúc chúng tôi tụ tập dưới ánh trăng chỗ góc sân nhà ông Cửu bàn chuyện trên trời dưới đất, anh Đức đi nhậu về men rượu ngà ngà sà xuống vỗ vai tôi, tuyên bố: 

- Ngày mai bọn mình ra cánh đồng ma chơi.

Tưởng anh Đức say rượu nên nói đùa, tôi buột miệng: 

- Anh đùa à? Người lớn còn không dám tới huống chi con nít bọn em? Sợ chết khiếp. 

- Mày nhát quá, con trai gì y hệt con gái vậy! Mày không đi thì bọn tao đi, rồi mày coi bọn tao có xem mày là con trai ở cái làng này nữa hay không.

Anh Đức vừa nói vừa liếc đứa này, bá cổ đứa kia tìm “đồng minh”. Nhưng hầu như đứa nào cũng sợ sệt không dám gật đầu ừ hử, ngộ nhỡ anh Đức bắt đi thật thì sao. 

Trong đám bọn tôi, chỉ Hà Minh là không nói không rằng. Tôi để ý, mỗi lần chúng tôi bàn chuyện người đàn bà cô độc giữa cánh đồng hoang là nó lại rụt cổ, mắt đăm chiêu và hình như sóng sánh nước. Không biết nó sợ hay nó buồn thay cho số kiếp của người đàn bà bất hạnh kia nữa. Nhưng nó không tham gia vào câu chuyện của chúng tôi. Tôi hỏi thì nó gật gù, nó thu mình lại, ngồi sát gốc cây, thi thoảng nó ngẩng mặt nhìn lên vòm trời thăm thẳm trăm ngàn ngôi sao li ti soi sáng trần gian. Anh Đức vỗ vai Hà Minh cái bụp khiến nó giật mình:

    - Mày đi cùng chứ, Hà Minh?

Con nhỏ lí nhí:

- Các anh đi đi, em không đi đâu.

  - Mày sợ à? 

- Em không sợ. Nhưng…

Anh Đức nạt:

- Nhưng nhị gì nữa? Anh em làng này đó giờ sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, mày không đi thì đừng bao giờ nhìn mặt anh em.

Câu nói của anh Đức vừa mang tính tuyên bố rằng nhất định bọn tôi sẽ phải đi theo anh khám phá cái điều mà từ bao lâu nay đã trở thành nỗi sợ hãi đe dọa chúng tôi, đồng thời Hà Minh cũng phải đi theo để xem cái trò mà anh Đức đang bày mưu tính kế. Chúng tôi im lặng. Mắt Hà Minh lim dim, dường như nó đang khóc. Anh Đức không quá để ý đến điều đó! Xưa nay anh Đức vốn nổi danh “cầm đầu” bọn trẻ bày trò nghịch ngợm, phá phách xóm làng. Ba mẹ chúng tôi nhiều lần gặp anh, khuyên răn, kể cả đe dọa. Nhưng rồi anh Đức vẫn chứng nào tật nấy. 

Vậy là kế hoạch khám phá cánh đồng hoang đã được “duyệt”. Đêm hôm đó tôi không tài nào chợp mắt được, cứ nghĩ đến cái bóng trắng vật vờ trong ngôi nhà giữa cánh đồng là gai ốc lại sởn lên, mồ hôi toát ra nhễ nhại. Chắc Hà Minh cũng không thể nào ngủ được, tôi đoán vậy. Nửa đêm, tôi bước ra sân ngó sang ngôi nhà bên kia sông - nhà Hà Minh. Tôi chưa lần nào được gặp mẹ Hà Minh, nó lớn lên trong vòng tay của bà ngoại - người già thảo hiền có xôi ngon chè ngọt cũng đều í ới tôi sang ăn cùng Hà Minh. Mấy lần tôi hỏi bà cụ về mẹ của Hà Minh, bà cụ im lặng một chốc rồi nhìn về khoảng không xa xăm vô định: “Ở xa lắm cháu ạ, xa lắm…!”.

Theo lời anh Đức, buổi sáng, chúng tôi tập trung trước sân nhà ông Cửu. Số một là anh Đức, số hai là tôi, số ba…, số bốn…, số năm…, “Số 6: Hà Minh đâu?”, Anh Đức quát. Tôi lắc đầu, mấy đứa khác cũng lắc đầu không biết.

- Hay là nó trốn rồi? Huy, mày chạy sang nhà bà Năm hỏi coi Hà Minh đâu mà không tập hợp?

Nghe lời anh Đức, tôi đi qua nhà bà Năm - ngoại Hà Minh. Bà nói Hà Minh đi đâu từ sớm, gà vừa gáy là nó đi ra khỏi nhà. Anh Đức giận tím mặt. Trong nhóm, chúng tôi luôn xem anh Đức là “đại ca”, phần vì anh Đức to con, phần vì anh Đức luôn là người cầm đầu các trò nghịch phá. 

Không thấy Hà Minh, anh Đức quyết định sẽ cho nó ra khỏi nhóm. Tôi nghe mà thương nó quá. Chắc nó sợ, phải rồi, cánh đồng hoang kia vốn dĩ là nỗi sợ của người lớn, huống chi là bọn con nít chúng tôi. Mẹ tôi kể một dạo nọ có người đàn ông vốn không tin những chuyện ma quỷ vô căn cứ đã đi ngang qua đó, kết quả, ông ta lên cơn sốt run bần bật, người nhà phải làm lễ ra cúng vái mới hết bệnh. Cánh đồng heo hút trở thành đối tượng của sự xa lánh. Người làng thường ngồi lại với nhau kể về người đàn bà sống trong căn nhà nhỏ giữa cánh đồng, họ nói người đàn bà đó là ma chứ không phải người, chân đi bổng lên khỏi mặt đất, mái tóc lúc nào cũng xập xệ che nửa khuôn mặt, ai can đảm nhìn kỹ mới thấy được hai con mắt lờ đờ, vô hồn. 

Cuối cùng, chúng tôi cũng đến cánh đồng hoang. Tôi thoáng run, tụi kia cũng sợ hãi đi sau lưng anh Đức mà chân nọ díu cả vào chân kia. Anh Đức ra hiệu chúng tôi dừng lại, khe khẽ:

- Bây giờ thế này, tất cả đồng loạt men theo cỏ tiến về phía căn nhà đó rồi phục xung quanh, đợi tao ra hiệu, mỗi đứa cầm một mồi lửa quăng về phía căn nhà. 

Tôi hoảng hốt:

- Trời ơi, làm vậy có được không anh Đức? Ngộ nhỡ nhà ma, mình làm vậy tội chết.

Anh Đức ký đầu tôi:

- Im, bậy bạ. Ma quỷ gì ở đây? Tao là con ma, con quỷ xứ này, thì còn sợ ai nữa? 

Tôi xụ mặt. Anh Đức huýt sáo, chúng tôi bắt đầu mon men tiến về phía căn nhà. Xung quanh căn nhà lau lách mọc um tùm, đám ngô chết khô kêu xạc xào, khan khốc. Tôi nấp mình vào đám cỏ gần căn nhà nhất, mồ hôi toát ra, chân tôi bắt đầu run rẩy. Tôi nhìn dáo dác vẫn không thấy bọn kia đâu. Tôi bắt đầu thấy sợ. Bốn bề im bặt. Cánh đồng heo hút bỗng nổi lên cơn gió…

Kia rồi, tôi đã thấy anh Đức. Anh khom người, đi vòng vòng căn nhà. Xăng, là xăng. Anh Đức đang đổ xăng quanh căn nhà, tôi ngửi mùi sặc sụa nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Mồi lửa trên tay đã bắt đầu nóng hơn. Anh Đức giả tiếng chim kêu “Chíp chíp”. Lặp tức từ trong đám cỏ ba bốn mồi lửa bay ra tiến về phía căn nhà.

Mùa khô, lửa bắt bén liếm láp vách nhà, độ vài giây là căn nhà bừng bừng cháy. Anh Đức cười ha hả. Bọn tôi đứng nhìn mà tự dưng thấy lòng mình xốn xang. Đột nhiên tôi nghe rõ tiếng kêu trời, tiếng gào khóc thất thanh từ căn nhà đang cháy.

- Anh Đức ơi, em nghe tiếng khóc, mình dập lửa đi anh!

Âm thanh ấy ngày một rõ hơn. Tôi la lên:

- Trời ơi, tụi bây có nghe gì không? Tiếng Hà Minh. Rõ ràng là tiếng nó. Hà Minh…

Không đợi ai, tôi dũng cảm xông vào căn nhà đang cháy. Hà Minh kia rồi, nó đang dang tay chở che cho người đàn bà mà người làng gọi là con ma bao năm nay. Hóa ra nó không trốn bọn tôi, không nhút nhát như anh Đức lầm tưởng. Hà Minh mạnh mẽ và quả cảm nhất làng.

Khi thấy tôi, Hà Minh mếu máo:

- Anh ơi, cứu mẹ em đi.

Tiếng “Mẹ” của Hà Minh khiến tim tôi vụn vỡ. Tôi hỏi:

- Mẹ? Người kia là mẹ em hả, Hà Minh?

Nó gật đầu:

- Là mẹ em. Người làng đồn mẹ em bị cùi, hất hủi, lánh xa. Mẹ em phải nương nhờ trên cánh đồng này để được sống gần em, gần ngoại.

Tôi nghẹn đắng cả lòng. Lửa cháy. Trời ơi, anh Đức, tụi bây ơi, còn chần chừ gì nữa, tôi giục lòng mình. Tôi sấn tới nắm tay người đàn bà chạy vụt ra khỏi đống lửa đỏ đang bừng cháy. 

Người đàn bà ngồi trên bãi cỏ, gục mặt, Hà Minh ngồi tựa đầu vào vai mà nước mắt chảy ròng ròng. Mặt mũi chúng tôi lấm lem, lúc này tôi để ý thấy đôi mắt mẹ Hà Minh không buồn bã vô hồn mà bỗng hiền từ, dịu dàng và vị tha quá đỗi.

- Hà Minh, sao chừng ấy năm em không nói gì?

- Không ai tin em, người ta sẽ xa lánh mẹ, xa lánh cả bà cháu của em. Anh Đức, anh đừng nói chuyện này với ai, nghen anh Đức! 

Nghe Hà Minh năn nỉ, tôi thấy đau từng đoạn mạch. Hà Minh ơi, cớ gì em và mẹ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau như vậy? Chẳng phải bệnh phong ngày nay đã có thuốc chữa rồi hay sao?

Anh Đức rưng rưng. Chưa bao giờ tôi thấy anh Đức hiền từ và đứng đắn như thế này:

- Hà Minh, em và mẹ em về làng đi em. Làng sẽ không bỏ hai mẹ con em. Làng mình vẫn bao dung như thuở nào. Đưa mẹ về làng để trị bệnh đi em. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Bệnh của mẹ em có thể chữa được.

Người đàn bà ngó ngọn lửa tàn đốt trụi căn nhà mà bà sống bao năm qua, căn nhà người làng đồn rằng có ma và lánh xa như trốn tránh vùng đất đầy ma quỷ. Đâu ai biết được nơi đây đẹp hơn bất kỳ nơi nào trong ngôi làng nhỏ hiền lành có bóng cây ôm trùm mát rượi này. Nơi đó có mạch nguồn suối tưới mát lành của tình mẫu tử. Nơi đó có trái tim người mẹ chấp nhận khổ đau, chấp nhận chôn vùi tuổi xuân để được gần gũi bên con.

Nắng vàng rực trên đồng làng. Sau vụ cháy, cánh đồng lại yên bình trở lại. Lửa đã xua tan bóng dáng u âm lạnh lẽo nơi đây, mặt trời rọi xuống những tia sáng tinh khôi làm rực lên màu nâu của đất, màu xanh của cỏ và màu đỏ của trái tim nhân hậu, bao dung. Người đàn bà nhìn về phía ngôi làng của mình, mỉm cười. Trong mắt người đàn bà ngập đầy hạnh phúc.

 HOÀNG KHÁNH DUY

;
.