Nhành hoa giao mùa

Thứ Bảy, 03/04/2021, 08:57 [GMT+7]
In bài này
.

Không biết có phải xuất phát từ vẻ đẹp thanh tao, quyến rũ của bức tranh nổi tiếng  “Thiếu nữ bên hoa huệ” của danh họa Tô Ngọc Vân - được giới chuyên môn coi là đại diện tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam vào thời kỳ đầu thế kỷ 20, đã khiến người Việt mê đắm loài hoa huệ tây (còn gọi là hoa loa kèn) đến vậy. Hoa loa kèn được coi là “hoa của tháng tư” vì mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp này. Hoa tượng trưng cho sự nhẹ nhàng, tinh khiết, được nhiều người yêu thích và chọn trang trí trong nhà. Loài hoa có màu trắng tinh khôi này từ lâu đã đi vào thơ ca và còn mang theo những câu chuyện tình được truyền tụng lại…

Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân.
Bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân.

TÊN GỌI GẮN VỚI MỘT TRUYỀN THUYẾT

Hoa loa kèn, bách hợp, Lyly hay huệ tây, ở Đà Lạt gọi là hoa Lys (từ tiếng Pháp: fleur de lys). Đây là loài cây bản địa của quần đảo Ryukyu, phía nam Nhật Bản và Đài Loan.

Hoa Ly còn được bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu đầy nước mắt giữa chàng Jack và nàng Lyly. Chuyện kể rằng hai người họ yêu nhau thắm thiết, nhưng thời thế hỗn loạn, chàng Jack phải xa người yêu ra trận. Trước khi chia tay, Jack gửi lại cho nàng Lyly trái tim của chàng.

Sau khi chàng Jack đi, nàng Lyly một lòng chờ đợi mặc cho những người thân yêu có khuyên ngăn như thế nào. Thời gian thấm thoắt qua đi, 1 năm rồi 10 năm, 20 năm đến khi những người lính rời làng đi đã trở về mà chàng Jack vẫn chưa thấy đâu. Nhưng nàng đâu biết rằng, khi ra đi, vì gửi lại trái tim nơi nàng mà Jack đã dần mất hết tình cảm, trở thành một con người máu lạnh, chém giết thành thói quen.

Chiến tranh qua đi, chàng trở thành người đứng đầu một băng nhóm cướp của và bóc lột. Jack đã khiến rất nhiều người hận thù, trong đó có thủ lĩnh ngôi làng đối diện. Ông ta tìm cách trở về quê hương cũ của Jack để bắt người thân của chàng làm con tin và đã tìm đến hỏi một bà lão khắc khổ - chính là Lyly. Nghe tên người yêu, Lyly sáng mắt lên. Nhận thấy được tình yêu phát sáng trong mắt bà, người thủ lĩnh không nỡ nói ra sự thật chỉ dám nói Jack đã chết trên chiến trường. Lyly đau đớn và quyết định ra chiến trường tìm xác người yêu để chôn trái tim cùng chính mình bên người ấy.

Trên đường đi, sau nhiều ngày dãi nắng dầm mưa, ngất đi tỉnh lại, bà bị rơi vào tay băng nhóm cướp của và bị lấy mất hộp đựng trái tim. Bọn cướp mang trái tim đến thủ lĩnh và đó chính là Jack, khi mở hộp chàng mới biết được rằng Lyly luôn đợi chàng về. Nhưng đã quá muộn, chàng đã không còn xứng đáng với tình yêu mà Lyly dành cho chàng nữa. Chàng bảo bọn cướp trả lại trái tim cho Lyly và chỉ cho nàng một nấm mộ để tìm Jack, nhưng bọn cướp tham lam đã giấu chiếc hộp đi và chỉ cho nàng một nấm mộ giả. Lyly đau đớn không biết mình bị lừa, khóc lóc suốt nhiều ngày rồi quyết định lấy tim mình chôn dưới nấm mồ người yêu rồi chết bên chàng. Rất lâu sau đó, từ nấm mộ mọc thành một loài hoa màu trắng xinh đẹp, người ta gọi đó là hoa Lyly. Cũng từ câu chuyện này, hoa Lyly đã trở thành biểu tượng của tình yêu thủy chung, son sắt như tình yêu của nàng Lyly dành cho chàng Jack.

HOA CỦA MÙA XUÂN VÀ MÙA HẠ

Có lẽ tên gọi Loa kèn bởi cánh hoa xòe ra từa tựa như chiếc loa kèn, thân thẳng, mùi hương thoang thoảng vô cùng dễ chịu, thanh khiết, được người Hà Nội yêu mến bởi nó không quá sặc sỡ và sắc hương không phô trương, nhưng lại lưu giữ được vẻ đẹp lâu bền và hương thơm cho đến khi hoa tàn. Loài hoa trắng tinh khôi bí ẩn lại nở vào khoảnh khắc tuyệt đẹp của năm: khi mùa xuân còn đó mà mùa hạ đã chớm sang khiến lòng người có chút bâng khuâng, xao xuyến, mơ màng. Hoa loa kèn đã trở thành “nàng thơ” của các thi sĩ Việt, tạo nên những áng thơ lãng mạn, đầy cảm xúc:

“Hoa loa kèn trên bàn

trắng xanh tang tảng sáng

êm ái và xa xăm

nhạc bên nhà hàng xóm

…Cuối tháng Ba, Hà Nội

em chọn áo màu gì

mùa hạ còn đang tới

mùa xuân còn đang đi...”

(Cuối tháng Ba, Hà Nội - Nghiêm Huyền Vũ)

Loài hoa trắng diệu kỳ ấy từ kiệt tác của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân còn trở thành biểu tượng của cô gái Hà Nội, với sắc vóc “mỏng mày hay hạt” và dáng vẻ đài các khi họa sĩ ghi lại khoảnh khắc nàng đang thưởng ngoạn những bông hoa huệ tây, toát lên nét yểu điệu thục nữ mà cũng rất sang trọng và quyến rũ:

Ta còn một phía trời xa

Hạt sương đọng ở đài hoa loa kèn

Ta còn hương dịu đầm sen

Sông trăng heo hút con thuyền đơn côi

(Đọng -Việt Phương)

Và mỗi dịp tháng Tư về, khi những cánh hoa trắng tinh khôi ẩn hiện trên những con phố ở thủ đô Hà Nội, cũng là lúc báo hiệu một mùa hè đang tới. Làng Tây Tựu, một trong những làng hoa lớn nhất thủ đô, là nơi cung cấp hoa tươi cho Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Thời điểm hiện tại, người dân đang tất bật khi hoa loa kèn đang vào vụ thu hoạch và khá đắt khách. Những bông hoa tinh khôi được mệnh danh là “sứ giả mùa hè” mang theo tháng Tư đến, mùa hạ sang, làm lòng người lắng lại giữa những ồn ã phố phường bận rộn để thấy tâm hồn giàu có bao cảm xúc và thêm yêu hơn cuộc sống này.

Bàn tay trắng muốt em cầm

Một nhành hoa nối mùa xuân - mùa hè

Mưa phùn vừa dứt. Tiếng ve

Cháy ran lên giữa trưa nhoè bóng cây

(Mùa hoa loa kèn - Ngô Quân Miện)

VŨ THANH HOA

;
.