Lá cờ thơ vẽ từ một đời thơ

Thứ Sáu, 19/02/2021, 18:21 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2003, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày rằm Nguyên Tiêu hằng năm làm “Ngày thơ Việt Nam”. Và kể từ đó thơ Việt đã có một “ngày của mình” được tổ chức trang trọng. Đã là lễ hội thì cần có một biểu tượng và thế là “Lá cờ thơ” ra đời - Tác giả của Lá cờ thơ chính là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Tác giả lá cờ thơ - Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo.
Tác giả lá cờ thơ - Nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

THI SĨ VẼ TỪ HỒN THƠ

Với tiêu chí Lá cờ thơ trước hết phải là một lá cờ có sức lay gọi, cuốn hút, gợi nhiều xúc cảm đẹp khi kéo lên tung bay trên đỉnh cột. Đặc biệt hơn, đó là lá cờ của lễ hội, của văn hóa Việt Nam cho nên phải đậm chất thơ và đậm hồn dân tộc.

Trong khoảng thời gian ngắn có rất nhiều họa sĩ được mời tham gia vẽ Lá cờ thơ, và cuối cùng chỉ có mẫu cờ của thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo được chọn. Đó là lá cờ mang những gam màu đặc trưng của lễ hội dân tộc (đỏ, vàng, xanh lá, hồng, xanh lam) với hình ảnh con chim lạc bay trên chữ “Thơ” tượng trưng cho hồn Việt cất cánh thăng hoa cùng với thơ ca. Tất cả hài hòa tựu trung, vừa thiêng liêng thành kính, vừa gần gũi thân thiết, vừa trang trọng quý phái, vừa dân gian giản dị.

Có được điều đó có lẽ do chính tác giả Nguyễn Trọng Tạo là một thi sĩ đã dành cả cuộc đời mình để cống hiến cho thi ca, nghệ thuật nên mới thể hiện được chính xác nhất, chân thực nhất linh hồn của thơ từ chính đam mê thơ cũng như bao hệ lụy của thơ vận vào đời sống của mình:

“Chia cho em một đời tôi/Một cay đắng/Một niềm vui/Một buồn…/Chia cho em một đời thơ/Một lênh đênh/một dại khờ/Một tôi”.

(Chia - Nguyễn Trọng Tạo)

Nhà thơ Vũ Cao nhận xét về thơ của thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Nếu người đọc muốn tìm thấy ở thơ Nguyễn Trọng Tạo câu trả lời chức năng của thơ là gì thì khó mà có một lời giải đáp cụ thể. Ta thấy thơ ông không nhằm phục vụ một nhiệm vụ hoặc cổ vũ một trào lưu gì. Anh như một người lẻ loi đứng trên các nẻo đường, mặc cho các lớp người cứ trùng điệp ồn ào qua lại. Thật khó có thể xếp Nguyễn Trọng Tạo vào một lớp nhà thơ nào. Ngòi bút anh thoải mái với những điều không phải dễ nói ra…”.

“Có một đứa trẻ xuân/Chạy ra từ Em mấy chục mùa xuân trước/Tôi ôm ngây thơ tuổi yêu thất lạc/Ngày mỏng dần năm mới/Bóc tin yêu gặp chiều lá dong xanh”.

(Ngày mỏng dần - Nguyễn Trọng Tạo)

HỒN THƠ VIỆT LAN TỎA MUÔN NƠI

Sinh thời, các sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo trải dài trên nhiều lĩnh vực và thể loại. Trong làng văn nghệ Việt Nam, hiếm có nghệ sĩ nào có thể cùng lúc tung hoành trên nhiều lĩnh vực và thu được những thành công ấn tượng như ông: nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, họa sĩ vẽ bìa sách Việt Nam; Ngoài các giải thưởng danh giá về thơ và nhạc, ông còn được giải thưởng của Bộ VH-TT cho thiết kế bìa sách đẹp: “Những con chim kêu đêm”, “Khát”. Lá cờ thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sáng tạo đã được chọn, lần nữa chứng minh khả năng hội họa tài hoa của ông.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể lại: Từ giữa năm 2002, công tác chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất đã được BCH Hội Nhà văn Việt Nam khẩn trương tiến hành, trong đó có việc thiết kế mẫu Lá cờ thơ để trình các cấp có thẩm quyền chuẩn y. Rất nhiều họa sĩ đã hào hứng tham gia, nhưng chưa có mẫu nào ưng ý. Cuối cùng, ông Chủ tịch Hội phải “cậy nhờ” đến Nguyễn Trọng Tạo. Mẫu Lá cờ thơ của Nguyễn Trọng Tạo có hình dáng, màu sắc, đường nét của những lá cờ lễ hội truyền thống dân tộc. Giữa nền vàng là hình con chim lạc mang chữ thơ bay lên. Nguyên Tiêu năm Quý Mùi 2003, lần đầu tiên lá cờ được ông Trương Quang Được, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, kéo lên đỉnh cột cờ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ I tại Hà Nội. Khi Lá cờ thơ từ từ được kéo lên trong bản nhạc mang không khí mùa xuân rộn rã, nhiều bạn đọc đã không cầm được xúc động khi nghĩ về lịch sử thơ ca Việt Nam đã trải qua biết bao thăng trầm cùng dân tộc... Từ đó đến nay, cùng với việc Ngày thơ Việt Nam trở thành một lễ hội văn hóa thường niên trong hệ thống lễ hội văn hóa dân tộc, được tổ chức tại các địa phương trong cả nước vào dịp rằm Tháng Giêng, thì Lá cờ thơ Việt Nam cũng đã trở thành một hình ảnh biểu trưng của hồn thơ dân tộc, in đậm trong tâm trí của bao thế hệ nhà thơ và người yêu thơ.

Ngày thơ Việt Nam năm nay do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đã phải tạm hoãn tổ chức. Nhưng hồn thơ và niềm đam mê cháy bỏng với thi ca vẫn lan tỏa trong hàng triệu trái tim người Việt. Và cứ mỗi độ rằm Tháng Giêng, hình ảnh Lá cờ thơ lại hiện diện ở khắp nơi, luôn là niềm tự hào cho truyền thống yêu văn chương của người Việt Nam. Minh chứng rằng Thơ chính là những gì tinh túy nhất chắt lọc từ tâm hồn của con người hướng đến vẻ đẹp chân-thiện-mỹ:

“Có thể cãi vã nhau nhưng xin đừng ác ý/Con Người ơi, cây lá vẫn mùa xuân/Ở đâu đó Người vẫn yêu Người lắm/Nước đục ư?/Qua bể lọc trong ngần”.

(Gửi con người - Nguyễn Trọng Tạo)

VŨ THANH HOA

 
;
.