Bốn mùa hoa rực rỡ

Thứ Bảy, 27/02/2021, 10:48 [GMT+7]
In bài này
.

Khi đất trời rực rỡ cùng muôn vàn loài hoa tưng bừng đua nở, tựa như người con gái trong tuổi thanh xuân với nhan sắc mặn mà, quyến rũ làm bao tâm hồn nghệ sĩ đắm say. Khí hậu Việt Nam được thiên nhiên ưu ái nên mùa nào cũng là mùa hoa khoe sắc. Khám phá vẻ đẹp đằng sau những bông hoa cũng chính là khám phá vẻ đẹp của quê hương, đất nước mình. Có lẽ vì vậy mà bóng dáng các loài hoa thường hiện diện rất nhiều trong các tác phẩm thi ca Việt.

Rực rỡ các loài hoa tại công viên Bãi Trước TP.Vũng Tàu Tết Tân Sửu 2021.
Rực rỡ các loài hoa tại công viên Bãi Trước TP.Vũng Tàu Tết Tân Sửu 2021.

“Một sáng nào em cười trước ngõ

Tôi mới hay hoa nở trên cành

Em và hoa từ trong nỗi nhớ

Thêm niềm vui một khoảng trời xanh”

(Cây trúc đào trước ngõ - Phạm Hữu Quang)

Thời tiết nước ta có sự phân chia thành 4 mùa rõ rệt: xuân, hạ, thu, đông. Và may mắn thay, cả 4 mùa quanh năm đều có các loài hoa khoe sắc tưng bừng. Mỗi mùa lại mang nét đặc trưng riêng cũng chính bởi vẻ đẹp đa sắc màu của các loài hoa. Vì vậy nhiều người đã dùng mùa hoa để gọi thay tên mùa của thời tiết.

Khi mỗi dịp Tết đến Xuân về, chơi hoa Tết là đặc điểm nổi bật của các gia đình Việt. Không chỉ trang trí cho góc nhà thêm xinh đẹp, mỗi một loài hoa còn mang một ý nghĩa khác nhau, tượng trưng cho những lời chúc, kỳ vọng trong một năm mới. Ở miền Bắc, người ta thường chọn cành đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phú quý. Ở miền Trung và miền Nam lại sử dụng cành mai vàng bởi theo quan niệm mai vàng tượng trưng cho sự cao sang, thịnh vượng.

“Ở thành phố hoa mai nhớ thành phố hoa đào

Giữa bến Nhà Rồng nhớ sông Hồng đỏ phù sa

Ở thành phố hoa mai ta vẫn hướng ra Hà Nội

Nhớ tiếng dương cầm thoảng đêm gió bấc

Nhớ Tháp Rùa nghìn năm vẫn trẻ cùng tuổi xanh”

(Nhớ thành phố hoa đào - Phan Long)

Vào mùa hạ, không nhắc, có lẽ ai cũng nhớ đến hoa phượng. Hình ảnh hoa phượng gắn liền với tuổi học trò và vào dịp nghỉ hè, kết thức một năm học, đã đi vào thơ ca lâu nay. Hoa phượng rực đỏ như nhiệt huyết của một thời tuổi trẻ, luôn khát khao, cháy hết mình. Rồi đến một ngày nào đó nhớ lại, ta chợt có chút xót xa rằng: “Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18” (Đỗ Trung Quân)

“Xin thứ lỗi và đừng như thế nữa

Tôi chẳng là mùa cho hoa phượng nở xôn xao

Dẫu là sông tôi chỉ là dòng sông lặng lẽ

Trùng khơi kia mới chứa nổi con tàu”

(Bài vô đề cuối cùng cho em - Chim Trắng)

Và còn có một loài hoa mùa hạ có mặt trên khắp phố phường của Hà Nội đó là hoa loa kèn thường được chở đi bán rong trên những chiếc xe đạp, mọi người coi nó là loài hoa báo hiệu mùa hè đang đến. Hoa loa kèn đẹp kiêu sa, trắng ngần được ví như nhan sắc của cô gái Hà Thành.

“Tháng giêng hoa đào bừng nở, đón xuân khoe sắc hồng tươi

Tháng hai hoa ban ngập tràn, tím biếc những gương mặt phố

Tháng ba bất chợt một ngày, trắng tinh hoa sưa về đây

Tháng tư loa kèn mỏng manh, những góc phố con đường quen”

(Hà Nội mười hai mùa hoa - Giáng Son)

Và không thể không nhắc đến một loài hoa của mùa hè, đó chính là Hoa Sen. Vẻ đẹp thanh khiết, mùi thơm quyến rũ của hoa sen đã chinh phục tất cả những ai khó tính nhất, khiến lòng người trở về với thanh tịnh, bình yên khi ngắm nhìn loài hoa này:

“Quê hương là vàng hoa bí

Là hồng tím giậu mồng tơi

Là đỏ đôi bờ dâm bụt

Màu hoa sen trắng tinh khôi”

(Bài học đầu cho con - Đỗ Trung Quân)

Mùa thu là mùa của các thi sĩ, điều này quả không sai. Không chỉ các loài hoa mùa thu hiện diện trong tác phẩm mà còn cả những chiếc lá mùa thu cũng trải đầy trong các bài hát, các áng thơ diễm lệ…

“Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu vào hoa cúc…”

(Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

Cảm giác u ám, giá lạnh dường như đã được xua tan nhờ những loài hoa đặc trưng cho mùa cuối cùng của năm - Mùa đông. Những bông cúc họa mi đã đem đến cho phố phường thủ đô Hà Nội vẻ đẹp riêng biệt những ngày đầu đông, một sắc màu dịu dàng, tinh khôi, tinh tế. Còn hoa cải vàng trên đồng lại mang vẻ đẹp bình dị, chất phác của làng quê đã khiến bao người cảm thấy tâm hồn mình rưng rưng khi nhớ về tuổi thơ bên gia đình:

“Đàn trâu sau vụ cày nặng nhọc

cỏ no nê, nhảy cẫng lồng nhồng

ngang trời, một cánh chim chiền chiện

đánh thức hoa cải vàng mê ngủ bờ mương”

(Đồng chiều - Vũ Từ Trang)

Không thể kể hết những câu hát, những áng thơ hay về bốn mùa hoa tươi đẹp của quê hương Việt Nam. Đọc thơ để ngộ rằng cảm nhận về hoa không chỉ có hương sắc mà còn có bao cảm xúc từ tâm hồn người nghệ sĩ gửi gắm. Ngắm hoa để ngộ rằng cuộc đời dù có nhiều đau buồn, đắng cay nhưng thiên nhiên vẫn ban tặng cho mọi người những tinh túy của đất trời một cách bình đẳng nhất, rạng rỡ nhất, vì: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến” (Tản mạn thời tôi sống - Nguyễn Trọng Tạo) và để ta luôn tin yêu và hi vọng vào cuộc sống tươi đẹp và công bằng cho mỗi người.

NGUYỆT CHI

;
.