Xin tình yêu Giáng sinh

Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Cứ vào mỗi dịp cuối năm, dù tất bật với bao công việc nhưng trong tiết trời se lạnh của phương Nam, không khí Giáng sinh vẫn ngập tràn phố thị lại khiến lòng người không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Giáng sinh đã trở thành một dịp lễ hội mang tính văn hóa cộng đồng, không chỉ riêng những tín đồ đạo Thiên chúa. Vì thế, khi mùa Giáng sinh về cũng là lúc người nghệ sĩ gửi gắm nhiều tâm tư, cảm xúc vào những tác phẩm thi ca.

“Đêm nào đó tôi bỗng dưng thấy mình biến thành máng cỏ/ Em hóa Chúa giáng sinh”

(Chiêm bao - Du Tử Lê)

Nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả ca khúc “Hai mùa Noel”.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang, tác giả ca khúc “Hai mùa Noel”.

NOEL NĂM NÀO CHÚNG MÌNH CÓ NHAU

Giáng sinh đến đem theo tiết trời đông lạnh giá, tiếng chuông nhà thờ vọng về ngân nga đem theo cả những ký ức xa xôi, những luyến tiếc của một thời nông nổi, những hẹn hò dở dang cả những nỗi niềm thương cảm không dứt của mỗi phận người:

“Nhưng nay, mùa Noel đến rồi

Từng đêm anh vẫn nguyện cầu

cầu cho ta mãi yêu nhau.

Đêm nay giáo đường vang tiếng kinh cầu

Nơi xưa mình anh đứng

không thấy bóng em đâu”.

(Hai mùa Noel - Đài Phương Trang)

Ca khúc “Hai mùa Noel” của nhạc sĩ Đài Phương Trang là một tình khúc được lồng vào không gian Giáng sinh và trở thành một bài hát rất thân quen với nhiều thế hệ người nghe. Tác giả “Hai mùa Noel” kể về hoàn cảnh sáng tác nên ca khúc: “Noel năm 1972, tôi hòa vào dòng người đi dự lễ ở nhà thờ Đức Bà. Đến nơi, tôi thấy một thanh niên trang phục lịch sự đứng bên một gốc cây, vẻ đang ngóng đợi ai đó. Trong khi mọi người đều tiến về phía giáo đường thì người thanh niên ấy vẫn đứng đấy, thỉnh thoảng xem đồng hồ... Hình ảnh đó cứ ám ảnh trong tôi. Rồi khi tan lễ vào lúc nửa đêm, đoàn người lũ lượt ra về, tôi rất ngạc nhiên khi thấy người thanh niên vẫn còn đứng ở chỗ cũ với vẻ buồn bã. Tôi đi ngang qua, lòng thầm cám cảnh cho một người mãi đợi chờ mà người kia không hiểu vì sao lại không đến chỗ hẹn?”. Năm 1973, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông lúc đó là chủ Hãng đĩa Continental có đề nghị Đài Phương Trang viết một ca khúc về Noel. Nhạc sĩ nhớ lại hình ảnh năm trước và cảm xúc cũ hiện về. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ ông đã hoàn thành ca khúc “Hai mùa Noel”.

“Bài Thánh ca buồn” - một trong những ca khúc bất hủ được hát nhiều nhất vào dịp Giáng sinh. Mặc dù trong tên bài có chữ “Thánh ca” nhưng thực chất đây là một bản tình ca. Dù trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng “Bài Thánh ca buồn” vẫn là một trong những nhạc phẩm hay nhất trong dịp Noel đối với nhiều thế hệ người Việt.

“Bài Thánh ca đó còn nhớ không em?

Noel năm nào chúng mình có nhau.

Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt.

Áo trắng em bay như cánh thiên thần.

Ngọt môi hôn dưới tháp chuông ngân”.

(Bài Thánh ca buồn - Nguyễn Vũ)

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ hồi tưởng về cơ duyên viết “Bài Thánh ca buồn” như sau: “Thuở ấy, tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con Gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo, mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Tôi cứ lặng lẽ theo sau cô ấy nhiều lần cho đến một hôm đúng ngày lễ Giáng sinh, trời mưa lất phất khiến cả hai không hẹn mà tình cờ cùng núp dưới mái hiên”. Những xúc cảm trong lần “hạnh ngộ” ấy mạnh mẽ đến độ để nhạc sĩ chắp bút nên ca khúc bất hủ “Bài Thánh ca buồn”.

MÙA BÌNH YÊN LẠI ĐẾN

Trước Chúa hài đồng, trước những cánh thiên thần bay trong giấc mơ, lẫn vào vẻ rực rỡ của cây thông Noel, trong sắc màu lung linh ở các quầy hàng lưu niệm, người ngơ ngẩn bước đi. Cảnh xưa vẫn đó mà người xưa đã rời xa, giữa bao đôi lứa sóng đôi và nhận ra Giáng sinh một mình:

Một mùa giáng sinh sang, mùa bình yên lại đến

Người người sát vai nhau tìm hơi ấm của tình yêu

Riêng anh vẫn một mình lang thang phố đông người

Lang thang giữa đêm lạnh đi tìm lại những giấc mơ.

(Giáng sinh một mình - Hoàng Bách)

Với giai điệu trẻ trung, lời ca phù hợp với giới trẻ, Giáng sinh một mình từng được coi là bài hát cho mùa Noel hiện đại khá thành công của ca, nhạc sĩ Hoàng Bách.

Ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên chúa, Giáng sinh là một ngày lễ sum vầy mọi thế hệ trong gia đình cùng nhau vui chơi ca hát, ăn uống, chuyện trò bên cây thông Noel. Và trẻ em trong gia đình rất yêu thích ngày lễ này vì những điều ước sẽ được nguyện cầu và được nhận những món quà từ ông già Noel khả kính.

Noel cũng là dịp mang đến thông điệp của hòa bình: “Vinh danh thượng đế trên cao - Bình an cho người dưới thế”. Là dịp để tình yêu đồng loại được lan tỏa với những phận người cô đơn, bệnh tật, già yếu… Và niềm tin tuyệt đối vào những điều tốt lành được giáng sinh nơi trần thế.

“Xin tình yêu giáng sinh

Cho một lần hoa nở

Xin tình yêu giáng sinh

Cho một lần ngực thở

Xin tình yêu giáng sinh

Cho một lần cửa mở

Xin tình yêu giáng sinh

Tình yêu của chúng mình”.

(Xin tình yêu Giáng sinh - Phạm Duy)

VŨ THANH HOA

 
;
.