Tiễn mùa hoa cỏ cũng đa mang

Thứ Sáu, 27/11/2020, 18:19 [GMT+7]
In bài này
.

Trong năm có một khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, đó là lúc trời đất chuyển dần từ thu qua đông, khi những cơn gió lạnh hơn bắt đầu thổi về, những cái lá cuối cùng trên nhánh cây lẻ loi cũng làm tròn bổn phận mình để thanh thản rơi về phía đất. Đó là những ngày giữa tháng 11 đầu tháng 12 (dương lịch), quãng chuyển mùa mà thi ca xưa nay hay gọi là những “ngày lập đông”:

Biển Vũng Tàu khi trời sang đông (Ảnh minh họa)
Biển Vũng Tàu khi trời sang đông (Ảnh minh họa)

“Trời lập đông chưa em, cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi

Để mặc anh lang thang, ôm giá băng ngỡ thầm người yêu tới.

Đêm chia ly em về, đường khuya em bật khóc...

Anh xa em thật rồi, làm sao quên mùi tóc

Em hỡi em, có phải tình băng giá là tình đẹp trên thế gian”

(Mùa đông của anh - Trần Thiện Thanh)

KHOẢNH KHẮC GIAO THOA MÙA

Có lẽ khoảnh khắc giao thoa từ mùa thu thơ mộng chuyển qua mùa đông hun hút lạnh khiến lòng người bâng khuâng, thấy có chút gì nuối tiếc, chút gì đó hụt hẫng cho những giấc mơ đẹp mới đó mà đã qua rồi:

“Lối quen nào bây giờ sao hun hút

Mắt em nhìn đâu thấy được mùa thương

Trời lập đông trên cỏ cây gầy guộc

Anh xa em hoang vắng những con đường

Có lời buồn vọng theo hồi chuông đổ

Tháng mười hai, ai còn có chờ ai?

Tình yêu buộc giữa hai đầu nỗi nhớ

Giọt mưa rơi hay những giọt lệ dài...

(Trời lập đông - Trần Tường Vi)

Đời người qua nhiều tưng bừng, qua nhiều nông nổi hân hoan, cũng cần có những bước chuyển, những khoảng lặng, những lúc ngồi lại và nhớ, và ngẫm:

“Này em áo đỏ đi ngang phố

Khéo lại làm đau những lá vàng

Ta trải lòng ra muôn nẻo nhớ

Tiễn mùa hoa cỏ cũng đa mang

Hốt hoảng mùa Đông sau cuống lá

Ta mãi tương tư với phố chiều

Em mảnh mai buồn trao phép lạ

Ngực mình hồ loạn tiếng chuông reo!”

(Chớm đông - Trương Nam Hương)

NHỮNG SUY TƯ TRONG NGÀY CHỚM ĐÔNG

Chuyện quê hương xứ sở, chuyện hợp tan, vui buồn của mỗi người. Đâu đâu cũng còn bao điều khiến người nghệ sĩ trăn trở, suy tư: Khi cả thế giới vẫn hàng ngày chống chọi cùng đại dịch COVID-19 và khúc ruột miền Trung vẫn đang oằn mình trong bão lũ…

“Sáng nay đông về bên cửa

Ngoài sân xào xạc lá khô

Em khoác áo choàng ra chợ

Nón nghiêng che phía gió lùa

Nghĩ đến vùng quê bão lũ

Nhà trôi, nước ngập trắng đồng

Áo mặc, cơm ăn đều thiếu

Lấy gì chống rét qua đông?

Nghĩ về biên cương, hải đảo

Mùa đông sương tuyết rơi dày

Bao nhiêu chiến sĩ đêm ngày

Canh phòng đi trong giá rét

Còn nơi nào trên đất nước

Bao nhiêu em nhỏ, người già

Náu nương góc chợ hiên nhà

Mong qua đêm dài lạnh lẽo”

(Đông về - Phan Hoàng)

Có người bạn nói với tôi rằng: Ấm áp không phải là khi bạn nói “Ấm quá!” mà là khi có người bạn yêu thương thì thầm với bạn “Em có lạnh không?”. Thì ra cái lạnh của thời tiết không tê buốt bằng chính cái lạnh của cô đơn, lẻ loi. Và cái ấm áp không chỉ từ áo len khăn choàng, mà còn từ cái nắm tay yêu thương, tin cậy:

“trời lập đông chưa anh?

ngọn gió sáng nay quất vào lành lạnh

săm se trên khóe môi son...

trời có mưa nhiều chưa anh?

phố em xõa màu nắng lụa

chiều ngang qua ngã tư

nhớ một niềm đã cũ…”

(Ở một nơi nào - Cao Hoàng Từ Đoan)

Đôi khi ta nhớ một thoáng heo may

Đôi khi ta nhớ một sớm sương vây

Con đường mùa đông hàng cây lá đổ

Đôi khi ta thèm lang thang như gió

Đôi chân vô định về miền hư vô

Đôi khi em bỗng về giữa cơn mơ

Đôi khi ta hát lời hát nghêu ngao

Thương một vì sao giờ xa quá rồi

Đôi khi ta thèm nghe lời em nói

Dẫu biết bây giờ chỉ là xa xôi

(Bâng quơ - Phú Quang)

Những nỗi buồn vu vơ ấy lại chính là những cung trầm len vào bản nhạc đời người để giao hòa lên những thanh âm lắng đọng. Đời người biết buồn tức là đã lớn, đã biết trân trọng và nâng niu. Ngoảnh lại không phải để lùi bước mà để tiếp sức cho một hành trình mới.

“Bóng Hoàng Hôn

Chiều sân ga gió thổi về se sắt

Ngọn đèn đường chập chờn vàng hiu hắt

Em lặng thinh nghe nước mắt lưng tròng

Trời bây giờ cũng vừa mới lập đông

Chiếc áo mỏng càng nghe đầy buốt giá

Không dám khóc mà lệ rơi lã chã

Lần cuối cùng nước mắt tặng cho nhau”

(Và cuối cùng thì anh cũng ra đi - Đỗ Mỹ Loan)

Đất trời vẫn bốn mùa quanh năm, nhưng mỗi độ mùa đi lòng người lại bộn bề mộng tưởng. Phải chăng vì chẳng có khoảnh khắc lập đông nào giống nhau?

Khi đón một thời khắc mới, cũng là lúc người ta có chút bâng khuâng, chút bối rối nhưng cũng là lúc mang trong lòng nhiều hi vọng, đón đợi một sự đổi thay:

“Lại đã thêm một mùa đông nữa đến!

Phố ngoài kia như vội sớm lên đèn

Hoa sữa muộn mằn cố thơm cuối vụ

Người qua đường trong sương sớm lạ - quen…”

(Lại đã đông về - Thuỵ Thảo)

Những thiếu nữ đã bắt đầu đem những chiếc áo len đủ sắc màu ra diện, vài chị lớn tuổi choàng thêm tấm khăn hoa trên cổ. Mùa đông nền nã, nhẹ nhàng ùa về từng góc phố. Trước những thử thách của thiên nhiên khắc nghiệt, vẫn mong những điều tốt lành đến cùng những cơn gió lập đông, mang đến niềm tin về tình người, về những điều tử tế để chúng ta tặng cho nhau:

“Bầy mòng biển tha dấu chân tràn vào hải cảng

những dấu chân đào ngũ từ chiếc cánh thứ chín của đóa hoa trà

màu đỏ chờ ngày Lập đông

qua thái dương một toan tính thì thầm sáng”

(Cửa nhà ai mở hé - Nguyễn Nhựt Hùng)

VŨ THANH HOA

;
.