Tên anh đã thành tên đất nước

Thứ Bảy, 25/07/2020, 07:31 [GMT+7]
In bài này
.

Đạo lý Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Vào những ngày mùa thu tháng Bảy, cả nước lại nghiêng mình tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân và sẵn sàng hy sinh cho công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường.

Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lòng biết ơn đó đã trở thành đạo lý chung của nhân loại tiến bộ, những người hiểu hơn hết giá trị quý báu của hòa bình. Văn học nghệ thuật là chiếc cầu nối văn hóa qua những tác phẩm khắc họa lại hình ảnh bất tử của những người lính.

DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM

Không thể hết được những tác phẩm thi ca khắc họa hình tượng người chiến sĩ cách mạng Việt Nam sáng ngời phẩm chất anh hùng, với khí chất hiên ngang, bất tử đã đi vào huyền thoại:

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để gì lại cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.

Tên Anh đã thành tên đất nước

Ơi Anh Giải phóng quân

Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)

Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ đỏ sao vàng. Những người chiến sĩ thầm lặng hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương đất nước sẽ mãi mãi được nhân dân ghi ơn sâu nặng, sẽ muôn đời lưu truyền trong sử sách của dân tộc:

Làng nước nơi nào không nghĩa trang

Một góc rừng đây đã bảo tàng

Những Dốc Đầu Lâu, những Đồi Tử Sĩ

Tên đất nghe còn đau tóc tang

Chiến trận xa rồi, bom đạn tắt

Mà sao nước mắt mẹ chưa khô

Những người yên nghỉ chưa yên nghỉ

Xương cốt run lên ở đáy mồ

Nén hương trước gió như lời nói

Đang hỏi trăm câu giữa lặng tờ

(Ở nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi - Vũ Quần Phương)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng lòng biết ơn về sự hy sinh vĩ đại của những người lính thì vẫn chuyển giao qua từng thế hệ hôm nay và mai sau:

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi

(Phương ấy -Hoàng Nhuận Cầm)

Vết thương chiến tranh vẫn còn để lại nhiều nỗi đau cho người ở lại. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những người vợ khắc khoải chờ chồng, những người mẹ mòn mỏi chờ mong những đứa con mãi mãi không về…

Và, có thể là, sáng mai bừng mắt ra

Mẹ sẽ nhận về một tờ giấy

Như nhiều bà mẹ ở làng

Tờ giấy mỏng manh

Nhưng lại nặng hơn ngàn tấn bom

Trút xuống tuổi già của mẹ

Cho dù thế, mẹ cũng đừng khóc nhé

Con không chết đâu

Xin mẹ cứ đọc Kiều

Cho căn nhà trở lại yên tĩnh

Dưới bóng cây bảng lảng hoàng hôn

Xin mẹ cứ ngồi tựa cửa chờ con

Như những ngày xưa

Mỗi chiều đi học về…

(Thư gửi mẹ - Trần Đăng Khoa)

Sự hy sinh không thể kể xiết ấy nhắc nhở cho hậu thế phải tiếp bước tiền nhân bảo vệ non sông Việt Nam trước các thế lực ngoại bang ngày đêm rắp tâm xâm lấn để bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do, sự thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắn nhủ “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tổ Quốc lưu truyền khí phách cha ông

Tổ Quốc vinh danh máu đào liệt sĩ

Tổ Quốc trở trăn qua mỗi ngày bình dị

Tổ Quốc khát khao trong tiếng trẻ học bài.

Lịch sử hào hùng gọi vinh hiển tương lai

Trải giông gió mở mùa sang hạnh phúc

Khó nhọc mỗi cuộc đời xây vinh quang Tổ quốc

Buồn vui mỗi con người xây tâm thế non sông

(Bài thơ Tổ Quốc -Lê Anh Phong)

VŨ THANH HOA

;
.