Quê nhà !

Thứ Sáu, 19/06/2020, 22:37 [GMT+7]
In bài này
.

Bao ngày tháng lưu lạc nơi xứ người cũng là bấy nhiêu năm trong tôi luôn đau đáu về quê nhà. Nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi có ngôi nhà vách đất mái tranh chứa chan kỉ niệm, đầy ắp yêu thương, nơi mà mãi mãi dang rộng vòng tay, tha thứ cho mọi lỗi lầm của những đứa con đã từ bỏ quê hương mà đi.

Còn nhớ, lúc thuở ấu thơ, mỗi ngày mẹ tôi dậy thật sớm nhóm lửa bằng bếp củi nấu cháo bữa sáng cho chị em tôi ăn lót dạ đến trường, còn mẹ thì nhịn đói quảy đôi quang gánh ra đồng. Quanh năm bà luôn giành lấy về mình những phần nhọc nhằn, kham khổ, nhường cho chị em tôi những gì tinh tươm nhất. Trước mặt chúng tôi bà chẳng lúc nào để nỗi buồn bộc lộ ra bên ngoài, luôn giấu kín những chuyện không vui trong lòng. Một mình mẹ âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi đêm đã về khuya, bà mới trải lòng mình ra cùng với sương gió mong manh, trải lòng mình ra cùng với nỗi nhớ về bố, trải lòng mình ra với nỗi quắt quay về cái ăn cái mặc cho đàn con thơ dại. Và lúc đó bất chợt tôi thức dậy, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc và bà vội xóa đi những giọt nước mắt, nhưng không kịp vì trên gương mặt phúc hậu, khắc khổ, một đời lam lũ đan dày những vết hằn vô tình của thời gian.

Nghe mẹ kể lại, bố tôi hi sinh trong một cuộc phản kích quyết liệt với địch trên đường Trường Sơn. Lúc đó tôi chưa đầy 2 tuổi. Cho nên những kỉ niệm về bố rất mờ nhạt, hầu như là không có và tôi cũng không hình dung được ông là người như thế nào. Tôi chỉ biết bố qua lời kể đầy tự hào, đầy tình yêu thương của mẹ đối với bố và qua một vài tấm hình đen trắng mà bà đã cẩn thận cất giữ. Khi tôi hỏi, bà nói bố tôi là một người hòa đồng, hiền lành. Ông là người làng trên, mẹ tôi là người làng dưới. Nhà ai cũng nghèo, mến thương rồi đến với nhau ở cái tình và bà thương ông ở một điểm nữa đó là trong ông có một tình yêu nước nồng nàn. Ba tôi có nước da rám nắng, nụ cười rất tươi, thương yêu vợ con hết mực.

Ông ra đi để lại mẹ tôi với 5 đứa con nheo nhóc. Ông hi sinh để lại một nỗi đau, một cú sốc quá lớn cho mẹ tôi nhưng cũng là niềm tự hào, niềm hãnh diện rất lớn cho gia đình vì ông đã chiến đấu anh dũng quên thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Trong nhà, tấm bằng khen Tổ quốc ghi công được mẹ treo ở nơi trang trọng nhất. Bà luôn lấy những chiến công, việc làm và hình ảnh của bố tôi ra làm gương để răn dạy anh chị em tôi, sống sao không thẹn với lòng, với gia đình, với bà con lối xóm và với Tổ quốc.

Bây giờ tôi đã có một gia đình riêng nhỏ, một người vợ hiền và 2 đứa con ngoan, học giỏi. Khi tôi được làm bố, tôi mới thấu hiểu hết được nỗi lòng của một người làm cha làm mẹ. Tôi yêu thương những đứa con của tôi như thế nào thì lúc xưa bố mẹ tôi cũng yêu thương chị em tôi như vậy. Tôi đi làm kể cả những ngày trong người đang dún bệnh, vì sợ nghỉ một ngày thì sẽ mất một công làm. Tôi mong muốn kiếm thật nhiều tiền để lo cho con cái ăn học đầy đủ, sao cho con mình không thua kém bạn bè. Tôi nghĩ đời ông bà, bố mẹ của nó đã khổ nhiều rồi. Nên tôi phải cố gắng hết sức để đời con mình cốt sao cho cuộc sống được tốt hơn. Bao tình thương tôi dồn hết vào con, vào gia đình.

Sau bao nhiêu năm lang thang phiêu bạc rày đây mai đó. Giờ trở về đứng trên chính mảnh đất, ngôi nhà mà mình đã sinh ra, lớn lên tôi ngỡ mình đang nằm mơ. Tôi dí dí mấy ngón chân len lõi xuống từng hạt cát, lúc này tôi nghe trong trái tim mình tràn đầy những vết xước, lòng tôi dâng lên một nỗi buồn man mác, một niềm hạnh phúc khó nói thành lời. Hình ảnh ngày xưa, anh chị em quây quần bên mẹ, bên mâm cơm chỉ toàn rau là rau, lâu lâu được vài con cá rô, cá sặc mùa đồng ngập nước mà mẹ băng lội khuya sớm nhọc nhằn nhưng đầm ấm, yêu thương. Và tự dưng trong sóng mũi tôi nóng ran cay nồng.

Hoàng hôn buông từng tia nắng chiều yếu ớt vàng vọt thấp thoáng len qua bụi tre già sau hè thoảng gió rì rào. Và văng vẳng tiếng đàn gà con chao chát tìm mẹ khi bóng đêm đổ dài từng vạt lạnh lùng. Lần trở về này, tôi cầu mong bố mẹ tha thứ  cho một thằng con ngỗ nghịch đã bỏ đi để cửa nhà quạnh quẽ, mẹ mong ngóng mỏi mòn, biền biệt hơn 20 năm lưu lạc tha phương. Nói lên từ tận sau đáy lòng: “Con xin lỗi bố mẹ. Bố mẹ ơi! bố mẹ hãy tha thứ đứa con bất hiếu này. Con yêu bố mẹ nhiều lắm”.

Tôi quắt quay trong từng tiếng rít của gió, của xác lá rơi. Tôi quá vô tâm, khi không hỏi han an ủi khi thấy mẹ khóc. Bố mất sớm, không giúp đỡ mẹ, mà lại để một mình mẹ tảo tần ngày nắng đêm sương. Ngày ngày mẹ luôn dạy bảo điều hay lẽ phải, nuôi nấng chị em tôi nên người. Vậy mà một phút bồng bột, nông nổi, tôi nghe lời bạn bè xấu rủ rê ăn chơi đàng đúm, mẹ biết chuyện lựa lời yêu thương khuyên bảo đủ điều. Tôi không những không nghe mà lại quay ra trách cứ và bỏ nhà đi biệt. Tôi rất ân hận, giờ này tôi quỳ bên mộ phần bố mẹ mong thời gian quay lại.

NGUYỄN HỮU PHÚ

;
.