Sướng hay khổ

Thứ Bảy, 28/03/2020, 06:51 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyện sống chung với bố mẹ chồng luôn là đề tài bàn tán của phụ nữ. Hầu hết mọi người không ai muốn sống chung với bố mẹ chồng bởi nhiều lý do. Trước hết là sự e dè, không thoải mái trong sinh hoạt, cuộc sống. Tiếp đến là sự lệch pha về suy nghĩ, cách sống do không cùng thế hệ. Vậy nên khi nói về chuyện này, cánh nữ hay than thở “phải sống cùng với bố mẹ chồng” chứ hiếm thấy ai nói “được sống cùng với bố mẹ chồng”. 

Trong mấy người chị em mà tôi chơi cùng, ai cũng nói chị Mơ sướng nhất, từ khi cưới đã không phải làm dâu, bố mẹ chồng ở quê, hai vợ chồng chị lập nghiệp trên thành phố. Đều đặn mỗi cuối tháng về thăm nhà một lần. Bố mẹ chồng quý chị lắm, con dâu về mà như khách quý, không cho động tay động chân việc gì, cứ việc dắt 2 đứa con sang chào hỏi, chuyện trò với bà con hàng xóm. Bọn tôi nghe chị kể mà cứ xuýt xoa, chị cười nói: Đấy là mình không ở cùng ông bà chứ ở cùng ra vào chạm mặt tối ngày kiểu gì chẳng có chuyện. Chúng tôi xua đi: “Chuyện đó khoan hãy tính, bây giờ cứ sướng cái đã”. 

Cô bạn sướng thứ hai trong nhóm chơi là Lan, sau mấy năm sống chung với mẹ chồng thì cũng tích cóp được một chút ít vốn liếng, cộng với bố mẹ hai bên cho cũng mua được ngôi nhà ra ở riêng. Khỏi phải nói Lan vui như thế nào, bạn mở hẳn một “tiệc cà phê” nho nhỏ mời chị em trong nhóm tới chia vui. Cuối cùng thì cũng được làm chủ trong ngôi nhà của mình, có thể lớn tiếng cự cãi với chồng khi bực dọc, có thể la mắng thằng con khi nó không nghe lời, có thể vì làm biếng một chút mà nũng nịu nhờ chồng làm việc này việc kia mà không phải dò trước xét sau. Tất nhiên, bọn tôi chúc mừng Lan khí thế. 

Người được cho ít sướng hơn là Tâm. Dù không phải sống chung với bố mẹ chồng nhưng do là sát vách nên luôn cảm thấy “bị” ông bà “giám sát”. Chuyện nấu nướng, dọn dẹp, chuyện dậy sớm dậy muộn đều phải để ý. Có lúc hứng lên muốn cùng cả nhà “đổi gió” đi ăn quán nhưng vì sợ ông bà không vừa ý nên đành bấm bụng hậm hực vào bếp. Có lần tổ chức sinh nhật cho mẹ chồng, Tâm bàn với chồng đặt các món ăn về nhà, khỏi phải lách cách nấu nướng, cả nhà ngồi chơi, nói chuyện cho thoải mái, ai dè mẹ chồng biết được giãy nảy lên kêu tốn kém, rồi không ngon, không hợp khẩu vị và bà xắn tay vào bếp. Nhưng bà hì hụi vào bếp nấu nướng, chả lẽ Tâm ngồi chơi. Vậy là bộ cánh mới phải thay ra, tóc uốn lọn bồng bềnh phải cột lên cho gọn gàng để còn làm rau dưa thịt cá. Tâm cầm muỗng cà phê khuấy nhẹ đều đều, giọng nói và đôi môi đầy vẻ hờn dỗi: tưởng sướng nhưng hóa ra chẳng khác gì hưởng án treo. Cả bọn bật cười: vẫn còn sướng chán. 

Ấy vậy mà kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, các trường học đều cho học sinh nghỉ để tránh dịch. Đối diện với việc chăm con, gửi con, tự nhiên chủ đề bàn tán sướng hay khổ khi sống chung với bố mẹ chồng trong nhóm chúng tôi có vẻ được thay đổi theo chiều hướng mới. Gần 2 tháng con nghỉ do dịch, Tâm vẫn yên tâm đi làm mà không phải đau đầu lo nghĩ chuyện gửi con ở đâu do có ông bà nội sát vách. Cứ sáng ra bà nội đã sang bồng cháu, cho ăn cho uống để Tâm đủng đỉnh đi làm. Trưa về bà lại bảo: mẹ nấu cơm cả rồi, vợ chồng đi làm về rồi qua ăn cơm luôn, khỏi phải đi chợ lách cách, mệt ra. Tâm cười sung sướng, té ra ở gần bố mẹ chồng sướng chứ đâu có khổ. Chị Mơ thì thở dài: từ lúc nghỉ dịch đến nay, 2 đứa con chị bị nhốt trong nhà tự trông nhau. Chúng suốt ngày ti vi với điện thoại thông minh. Mà giờ không làm thế thì biết sao. Ông bà thì ở xa, lại còn trông mấy đứa cháu con anh cả. Chị đang tính sắp tới nếu dịch bệnh còn chưa ổn, con còn phải nghỉ học chắc chị phải gửi con về cho ông bà chăm, có nhớ cũng đành chịu. Chứ cứ đà này xong nghỉ dịch chúng nó đến nghiện xem mất thôi. Giá ở gần ông bà thì đỡ bao nhiêu. 

Nghe mọi người nói, tự nhiên tôi cũng thấy mình rất may mắn khi được sống cùng với mẹ chồng. Dù cũng có lúc mẹ con không vừa lòng thuận ý nhưng vì là người một nhà, mọi chuyện đều nhanh chóng bỏ qua. Thiết nghĩ, sướng hay khổ là do mỗi người chúng ta tự cảm nhận, biết đúng, biết đủ, biết san sẻ, yêu thương, biết bỏ qua những điều nhỏ nhặt và nhìn vào những điều tốt của nhau thì cuộc sống sẽ luôn hạnh phúc và gia đình luôn tràn ngập tiếng cười. Khi đó, sống chung với mẹ chồng sẽ không còn là áp lực nữa.

THÚY PHƯƠNG

 
;
.