Một mình nhưng không đơn độc

Thứ Bảy, 28/03/2020, 06:46 [GMT+7]
In bài này
.

Virginia Woolf, nữ nhà văn lừng danh người Anh từng nói: “Trong cô đơn, chúng ta chú tâm sâu sắc vào cuộc sống của mình, vào những ký ức của mình, vào những chi tiết chung quanh”. Hình như chúng ta đang có cơ hội hiếm hoi để trải nghiệm điều này trong thời gian hiện tại bởi đại dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, trước đặc thù của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Việc cách ly một mình lại trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi cá nhân. Cách ly một mình chính là dịp để sống chậm, để lắng nghe những cảm xúc bản thân mình được trọn vẹn, để tận hưởng hương vị cuộc sống một cách nhẹ nhàng, an nhiên nhất.

Thương hiệu McDonald’s đưa ra thông điệp đậm tính nhân văn hưởng ứng tinh thần tạm thời tách biệt cộng đồng để chống đại dịch COVID-19.
Thương hiệu McDonald’s đưa ra thông điệp đậm tính nhân văn hưởng ứng tinh thần tạm thời tách biệt cộng đồng để chống đại dịch COVID-19.

SỐNG CHẬM ĐỂ CẢM NHẬN

Sau những ồn ã, tấp nập nơi thế giới bên ngoài, sau những được và mất, giành giật và bon chen, khi còn lại một mình, đối diện với chính bản ngã của mình, có thể ta nhận ra nhiều điều quý giá, mới thấu đáo được nhiều chuyện để bao dung với mình và với đời hơn:

“Nào phải âm thầm trong phòng thí nghiệm thử đúng - sai/Chính ở đây đất vượt qua thử thách/Bằng khó nhọc tình yêu, bằng khổ đau mất mát/Bằng bước đi lịch sử không chùn/Chọn thử đá bền qua lạnh giá nắng hun/Với nhiều mẫu, cuối cùng ta đã thấy/Một loại đá bền lòng như tim ấy/Chịu đựng vượt qua lao động, đấu tranh/Trải qua nhiều sóng gió đời nhìn lại/Số phận ơi tôi tha thứ hết cho người” (Lại một mình đơn độc lên đường - Olga Berggoltz)

Khi cô đơn, chúng ta có nhiều khoảng lặng để suy ngẫm, để sống thật với cảm xúc của bản thân, có thời gian cho riêng mình để hồi tưởng lại bao ký ức dù vui hay buồn cũng đều quý giá: “Trang sách ước năm xưa/đã đến ngủ bao nàng tiên tuổi nhỏ/chiếc ghế gỗ chơ vơ bên cửa sổ/bao giấc mộng đến ngồi rồi lại ra đi/Một trận mưa bất ngờ, một khung cửa thoáng qua/một gương mặt chập chờn rồi vụt biến/bao con tàu về ga bao con thuyền cập bến/mà riêng em chẳng đến cùng tôi…” (Đáng lẽ - Lưu Quang Vũ)

ĐỘC LẬP CHÍNH LÀ SỨC MẠNH

Xã hội hiện đại đề cao sự độc lập cá nhân bởi khi những cá thể tồn tại hoàn thiện thì liên kết cộng đồng mới có thể vững mạnh, vượt qua những thử thách của thiên tai, chiến tranh và hiện tại là đại dịch bệnh. Thời phong kiến, phụ nữ thường phải nương tựa vào chồng, thường ít có cơ hội được thể hiện bản thân, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Ở xã hội hiện đại, người phụ nữ có đủ độc lập về tri thức và kinh tế, họ có quyền được lựa chọn hạnh phúc cho mình. Nếu người bạn đời không đem lại hạnh phúc thì người phụ nữ sẵn sàng chọn cuộc sống nuôi con một mình, mà xã hội ngày nay quen gọi là “mẹ đơn thân”, đây chính là minh chứng rõ cho sức mạnh của sự độc lập. Lúc này, những người được gọi là “phái yếu” hay “phái đẹp” phải chịu nhiều thiệt thòi, chưa kể đến điều tiếng cay nghiệt. Những người phụ nữ đơn thân vừa lo toan cuộc sống, vừa dạy dỗ những đứa con của mình trong ngôi nhà vắng bóng người cha, người chồng. “Cho anh tựa vào em” là một bài thơ tôi rất thích của nữ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bài thơ cũng chính là nỗi lòng của chị: “Cuộc đời em đơn thân đến nỗi/Chưa bao giờ em tựa vào anh/Và vì thế em âm thầm sống/Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau/Bao lời tiếng lấm lem bùn đất/Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt/Em tựa vào em - đơn độc quen rồi/Em tựa vào em - gắng vững giữa đời”. 

Còn đối với nữ nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên, sự cô độc trở thành niềm kiêu hãnh, trở thành sức mạnh để chị dấn thân bước tiếp trên hành trình sống, hành trình thơ của số phận mình: “Có lẽ nào phải suy nghĩ lại/như một ai đó nói về giấc mơ/thật lạ/tôi chưa hề tưởng tượng ăn năn/về cái gọi là sự thật/tôi chưa bao giờ hối tiếc dày vò/về cái gọi là hư ảo/có lẽ nào phải suy nghĩ lại về những gì mình chưa kịp làm/ngay cả giấc mơ cũng thành có lỗi/Tôi đã mải miết đi dù rã rời mệt mỏi/những hành trình thói quen/hãy cho tôi xanh biếc với bầu trời đầy sao/đừng ai gọi tôi nghoảnh lại...” (Suy nghĩ - Phạm Thị Ngọc Liên).

Thương hiệu thức ăn nhanh số một thế giới McDonald’s đưa ra lời kêu gọi rất nhân văn hưởng ứng tinh thần cá nhân tạm thời tách biệt cộng đồng để chống đại dịch COVID -19: “Tách biệt một lúc để luôn ở bên nhau mãi mãi” kèm với Avatar thương hiệu với chữ M trứ danh được cập nhật tách biệt ra làm hai phần. Thông điệp này chính là tinh thần cần có của mỗi cá nhân để cùng nhau chặn đứng dịch bệnh nguy hiểm lây lan chết người này. 

Rồi sẽ đến ngày mai tươi sáng, khi mà những nỗ lực của mỗi người góp sức cùng toàn thế giới chống lại đại dịch sẽ đem đến những hiệu quả tốt đẹp. Khi ấy chúng ta sẽ hiểu nhau hơn bởi đã hiểu chính bản thân mình hơn, hiểu giá trị của sự cô đơn và hạnh phúc, hiểu sự chia ly và đoàn tụ: “Em xin lỗi làm chi, chẳng cần đâu anh nhỉ/Thề thốt chăng? Cũng vô ích thôi mà/Nhưng ví thử em tin, anh còn quay trở lại/Thì một ngày nào, anh sẽ hiểu ra/Và mọi tổn thương, chúng mình xóa hết/Chỉ ở bên nhau, sánh bước trọn đường/Chỉ cần được sóng đôi, và chỉ khóc/Chỉ khóc thôi, đủ bù đắp tận cùng!” (Bài thơ cuộc đời - Olga Berggoltz)

VŨ THANH HOA

;
.