CHÀO MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10)

Xuân Quỳnh - Em yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng

Thứ Sáu, 18/10/2019, 07:25 [GMT+7]
In bài này
.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 77 của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, Google đã chính thức thay đổi ảnh đại diện logo trên trang chủ thành bức họa cách điệu chân dung Xuân Quỳnh cùng với hình ảnh con thuyền lướt trên sóng và đàn chim trên bầu trời, lấy cảm hứng từ bài thơ “Sóng” nổi tiếng của nữ sĩ: Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu?/Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau…”.

Chân dung thi sĩ Xuân Quỳnh.
Chân dung thi sĩ Xuân Quỳnh.

Như vậy, sau cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, Xuân Quỳnh là danh nhân Việt Nam thứ 3 - là phụ nữ Việt đầu tiên được Google vinh danh trên trang chủ. Với sự lựa chọn của Google lần này, Xuân Quỳnh được đánh giá là một trong những nhà thơ tiêu biểu và có tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với văn học Việt Nam.

NGHỆ SĨ MÚA XINH ĐẸP, THI SĨ TÀI NĂNG

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 6/10/1942 tại Hà Đông, Hà Nội. Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Chị đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Vienna 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ khoá I của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, chị làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam.

Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Trước đó, chị đã kết hôn lần đầu tiên với một nhạc công của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và đã ly hôn. Từ năm 1978 đến lúc mất, Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

Thi sĩ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001. Ngày 30/3/2017, chị chính thức được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với hai tập thơ là Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.

Hình ảnh tôn vinh nhà thơ Xuân Quỳnh trên Google.
Hình ảnh tôn vinh nhà thơ Xuân Quỳnh trên Google.

MỐI TÌNH ĐỊNH MỆNH VÀ NHỮNG ÁNG THƠ BẤT HỦ

Không chỉ trong văn chương mà cả trong cuộc đời, chuyện tình của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh và nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã trở thành một biểu tượng tình yêu đắm say, thơ mộng và cũng chính là cội nguồn cho bao sáng tác để đời.

Đọc thơ Xuân Quỳnh, nhận thấy những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam hiện lên rõ nét. Trước hết đó là sự chân thành, nhẫn nại và khiêm nhường: “Không sĩ diện đâu nhưng nếu tôi yêu được một người/Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm/ Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng” (Thơ viết cho mình và những người con gái khác) hay: “Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ, không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong” (Mẹ của Anh). Chuyện “con dâu-mẹ chồng” ngàn đời bỗng được hóa giải nhẹ nhàng qua những câu thơ dung dị đầy lòng vị tha sâu sắc.

Thơ Xuân Quỳnh còn nêu bật được cá tính của nhà thơ, tuy sống ở thời đại vẫn coi sự hy sinh, chịu đựng là một yếu tố cần thiết của người phụ nữ. Xuân Quỳnh đã tự tin cởi mở trái tim, dám sống hết mình vì người đàn ông mình yêu trong hành trình kiếm tìm những giá trị đích thực của của người phụ nữ Việt: “Em trở về đúng nghĩa trái tim/Biết làm sống những hồng cầu đã chết/ Biết lấy lại những gì đã mất/ Biết rút gần khoảng cách của yêu tin/ Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em/ Biết khao khát những điều anh mơ ước/ Biết xúc động qua nhiều nhận thức/ Biết yêu anh và biết được anh yêu” (Tự hát) hay “Ở ngoài kia đại dương/Trăm nghìn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở” (Sóng).

Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh tha thiết, nồng nàn nhưng rõ ràng là sự cộng hưởng của hai trái tim, hai tâm hồn. Có cả buồn vui, mong nhớ thậm chí đôi chút giận hờn nhưng không thể là bi lụy, tuyệt vọng, đơn độc: “Anh yêu ơi, hãy tha lỗi cho em/Nếu đôi lúc giận hờn anh vô cớ/ Những bực dọc trong ngày vất vả/ Làm anh buồn mà em có vui đâu/ Chỉ riêng điều được sống cùng nhau/ Niềm sung sướng với em là lớn nhất/ Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực/ Giây phút nào tim đập chẳng vì anh” (Chỉ có sóng và Em) và “Chỉ có thuyền mới hiểu/Biển mênh mang nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu” (Thuyền và Biển).

Đọc thơ Xuân Quỳnh, còn nhận ra khí chất của người thiếu phụ làm thơ lại vừa làm vợ, làm mẹ: Đằm thắm, bình thản trước muôn vàn thử thách của đời sống, trước quy luật hà khắc của thời gian nhưng dù vạn vật có đổi thay nhưng tình yêu với người, với đời thì vẫn mãi sâu lắng, trường tồn: “Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại/ Kìa bao người yêu mới/ Đi qua cùng heo may” (Thơ tình cuối mùa thu) hay như: “Bao ngày tháng đi qua trên mái tóc/ Chỉ em là đã khác với em xưa/ Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi/ Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy/ Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy/ Màu hoa vàng vẫn cháy trong em” (Hoa cúc).

Đã hơn 30 năm trôi qua từ khi Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cùng nhau từ bỏ cõi tạm để mãi mãi đi vào cõi thơ trong sự tiếc thương của bao người. Mới đây, bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh được một nhóm sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phổ nhạc theo phong cách acoustic, có thêm phần rap khá độc đáo. Ca khúc này đã giành giải nhất trong 1 cuộc thi và được cư dân mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Tại TP.HCM, có một con đường nội khu của một khu đô thị mang tên bà. Hội Nhà văn Việt Nam đang xem xét, kiến nghị đặt tên Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cho đường phố tại Hà Nội.

Tháng Mười, có sinh nhật nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, cũng có ngày kỷ niệm Phụ nữ Việt Nam (20/10). Mùa thu đã bắt đầu về trong từng chiếc lá, lại nhớ những câu thơ của Xuân Quỳnh: “Em có đem gì theo đâu/Em để lại cho anh tất cả/ Doi cát vàng với dòng sông đỏ/ Bờ bãi quanh năm xanh mướt màu xuân/ Những làng hoa hương thoáng xa gần/ Vườn hoa trẻ như thuở mười sáu tuổi/ Cọng rơm mới tháng mười thơm trải/ Trên con đường nắng sáng ta đi...” (Em có đem gì theo đâu).

VŨ THANH HOA

;
.