Con vào đại học

Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:38 [GMT+7]
In bài này
.

Con bước vào giảng đường đại học, niềm vui nỗi buồn cứ làm ba trăn trở, băn khoăn. Ba vui vì con đã trưởng thành, nên người, biết cố gắng học tập để lo cho tương lai của mình. Nhưng ba buồn gấp bội, vì từ đây cuộc sống của gia đình ta sẽ chật vật hơn trước. Nhà vốn đã nghèo, đứa em cũng đang độ tuổi đi học như con, biết bao nhiêu khốn khó đổ úp lên đôi vai còm cõi của ba. Tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình ta chỉ trông chờ vào vài công ruộng sau nhà. Nếu trúng mùa, ba có thể thoải mái lo cho hai con ăn học và những chuyện sinh hoạt thường nhật. Còn thất vụ, nỗi buồn lại trĩu nặng trên gương mặt già nua của ba.

Ông bà mình hay nói “Nhất giống, nhì phân, tam cần, tứ nước”, để đưa ra những quy luật thiết yếu cho một vụ mùa bội thu. “Cần” thì ba không sợ, vì ba đã chịu thương chịu khó quen rồi, cực khổ thêm một chút thì cũng có sao. “Nước” tưới tiêu thì làng quê ta không thiếu, bởi những con sông đục ngầu phù sa luôn cuồn cuộn, gắn bó với người dân quê mình từ bao đời nay. Nhưng  “giống” và “phân” đều phải mua lấy, mà phải loại đạt chất lượng và bắt kịp thời đại mới mong mang lại năng suất cao. Đặc biệt là phân, giá thành rất đắt đỏ, lấy đâu ra tiền sẵn cho mình mua đây. Mua trước trả sau - đó là chuyện thường thấy đối với những người làm nông không vốn như ba. Tuy nó cao giá hơn một chút, nhưng bù lại mình khỏi phải đi vay bên ngoài hay vay tiền ở ngân hàng. Nói là chăm sóc chu đáo, phân thuốc đều đều, nhưng đôi khi những con sâu bọ cứng đầu làm ba phải đứng tim.

Nhớ cái hôm con lên thị thành, lúa bị rầy nâu, sâu bọ phá đám, làm ba điêu đứng. Thu hoạch vụ đó lỗ to, không đủ trả tiền phân thuốc, mà nhà mình đang cần tiền để đóng học phí cho con, nên ba buộc lòng phải đi vay nóng. Giờ lại nghe con điện thoại về hối thúc ba gửi tiền lên đóng học phí, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền phòng,… ba thấy mệt mỏi vô cùng. Buồn là vậy, nhưng phận làm cha mẹ, không lẽ nhìn con thui chột văn hóa, không phát triển tương lai? Vụ lúa Đông Xuân chưa thu hoạch, còn cách nào khác hơn là tiếp tục vay nợ. Mượn được số tiền, ba mừng hết lớn, vội chạy ra bưu điện xã gửi nhanh cho con kịp trang trải. Nói chuyện với con qua điện thoại, nghe con líu lo là học tốt, chăm chỉ, không la cà, hòa đồng với bạn bè chung phòng… làm ba yên tâm vô cùng. Con còn khoe với ba là: “sắp tới con sẽ đi làm thêm để bớt gánh nặng cho ba. Dù sao ba cũng già rồi, làm nhiều quá không tốt cho sức khỏe. Sang năm hai con sẽ tự lo cho mình được, ba yên tâm nghen. Con hứa uy tín với ba đó!”. Lời nói chắc nịch của con làm ba vừa mừng mà vừa thẹn. Ba vô dụng quá phải không con trai?

Thực sự ba không muốn nói ra chuyện này chút nào, vì ba chỉ cảm thấy xấu hổ hơn khi đó chính là trách nhiệm của mình nhưng lại không lo trọn vẹn. Ba thổ lộ nỗi lòng này chỉ mong con hiểu mà cố gắng học thật tốt. Đừng ăn chơi lêu lổng nơi xứ người mà đánh mất cả tương lai và lãng phí biết bao công sức của ba làm nên, con nhé!

NGUYỄN HOÀNG DUY 

;
.