Chuyển thể phim từ tác phẩm văn học

Thứ Sáu, 13/09/2019, 06:07 [GMT+7]
In bài này
.

Nếu như văn chương ra đời và phát triển từ hàng ngàn năm trước, được coi như loại hình nghệ thuật cổ điển phổ thông nhất thì điện ảnh, loại hình nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn nhất chỉ mới xuất hiện cách đây hơn trăm năm. Sinh sau đẻ muộn nên điện ảnh được thừa kế, tiếp thu rất nhiều những thành quả, kinh nghiệm của các loại hình nghệ thuật ra đời trước nó từ âm nhạc, vũ đạo, tuồng, chèo, cải lương, điêu khắc, hội họa, đặc biệt là văn chương. Mối quan hệ giữa văn chương và điện ảnh là mối quan hệ được đặt ra sớm nhất và cũng mạnh mẽ nhất. Từ xưa văn học đã luôn là kho tàng vô tận và nền tảng vững chắc cho các nhà làm phim có được nguồn chất liệu tốt và phong phú nhất để đưa những câu chuyện đời từ tác phẩm văn học lên màn ảnh.

Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Một cảnh trong phim “Cánh đồng bất tận” được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Không thể thống kê hết các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Những tiểu thuyết nổi tiếng như: Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Pari, Chiến tranh và hòa bình, Anna Katerina, Ba người lính ngự lâm, Trà hoa nữ, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Chúa tể của những chiếc nhẫn, Harry potter, Chạng vạng… đều được đưa lên màn ảnh, trở thành những bộ phim kinh điển của các nền điện ảnh tân tiến nhất thế giới.

Trong các tác phẩm phim truyện ghi dấu ấn của nền điện ảnh Việt Nam cũng có rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Phải kể đến trước tiên là phim “Vợ chồng A Phủ”, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Tô Hoài, sản xuất năm 1961 do chính nhà văn viết kịch bản, Đây là một trong những bộ phim đầu tiên được đánh giá là phim truyện hay nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. “Chị Dậu” chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, sản xuất năm 1980 và “Làng Vũ Đại ngày ấy” chuyển thể từ ba tác phẩm đặc sắc “Chí Phèo”, “Lão Hạc”, “Sống mòn” của nhà văn Nam Cao, sản xuất năm 1982 là hai bộ phim đạt được những thành công vang dội, trở thành hai bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. 

Ngoài ba bộ phim trên thì những tác phẩm văn học đặc sắc như “Một chuyện chép ở bệnh viện” (chuyển thể thành phim “Chị Tư Hậu”),“Người mẹ cầm súng” và “Mẹ vắng nhà”  của nhà văn Nguyễn Thi (chuyển thể thành phim “Mẹ vắng nhà”), “Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu, “Tuổi thơ dữ dội” nhà văn Phùng Quán, “Mùa len trâu” của nhà văn Sơn Nam “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn nữ Đỗ Bích Thúy (chuyển thể thành phim “Chuyện của Pao”), “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (chuyển thể thành phim “Đừng đốt”). “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… đều đã trở thành những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng. Thường các nhà làm phim chọn những tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, phóng sự để chuyển thể. Tuy nhiên cũng có không ít phim được chuyển thể từ các câu chuyện dân gian như phim “Thằng Bờm”, “Thằng Cuội”, “Trạng Quỳnh”, “Tấm Cám; chuyện chưa kể”. Cá biệt còn có những bộ phim được chuyển thể từ thơ như  “Lục Vân Tiên”, “Long Thành Cầm giả ca”. 

Mặc dù ra đời trễ hơn so với phim màn ảnh rộng nhưng do lợi thế về cách thức làm phim đơn giản, tiết kiệm nên truyền hình có điều kiện chuyển thể nhiều tác phẩm văn học đồ sộ thành những bộ phim dài tập hút khách. Thành công nhất phải kể đến các phim bộ hoành tráng của truyền hình Trung Quốc như “Tam Quốc”, “Thủy Hử”, “Tây Du ký”, các tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao, kiếm hiệp của Kim Dung… Tại Việt Nam các tác phẩm như “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường (được chuyển thể thành bộ phim “Đất và người”), “Mùa lá rụng trong vườn” của nhà văn Ma Văn Kháng, “Dòng sông phẳng lặng” của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng (được chuyển thể thành phim “Thương nhớ ở ai”)… cũng đã trở nên quen thuộc hơn nhiều sau khi được chuyển thể thành phim. 

Nếu như hầu hết những tác phẩm văn học đỉnh cao đều ít nhiều tạo cảm hứng cho các nhà làm phim thì ngược lại, các nhà văn cũng rất hào hứng khi sách của mình được chuyển thể thành phim vì ngoài tiền bản quyền, cao hơn tiền nhuận bút nhiều lần, sẽ có thêm một lượng lớn khán giả biết đến tác phẩm của họ. Tác phẩm điện ảnh không thể làm tác phẩm văn học hay hơn nhưng do đặc thù riêng, văn hóa nghe nhìn nói chung, phim truyện nói riêng luôn có số lượng khán giả lớn hơn nên việc chuyển thể thành phim sẽ làm tác phẩm nổi tiếng hơn. Đó là chưa kể có những tác phẩm văn học bình thường nhưng sau khi được chuyển thể, qua bàn tay phù phép của một đạo diễn tài ba nào đó lại trở thành một tác phẩm điện ảnh đặc sắc. Danh tiếng của tác phẩm và nhà văn cũng nhờ đó được nâng lên thêm vài bậc. Lợi đơn lợi kép. Thế nhưng điều đáng nói là không phải tác phẩm văn học nào được chuyển thể thành phim cũng thành công. Thường thì tác phẩm điện ảnh không bao giờ nói được hết ý của tác phẩm văn học và cảm xúc khi xem những hình ảnh động trên phim không thể so sánh với cảm xúc tuyệt vời khi tưởng tượng ra chúng qua những câu văn tả cảnh, tả tình đẹp đẽ, sâu sắc của nhà văn. Không ít tác phẩm đã bị thui chột đi sau khi chuyển thể. Nhiều tác phẩm văn học sau khi chuyển thể dù được đánh giá là rất thành công đi chăng nữa cũng không làm vừa ý tác giả và độc giả hâm mộ. Thậm chí có không ít kiệt tác văn học sau khi được chuyển thể bị đánh giá là quá dở khiến cho nhiều nhà văn và độc giả cảm thấy thất vọng, thậm chí là bất bình sau khi xem phim. Chính vì thế trên thế giới đã từng có khá nhiều nhà văn lớn tuyên bố không cho đưa các tác phẩm văn học của mình lên sân khấu hay màn ảnh như Guy de Maupassant, Mikhailovic Dostoyevsky, Garcia Marquez, Milan Kundera... Ở Việt Nam, nhà văn Bảo Ninh tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” sau khi xem qua kịch bản phim cũng tuyên bố không thể chấp nhận được khi tác phẩm này được chuyển thể thành phim vì nó quá khác với nguyên gốc. Điều này gây ra một áp lực không nhỏ cho các nhà làm phim. Tác phẩm càng nổi tiếng thì áp lực càng cao. Đây có lẽ cũng là lý do khiến cho đến tận bây giờ tác phẩm vĩ đại “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vẫn chưa có mặt trên màn ảnh.

Trong bối cảnh điện ảnh trong nước đang thiếu kịch bản hay để dựng phim, văn hóa đọc cũng đang bị lấn át bởi  những video clip nhảm nhí thì việc tìm kiếm, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học đặc sắc qua con đường chuyển thể thành phim phải chăng là giải pháp tốt nhất cho cả hai loại hình nghệ thuật này!?

BÙI ĐẾ YÊN

 
;
.