Khi nửa kia phản ứng bằng cách "im như thóc"

Thứ Hai, 26/08/2019, 08:29 [GMT+7]
In bài này
.

Lâu nay, không ít phụ nữ cho rằng, đã mày râu thì tâm trí của họ luôn nghĩ đến “chuyện lớn” có tính chất “đội đá vá trời”. Vì lẽ đó, một khi đã bù khú, lai rai, trà dư tửu hậu ắt họ chỉ bàn đến những vấn đề to tát ấy. Nghĩ thế là nhầm to.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Theo tôi biết, những lúc ấy, họ còn thảo luận, bàn luận, tranh luận sôi nổi cả về… kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có thể do mối thân tình chỉ gói gọn trong dăm ba bồ tèo chí cốt, mồm mép ít lép xép nên họ không ngần ngại tâm sự những trúc trắc, trục trặc đang vấp phải.

Thử hỏi, nỗi sợ hãi nhất của họ lúc “cơm không lành, canh không ngọt” là gì? Vốn hay hóng chuyện nên tôi dám quả quyết, đó là lúc quý bà/quý cô tung chiêu “im lặng là vàng”. Suốt một ngày trời, cô nàng chẳng thèm hé răng ra nói một câu. Ngày này, qua ngày sau nữa cũng mang bộ mặt hình sự và tất nhiên cứ im như thóc. Chẳng rằng, chẳng thưa. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Va phải tình huống này rất ư… mệt đầu.

Chẳng biết phải làm thế nào để nàng thốt ra “lời vàng ý ngọc”, dù rằng, đó là câu cằn nhằn, chì chiết thì cũng đặng. Đàng này, cứ im ỉm như búp bê di động, dẫu có trổ tài chọc cười như danh hài sân khấu đi nữa thì cũng chẳng ăn thua gì. Thử hỏi, sống chung một nhà, cơm chung mâm, ngủ chung giường nhưng “nửa kia” cứ như thể ma-nơ-canh di động, thì còn gì vui?

“Vậy phải làm sao?”. Người vừa thốt lên câu tâm tư ấy, chính là Chu - một người bạn thuộc hạng “hầm hố”, tính cách sôi nổi, nói năng rổn rảng của tôi. Hắn tâm sự, đại khái, do chiều hôm ấy, chậm trễ đón con tan trường, cô vợ phải thay thế chồng. Lúc nhớ ra, hắn vội rời khỏi bàn nhậu, phóng xe đến nơi đã thấy cổng trường cửa đóng then cài. Sân trường vắng tanh.

Hoảng quá, hắn điện thoại cho vợ chỉ nghe đổ chuông nhưng không nghe máy. Lạ quá, chuyện này chưa hề xảy ra bao giờ. Cách xử lý của hắn là phải về nhà ngay lập tức. Trên đường đi, ối dào, chỉ cần nghĩ đến tình huống xấu nhất là hắn đã tự sỉ vả mình thậm tệ, cũng chỉ vì do nể nang, bạn bè níu kéo mà ra. Ăn năn, hối lỗi cũng bằng thừa. Hắn hoảng lắm.

Nếu xảy ra tình huống đó, làm sao bây giờ? Phải báo ngay cho công an? Phải báo cho nhà trường? Phải thế này, phải thế nọ đến rối tung cả đầu. Khi về đến nhà, trời, hắn mừng rỡ đến nhẹ cả người là thấy bé nhóc đang ngồi ăn cơm với mẹ. Thở phào như vừa trút khỏi tảng đá ra khỏi ngực, chưa kịp nói năng gì đã nghe vợ hỏi: “Anh biết mấy giờ rồi không?”. Chỉ mỗi câu hỏi ấy, cô vợ chẳng thèm hé môi ra trao đổi thêm bất kỳ câu gì khác.

“Vậy phải làm sao?”. Nhiều người tỏ ra ái ngại, thông cảm và “hiến kế”, cách tốt nhất là nên thành thật xin lỗi vợ: “Cưng ơi, lỗi tại anh”. Cứ hô câu “thần chú” nhiều lần trong ngày, ắt có thể sẽ hóa giải được vấn đề đang gút mắc chăng?

Khi bàn về cách giải quyết, có lẽ cách tốt nhất là nên hỏi phụ nữ. Cô Xuyến-đồng nghiệp của tôi bật cười: “Cách ấy hiệu nghiệm nhanh hay mau thì còn tùy vào tính cách của mỗi người nữa. Vấn đề là mình phải biết tạo ra tình huống nhằm thúc đẩy cho tiến trình kết thúc đến nhanh hơn”. Chà, tôi nghe mà lùng bùng lỗ tai, cứ như thể thời đi học nghe cô giáo giảng bài về các phản ứng hóa học; cứ như thể nghe thám tử tài ba Sherlock Holmes hướng dẫn cách “phá án”.

Gay go đến thế cơ à?

Sau khi nghe tôi nói ra suy nghĩ ấy, Xuyến càng cười tợn: “Anh chỉ khéo trầm trọng hóa vấn đề. Tạo tình huống là thế này nè”. Rồi cô kể kinh nghiệm đã từng trải qua rằng, dạo trước vì lý do nọ nên chồng cô trở chứng chẳng thèm nói năng gì cả. Có hỏi, cũng im thin thít như thịt nấu đông, ậm à ậm ừ trông ghét lắm. Nhưng khổ nỗi, lỗi ấy do mình gây ra khiến chồng giận nên cô “xuống nước”, tìm mọi cách dàn hòa.

May sao, bỗng dưng Xuyến “thông minh đột xuất”: Chọn lấy ngày cuối tuần, cô trổ tài làm món ăn thật ngon rồi mời bố chồng qua nhà lai rai. Do có chủ ý nên lúc ăn uống, cô liến thoắng gợi chuyện để ông bố bàn thêm vấn đề này nọ. Sau những pha đối đáp, ông bố hỏi: “Thế nào? Việc ấy, con hỏi chồng con ra sao?” Cô hỏi ngay và tất nhiên, anh chồng đố dám không mở miệng vì ông bố đang chờ nghe. Rồi cứ thế, giữa vợ và chồng lại bắt đầu “kết nối”, thoát ra khỏi tình cảnh “ngoài vùng phủ sóng”...

“Đấy! Tạo tình huống là vậy, cậu hiểu chưa ạ?”. Tất nhiên là hiểu! Và qua nhiều trường hợp khác nhau, tôi càng hiểu rằng, khi “một nửa” tung chiêu im lặng, rõ ràng là một biện pháp khiến “nửa kia” khó đỡ lắm. Tuy nhiên, tôi mạo muội nghĩ rằng, phải tùy trường hợp chứ không nên vận dụng liên tu bất tận và nhất là không nên kéo dài thời gian.

LÊ MINH QUỐC

 
;
.