"Chim sơn ca" Thương Huyền

Thứ Hai, 26/08/2019, 08:41 [GMT+7]
In bài này
.

Một giọng ca trong veo, thánh thót tựa chim sơn ca trong suốt 40 năm, được coi là một trong những ca sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến. Bà có nhiều đóng góp lớn cho nhạc cách mạng và nổi bật ở dòng nhạc dân ca, là thầy của nhiều thế hệ ca sĩ, trong đó có những tên tuổi như NSND Lê Dung, giảng viên Hồ Mộ La... Năm 1957 tại Moskva (Liên Xô), bà trở thành ca sĩ Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Bạc cuộc thi hát dân ca quốc tế. Bà chính là NSND Thương Huyền.

NSND Thương Huyền.
NSND Thương Huyền.

DANH CA NHẠC TIỀN CHIẾN

Nghệ sĩ Thương Huyền tên thật là Nguyễn Thị Thường sinh năm 1925 (có nơi ghi 1923) tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Thương Huyền bắt đầu đi hát và nổi danh từ trước Cách mạng tháng Tám (1945). Bà cùng với nghệ sĩ Mai Khanh, Thái Thanh… hát những bài hát tiền chiến của các nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy... tại các quán Tân Nghệ sĩ, Thiên Thai và gây được nhiều tiếng vang thời bấy giờ. Theo hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy, Thương Huyền là một “nàng thơ” thời kỳ đầu cho nhạc sĩ tài hoa này, ông mô tả “nàng có nụ cười rất phúc hậu” và ông đã “lăng xê giọng hát phái nữ hay nhất lúc đó” là Thương Huyền tại phòng trà Thiên Thai ở phố Hàng Gai khoảng cuối năm 1945 đầu 1946. Thương Huyền còn là một trong những nghệ sĩ đầu tiên hát những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao như Suối mơ, Thiên thai, Đàn chim Việt…

MỘT TRONG NHỮNG NGHỆ SĨ ĐẦU TIÊN THEO CÁCH MẠNG

Cách mạng tháng Tám đã mở ra con đường mới trong hoạt động ca hát chuyên nghiệp của Thương Huyền. Bà trở thành một trong những ca sĩ đầu tiên đi theo cách mạng. Tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, bà đã hát hai ca khúc Suối mơ và Thiên thai trong buổi khai mạc chương trình Tuần lễ Vàng và Hũ gạo cứu đói do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Hình ảnh nhân dân, không phân biệt giàu nghèo, nô nức đến quyên góp vàng cho cách mạng, không phân biệt đói no nhịn ăn một bữa để dành gạo cứu giúp đồng bào, đã khiến ca sĩ rưng rưng xúc động. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, nữ ca sĩ Thương Huyền đã có may mắn được gặp Hồ Chủ tịch. Bà còn nhớ như in những kỷ niệm ấy, khi kể lại trong bài đăng trên báo Văn nghệ nói trên. “Bác đặt tay lên đầu tôi khe khẽ nói: Hát cũng là chiến đấu, cháu gắng hát sao cho kẻ địch phải buông súng quy hàng, cháu làm được chứ?”.

Thương Huyền hát nhiều thể loại, từ những ca khúc trữ tình, tiền chiến như những ca khúc của Văn Cao, Trào lòng (Nguyễn Văn Khánh), Chinh phụ hoài khúc (Lê Xuân Ái), Hòn vọng phu 1 (Lê Thương), Nhắn người chiến sĩ (Doãn Mẫn)... cho tới những sáng tác cách mạng mới như Nhớ chiến khu, Côn Đảo, Sơn La (Đỗ Nhuận), Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng (Lưu Hữu Phước),...

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Thương Huyền tham gia Đoàn Kịch Giải phóng có Song Kim, Lưu Bách Thụ, Phạm Văn Đôn, Hoàng Oanh, Phạm Duy, Phạm Đình Viêm, Văn Cao, Mai Khanh theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi trên các chiến trường, các khu sơ tán.

Năm 1947, bà được mời về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam. Tại đây bà đã được thu âm và phát sóng nhiều bài hát như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Mơ đời chiến sĩ (Lương Ngọc Trác), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Sông Lô, Làng tôi, Ca ngợi Hồ Chủ tịch (Văn Cao), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)... Mai Khanh và Thương Huyền là những giọng hát đầu tiên vang lên trên sóng Đài TNVN chỉ với nhạc đệm rất thô sơ như đàn Banjoline, hay đàn Accordion hoặc đàn guitare cũ kỹ. Họ cứ hát thẳng vào micro để phát thanh trực tiếp trong phòng truyền âm ở sau Nhà hát Lớn (đường Phạm Ngũ Lão bây giờ).

“Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!/Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/Hà Nội hồng ầm ầm rung/Hà Nội vùng đứng lên!/Hà Nội vùng đứng lên!/Sông Hồng reo/ Hà Nội vùng đứng lên!” (Người Hà Nội - Nguyễn Đình Thi)

GIỌNG DÂN CA BẮC BỘ SỐ MỘT NHỮNG NĂM 50-60

Trong thời gian công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam , Thương Huyền đã học hỏi những làn điệu dân ca, hát chèo của các nghệ sĩ lão thành như Năm Ngũ, Dịu Hương... Bà đóng thành công vai Tấm trong vở chèo Tấm Điền cải biên từ vở Tấm Cám của Thế Lữ và Lưu Quang Thuận.

Với giọng hát cao vút, trong sáng tự nhiên và kĩ thuật rung hột (một kĩ thuật điển hình của quan họ) ấn tượng, bà đã thể hiện nhiều ca khúc dân ca Bắc Bộ, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh như Trống cơm, Hoa thơm bướm lượn, Trèo lên trái núi thiên thai, Lý cây đa... rất xuất sắc. Thương Huyền cũng được coi là giọng hát dân ca Bắc Bộ số một trong thập niên 1950 - 1960.

Sau khi kháng chiến kết thúc, năm 1954 bà trở về Hà Nội công tác. Bà cùng đội hợp xướng Hòa Bình sang Trung Quốc thu những đĩa hát đầu tiên của Việt Nam. Năm 1957 trong Đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên lần thứ VI tổ chức tại Moskva, bà đã giành Huy chương Bạc ở cuộc thi hát dân ca quốc tế (đây cũng là lần đầu tiên một ca sĩ Việt Nam giành một giải thưởng quốc tế). NSƯT Tuyết Thanh kể lại, khi luống tuổi, Thương Huyền vẫn “ra sân khấu đi như lướt” làm đàn em thán phục. Giọng ca của bà luôn nổi bật, không bị lẫn vào dàn ca sĩ khá đều giọng của đài phát thanh thời ấy.

Thương Huyền đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 và Nghệ sĩ nhân dân năm 1988. Thương Huyền mất năm 1989 tại Hà Nội để lại bao tiếc thương cho những người ái mộ một giọng ca hiếm hoi, có thể tỏa sáng ở nhiều dòng nhạc. Tên bà đã trở thành huyền thoại gắn liền với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

VŨ THANH HOA

;
.