Bố tôi là thợ xây!

Thứ Sáu, 02/08/2019, 08:13 [GMT+7]
In bài này
.

Bố tôi là nông dân và đồng thời là một thợ xây. Cái nghề thợ xây đã theo bố tôi từ lúc đang còn thanh niên trai tráng và cho đến tận bây giờ. 

Mỗi buổi sáng, bố dậy làm đồ ăn cho cả nhà với những món quen thuộc khi thì dăm củ lang, sắn luộc, lúc là bát cơm nguội tối qua còn thừa rang lên với tóp mỡ. Mẹ tôi đau ốm triền miên, chẳng làm được nhiều việc nên bố là trụ cột của cả gia đình, từ việc lớn cho tới việc nhỏ nhặt như bếp núc, sân vườn. Xong xuôi bữa sáng, bố khoác lên mình bộ quần áo lao động cũ kỹ bám đầy bụi gió công trường, gạch, vôi, đá, vữa và cũng không được lành lặn. Những bộ quần áo này thường được mua lại từ cửa hàng bán đồ cũ hoặc xin của hàng xóm, mấy bác không mặc. 

Để đến được công trường, bố phải đạp xe có khi gần 20km bất kể nắng hè gắt bỏng hay mùa đông rét cắt da cắt thịt. Có hôm chân bố bị phồng rộp vì đạp xe. Mỗi lần trở về nhà, bộ quần áo ướt sũng, mặt đỏ ửng vì mệt. Nhưng xét về độ lạc quan, ý chí vượt khó thì chẳng ai bằng. Suốt những năm sống với bố, tôi chưa từng nghe một lời kêu than. Hồi đó, tôi cứ thắc mắc, tại sao nghề thợ xây vất vả như thế mà bố không chọn một nghề khác. Tôi cũng không dám hỏi thẳng vì sợ bố buồn. Mãi cho đến sau này, khi trưởng thành tôi mới hay rằng, mỗi một người nghề nghiệp giống như một cơ duyên để gắn bó, chứ không thể có lựa chọn nào khác.

Bố tôi có một đôi tay khá to, xù xì. Mười ngón thô ráp và loang lỗ những vết sẹo bởi dấu tích của vôi vữa, nhưng không phải vì thế mà không khéo léo. Bố đan lát, sửa chữa đồ đạc trong nhà, thậm chí may vá rất giỏi. Những que tính, nhãn vở của anh em tôi một tay bố làm. Bố cũng uốn nắn từng nét chữ cho tôi, bởi bố tin rằng “nét chữ là nết người”. Mỗi khi giúp tôi tập viết, bàn tay bố cầm trọn bàn tay tôi, kéo từng nét chữ, con số thẳng hàng tròn trịa. Đó là những năm tháng mà ký ức tôi nhớ về bố nhất.

Một lần, lúc đi học về, tôi thấy mẹ ngồi bậu cửa nước mắt giàn giụa, tôi hoang mang chẳng hiểu chuyện gì. Một lúc sau mới hay rằng, bố bị ngã giàn giáo và phải nhập viện. Tôi liền chạy ngay vào viện. Nhìn thấy những vết thương rỉ máu, đôi chân bị bong gân, tôi khóc như mưa. Dù đau lắm nhưng bố vẫn vỗ về an ủi tôi rằng, bố không sao. 

Anh em tôi ăn học thành người đều nhờ những đồng tiền thợ xây của bố. Một nghề vất vả giữa trăm vạn nghề vất vả khác. Bố đã dạy cho chúng tôi biết quý trọng những đồng tiền bằng sức lao động mình tạo ra, không được phung phí. Và bất kể nghề nào, dẫu nặng nhọc hay nhẹ nhàng cũng đều trân quý. Và hơn bao giờ hết bố dạy chúng tôi cách sống lạc quan, vượt qua mọi khó khăn. 

Hành trang vào đời của tôi hôm nay có dấu ấn thời gian của năm tháng nhọc nhằn nghề thợ xây của bố. Anh em chúng tôi tự hào vì có người bố làm nghề thợ xây!

TĂNG HOÀNG PHI

 
;
.