Nắng chiều qua chấn song

Thứ Sáu, 26/07/2019, 09:33 [GMT+7]
In bài này
.

Nắng chiều hắt qua chấn song của sổ mở về hướng Tây tạo nên những đường chéo vào gian nhà cũ. Vài hạt bụi bay trong nắng vàng cô đơn và tĩnh mịch…

Đó là một ngày cuối thu, tôi ghé về thăm quê và tiện thể sang nhà hàng xóm. Bây giờ giữa hai nhà là bờ tường đã được xây cao chẳng còn lối ra vào như hồi chúng tôi còn nhỏ. Những bờ giậu râm bụt tàu, ta, hoa loa kèn, riềng, giong dại cũng chẳng còn nữa. Tất cả chỉ còn là những bờ tường vôi, bên trên cắm thủy tinh hoặc dây thép gai chằng chịt… Tôi cất tiếng gọi nhưng không thấy lời đáp. Căn nhà cấp bốn ba gian hai chái một thời đông vui nay hiu quạnh, im lìm. Cửa khóa, lá khô đầy sân trước và sân sau. Một cơn gió lạ từ đâu ập tới khiến tôi vừa có cảm giác mát mẻ lại vừa có cảm giác gì đó làm tôi hơi choáng váng. Có phải tôi vẫn còn say xe? Tôi bèn ngồi xuống. Trên cái cối đá năm xưa mà nắng mưa và sự chà xát đã khiến cho nó trở nên nhẵn bóng… Một kí ức xa xôi lại ùa về trong tôi.

*

- Chơi buôn hàng đi tụi mày ơi?

Câu gọi quen thuộc mà mỗi khi thổi cơm chiều xong Xuân thường gọi chúng tôi. Nhà tôi ở ngay bên cạnh nhà Xuân và trong cái xóm nhỏ này thì chẳng có đứa nào bằng hoặc kém tuổi tôi mà không biết đến Xuân. Trẻ con nông thôn là vậy.

- Chị Xuân ơi, hôm nay lại đi buôn như hôm qua nhé!

- Chị Xuân ơi, hôm nay em có đồ chơi mới hay lắm, chị ạ!...

Những tiếng trả lời thi nhau cất lên của bọn con gái kém tôi ba, bốn tuổi. Mấy thằng con trai chúng tôi thì đợi cho lũ con gái nói hết mới nói. Bao giờ cũng thế, bọn con trai, con gái cũng gọi Xuân bằng chị với lòng yêu mến lắm.

Những vỏ trai, đồng hến… đã trở thành những vật có ích với bọn trẻ chúng tôi. Tiền cho việc buôn bán không ngoài lá nhãn. Ôi, lá nhãn ở đâu mà nhiều thế, nhưng nó có thể “tiêu” được khi nó còn tươi, chị Xuân đã quy định như vậy. Rồi đến khi hàng hóa mà bọn tôi bán ra phải đổi bằng hàng hóa khác chứ còn tiền thì ai cũng có. Dần dần thì lại phải “hái tiền” có chừng mực. Cơm ăn thì bằng chùm sung, trái ổi. Bọn con trai chúng tôi thì rất khoái việc kiếm cơm.

Trò chơi buôn hàng cứ thế diễn ra cho đến lúc các ông bố, bà mẹ của chúng tôi đi làm về và cất tiếng gọi cũng rất quen thuộc:

- Đi tắm rửa đi, các con ơi!

Chị Xuân nói: “Thôi cất dọn đi, kẻo để lâu thể nào cũng có đứa bị quát đấy!”. Trong cái khung cảnh tranh tối tranh sáng ấy, mọi người lại bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho việc ăn cơm. Một ngày sắp trôi qua, mọi nhà đã lên đèn. Hương thơm của gạo mới, của canh cua đậm đặc, của cà nén giòn thật thú vị. Riêng tôi lại có thêm món thịt cóc mà thi thoảng bố tôi bắt về làm cho tôi ăn để chống bệnh còi xương. Bố tôi, một người rất giỏi mò cá, quăng chài nên hầu như ngày nào cũng có thêm món cá. Hết nấu lại kho khế, kho sung và món hay nhất có lẽ là món chạch um bằng niêu đất.

Mùa hè như thứ đồ chơi không bao giờ chán của trẻ thơ sau những ngày học hành vất vả. Mùa hè hết thì thứ đồ chơi ấy cũng biến mất. Vì thế mà bọn trẻ chúng tôi càng phải ra sức tận dụng mùa hè. Những đêm trăng lại càng thú vị, đó là những đêm của trò chơi nhảy dây, chìm nổi, bịt mắt bắt dê,…

**

Ngày tháng trôi đi, khi tôi đang học lớp 12 thì Xuân đi lấy chồng, một anh chàng cùng làng ở xóm dưới. Những đứa cùng trang lứa hoặc thấp hơn một hai tuổi đều về dự cả. Ngày cưới của Xuân diễn ra theo đúng phong tục của làng, người đến chúc mừng nhộn nhịp, khăn áo đủ sắc màu, đàn nhạc, hát hò tưng bừng vang lừng xóm ngõ. Có lẽ, không cứ gì đông vui, ăn uống thoải mái mà đối với chúng tôi thì chỉ cần được xem cô dâu chú rể là thích lắm rồi. Những đứa phải học thêm vào sáng chủ nhật cũng cố xin thầy cho nghỉ tiết cuối để về nhà sang đám cưới.

Lẽ thường tình, trong quan hệ làng xóm, bố mẹ Xuân đã sang nhà tôi mời từ tuần trước và xin phép gia đình tôi cho bắc rạp cả ở sân nhà tôi để đón khách. Do Xuân là đứa con đầu lòng lập gia đình nên đám cưới cũng rất đông. Mấy đứa chúng tôi đều tất bật giúp đỡ, cười nói như hồi còn chơi buôn hàng với nhau. Đến giờ Hoàng đạo gì đó, họ nhà trai đến đón dâu.

Lễ thành hôn được tổ chức long trọng ở họ nhà trai. Cô dâu sánh vai với chú rể. Ai cũng khen đẹp đôi vừa lứa. Những mĩ từ của ông chủ hội hôn cũng thừa dịp tung ra, nhạc sống tưng bừng rộn rã.

***

Một chiều hè, tôi từ thị xã về quê chuẩn bị cho kì thi đại học sắp tới. Về tới nhà cũng là lúc trời nhá nhem tối. Đang ở nhà bà ngoại ăn cơm, tôi thấy người làng chạy ầm ầm xuống phía xóm dưới. Tôi và thằng em chạy ra ngoài cổng xem có chuyện gì. Ngoài đường, trời đã tối om.

- Có chuyện gì đấy?

Tôi đánh liều hỏi một câu không chủ ngữ - vì chưa thể xác định được ai vào với ai. Cũng may, người quê tôi vào những lúc như thế, họ thường không để ý đến các kiểu câu như vậy.

Một người đi ngược lên vội vã đáp:

- Cái Xuân nó chết rồi!

- Xuân nào, hả chị?

- Cái Xuân con dâu ông Dùng chứ còn ai!

Giữa cái lúc tối đen như mực, tôi chạy nhanh như điên để về nhà. Gặp tiếp một người ngược đường, tôi hỏi:

- Có phải cái Xuân nó bị làm sao không ạ?

- Nó chết rồi!

Một tiếng đáp gọn lỏn như người ta văng cực mạnh một hòn đá vào cái tủ kính.

Quả thật! Xuân đã chết! Nhà bên, bố mẹ Xuân không có ở nhà. Làng xóm, con cháu, họ hàng ồn ào, khóc lóc. Một lát, người ta dìu mẹ Xuân về, tiếng kêu gào đã làm cho cơ thể người đàn bà ấy mềm rũ. Tiếng khóc của hai đứa em ruột, của bà nội Xuân như những tiếng sấm, tia sét xé tan bầu trời tối đêm.

Ai cũng khóc, cũng chảy nước mắt…

Xuân ra đi vì bị cảm đột ngột. Từ ngày lấy chồng, chẳng hiểu vì sao con bé tham việc quá!... Mà trước khi về nhà chồng, đã có ai dám bảo nó là đứa đoảng đâu cơ chứ? Mẹ tôi chầm chậm nhắc lại câu chuyện mà ai cũng muốn kể để cảm thông cho một người chết trẻ.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Những viên gạch ba banh do bàn tay Xuân nhào đóng hôm cuối cùng đã bị dọn đi. Người ta chỉ trỏ vào hàng gạch, vào chỗ Xuân đã khụy xuống,… Tiếng ỉ ê của phường kèn, tiếng lệnh, tiếng chiêng, tiếng trống cứ vang lên từng hồi thê thiết. Người đến phúng viếng, người hỏi thăm từng đoàn. Nhìn vào tấm ảnh đặt ở trên quan tài và trong cái không khí như thế, không ai cầm nổi nước mắt. Ai cũng rầu rĩ, héo hon.

Xóm tôi có bảy đứa chơi thân với nhau từ nhỏ, thế mà giờ đây, lúc Xuân ngã xuống thì chỉ còn ba đứa ở nhà: tôi và Phan học cùng lớp phổ thông, Tùng học bổ túc văn hóa. Hai đứa vừa theo gia đình vào Gia Lai xây dựng vùng kinh tế mới. Một đứa thi không đỗ cấp 3 đã làm công nhân trên Hà Nội mấy năm, xe cộ lại hiếm hoi nên cũng không về kịp. Tất cả đều cảm thấy bàng hoàng, hẫng hụt.

****

Thời gian vẫn chảy trôi như vũ trụ kia vô chung vô thủy, vô cùng vô tận. Ba năm học đại học trôi qua, chiều nay tôi lại ngồi đây. Cái lối đi lại giữa các nhà với nhau đã bị lấp gạch, xây tường. Xóm buồn vắng vẻ. Gia đình Xuân đã chuyển ra ở xóm trại ven đê, nơi đây thi thoảng họ mới về lấy thóc gạo, cúng giỗ, tuần tiết.

Trong xóm bây giờ còn rất ít trẻ con lại càng buồn. Thanh niên đi học hoặc đi làm ăn ở xa gần hết, kể cả em trai Xuân cũng đang chuẩn bị sang Đài Loan theo chương trình xuất khẩu lao động. Dường như công cuộc mưu sinh đang thay đổi mau lẹ cuộc sống xóm này của tôi.

Thời gian cũng làm nguội dần đi bát nước nóng, nhưng trước ngày tôi từ Hà Nội về quê chơi thì xảy ra vụ cãi cọ gì đó giữa chồng của Xuân và ông bà sinh ra Xuân chỉ vì hai sào ruộng của một người… đã chết. Các bác trong xóm bảo:

Từ ngày nó đi lấy vợ khác là đổi thay ngay thái độ với bố mẹ vợ cũ.  Gớm! Sao mà có người giở mặt như giở bàn tay ấy!

Về nhà nghỉ được hơn hai ngày, chiều nay, tôi xách ba-lô xuống xe thì gặp ngay người chồng cũ của Xuân. Tôi chào và cố gắng nở một nụ cười thân thiện vì chí ít, anh ta cũng hơn tôi sáu hay bảy tuổi gì đấy! Tôi thấy anh chỉ ậm ừ và đảo nhanh con mắt vào trong xe khách rồi cúi đầu đi tiếp. Cái thân thể vạm vỡ, đen đúa của anh ta cứ lầm lũi đi về phía cánh đồng nơi mặt trời sẽ lặn. 

Bỗng con Giôn dụi đầu vào chân tôi, nó mở to con mắt ngước nhìn tôi với vẻ đầy cảm thông như bao con chó trung thành khác mỗi khi thấy chủ buồn.

Tôi đứng dậy, chợt thấy trời chiều như một câu thơ của ai đó. À! Phải rồi, câu thơ của Bà huyện Thanh Quan… “Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn”… Tôi ra về và khép lại cổng như cũ.

- Ngoài trời gió mát lắm! Anh đi tắm đi! - Thằng em bé nhỏ của tôi từ ngoài sân chạy vào. - Mẹ bảo là: Sáng mai, mẹ cho anh em mình sang chợ chơi. 

Rồi nó ghé sát vào tai tôi thì thầm: “Bánh rán bên chợ ngon lắm, anh ạ!”

Tôi cười và bước ra ngoài, nhà nhà đều đã bật điện sáng trưng. Nghe tiếng xối nước, bất chợt hình ảnh một con đò với mái chèo khua nước ràn rạt chở khách sang sông vào phiên chợ sáng. Lần này về thăm quê, có lẽ phải đến độ hoa đào nở tôi mới trở về được.

 VĂN CƯƠNG
 

 

;
.