Lá thư tình thời chiến và lời tiên đoán diệu kỳ

Thứ Sáu, 12/07/2019, 07:57 [GMT+7]
In bài này
.

Phần lớn chúng ta, những người trẻ Việt biết về chiến tranh qua sách vở, tư liệu thời chiến nhưng nếu như văn chương có thể hư cấu, lịch sử có thể có độ chênh khi được viết ra theo những góc nhìn khác nhau của các nhà viết sử thì điều có thể tin cậy được nhất đó là những chứng tích, kỷ vật thời chiến tranh mà đơn giản, dễ hiểu, dễ gây xúc động nhất chính là những bức thư thời chiến.

“Mãi mãi tuổi 20” được soạn từ hàng trăm trang thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
“Mãi mãi tuổi 20” được soạn từ hàng trăm trang thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.

Trong thời đại công nghệ số ngày nay người ta chủ yếu giao tiếp, liên lạc với nhau qua điện thoại. Hai từ “viết thư” gần như được mặc định là email- thư điện tử và chỉ cần vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh thì lá thư đã ngay lập tức đến được tay người nhận. Thế nên càng ngày càng hiếm người viết thư và càng hiếm hơn khi bắt gặp một lá thư viết tay, gửi phong bì, dán tem truyền thống. Thế nhưng đã có một thời những lá thư viết tay là phương tiện duy nhất vừa duy trì kết nối các mối quan hệ vừa thổ lộ,  trao gửi, lưu giữ mọi thứ tình cảm giữa người với người.

Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tính từ ngày ra đời 2/9/1945 tới ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975 tròn ba mươi tuổi thì cũng chẵn 30 năm chìm trong chiến tranh.  Không ai có thể tính xem có bao gia đình ly tán, chia xa; bao người con phải từ biệt gia đình, bạn bè, người thân để lên đường đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Và đương nhiên dù có cố gắng đến đâu cũng không ai, không một phương tiện, biện pháp nào có thể biết được đã có bao nhiêu lá thư ra đời dù chỉ tính trong cuộc chiến tranh chống Mỹ khi hàng vạn người con Miền Nam phải xa gia đình ra Bắc tập kết. Và có lẽ cũng không thể thống kê được có bao nhiêu lá thư đã bị thất lạc, bao nhiêu lá thư đã trở thành những  kỷ vật vô giá, những di vật thiêng liêng cũng như bao nhiêu lá thư đã trở thành những chứng tích lịch sử trong suốt quãng thời gian hai mươi mốt năm trời đất nước chia cắt mẹ xa cách con, vợ biệt ly chồng đó. Những lá thư thời ấy không chỉ là sợi dây kết nối tình cảm của những người thân đang phải cách xa nhau mà còn là những tư liệu phản ánh về chiến tranh một cách xác thực nhất. Đặc biệt là những lá thư của những người lính đã chiến đấu, hi sinh trong chiến tranh. Những lá thư và những câu chuyện quanh chúng chắc có lẽ hàng ngàn cuốn sách, hàng triệu bài báo cũng không thể khai thác hết. Những lá thư đó có khi là của một nhà lãnh đạo tài giỏi, một vị tướng lỗi lạc gửi cho vợ, con cũng có thể là thư của một binh nhì mới rời trường cấp ba gửi người bạn gái mà mình thầm tơ tưởng. Những bức thư cũ kỹ, nhàu nát, úa vàng đó được viết trên nhiều nguyên liệu khác nhau từ mảnh giấy poluy, vỏ bao thuốc lá, tờ giấy học trò, thanh tre, nứa,  miếng vỏ cây, những mảnh vải cũ cắt từ quần áo… Chúng có thể là những lời tâm sự, thăm hỏi, thề nguyền, nhắn nhủ bày tỏ những nỗi nhớ thương da diết của người lính phương xa với những người thân yêu, ruột thịt, cũng có khi là những dòng  miêu tả những con đường, vùng đất, những sinh hoạt đời thường thời chiến gửi thầy cô, bè bạn, có những lá thư như những lời di chúc  gửi thế hệ mai sau... Có những lá thư được ghi chậm chạp, cẩn thận trong những ngày dài chờ đợi, những đêm dài canh gác. Có những lá thư được ghi vội vàng, vắn tắt trong những khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh hay những phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận.

Những bức thư ấy cũng có rất nhiều đường gửi. Có những lá thư được thả xuống bên đường kèm lời “nhờ gửi “. Rất nhiều lá thư được mở ngoặc “Thư ra Bắc” hoặc “Thư vào Nam” thay cho tem, cũng rất nhiều những lá thư được dúi vội vào tay, hành lý của đồng đội, người quen. Có những lá thư đã đi một vòng dài nửa vòng trái đất và mất rất nhiều năm trời, có khi kéo dài cả nửa thế kỷ mới tới được tay người nhận. Rất nhiều bức thư viết dở và sẽ không bao giờ được hoàn tất, cũng rất nhiều những lá thư không bao giờ được gửi đi. Có những lá thư trở về cùng người viết trong ngày vui đại thắng nhưng cũng có những lá thư trở lại tay người gửi vì người nhận đã hy sinh từ trước đó rất lâu. Những lá thư đó, nhiều lá đã thấm  mùi mồ hôi, bùn đất và máu của người viết, người chuyển hay người nhận. Đằng sau mỗi lá thư ẩn chứa rất nhiều những câu chuyện cảm động về những người lính và những người thân của họ; đặc biệt là những lá thư tình.

Trong những lá thư tình nổi tiếng thời chiến có một lá thư rất đáng chú ý của một người lính thông tin trẻ, người đã ngã xuống khi  chưa đầy 20 tuổi. Anh là liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, sinh viên năm thứ ba khoa toán - cơ trường đại học Tổng hợp Hà Nội người đã từng đoạt giải nhất văn toàn miền Bắc. Lá thư  đó anh viết cho người bạn gái Phạm Như Anh, người cũng đã từng là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc như mình. Trong thư có một đoạn, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc viết “30/4/1975, Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào? Như Anh ơi, hứa với Thạc đi, 30/4/1975, sẽ viết cho nhau những dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào?” nhé!”.

Đành rằng đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi họ gặp nhau và hẹn ước đúng vào ngày 30/4/1971 nhưng tại sao anh lại luôn nhắc tới ngày 30/4/1975 cái ngày mà bây giờ tất cả người dân Việt Nam đều biết đó là ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, ngày chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc. Thế nhưng với liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc thì đó lại là những dòng linh cảm, dự báo kỳ lạ bởi vì anh đã vĩnh viễn nằm xuống vào ngày 30/7/1972, trước cái ngày anh nhiều lần nhắc đến trong cả thư từ, thơ ca và nhật ký (ngày 30/4/1975) cả ngàn ngày khi anh chưa kịp bước vào tuổi hai mươi và chỉ khoảng 10 tháng sau khi nhập ngũ.

Trong 10 tháng ấy, vừa huấn luyện, vừa hành quân ra trận, chàng sinh viên yêu và giỏi thơ văn đó đã bất chấp đường xa, vác nặng,  vẫn tranh thủ từng giây từng phút để viết. Anh đã viết rất nhanh và rất nhiều, chỉ riêng  bạn gái Như Anh đã nhận được hơn 500 trang thư của anh. Người anh trai cả Nguyễn Văn Thục cũng nhận được hàng trăm lá thư nữa. Ngoài ra trong 7 tháng, anh đã kịp hoàn tất 240 trang nhật ký “Chuyện đời” (sau này được in thành cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” nổi tiếng), trong đó có nhiều trang bày tỏ những suy nghĩ về  cuộc đời, về con người về  chân lý và trách nhiệm của thế hệ thanh niên như những lá thư gửi riêng cho chính mình và những người thân thiết. 35 năm sau ngày  anh ra đi, được sự đồng ý của gia đình và người yêu anh, tiến sĩ Phạm Như Anh, một doanh nhân thành đạt ở nước ngoài toàn bộ thư từ, nhật ký, thơ tình của anh đã được ra mắt bạn đọc trong các cuốn  sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”, “Hạnh phúc là gì?” và “Nhật ký song đôi” để những tình cảm, trí tuệ, khí phách của người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước đó đến được với thế hệ trẻ ngày nay.

Những trang thư ố vàng giấu vết của thời gian đó giúp chúng ta hiểu hơn về chiến tranh về những đau thương mất mát mà nó tạo ra và càng thêm trân quý cuộc sống tự do, hòa bình mà cha anh ta đã phải đổ bao máu xương gìn giữ. Hãy đọc thêm về những lá thư thời chiến ta sẽ càng thêm xúc động, tự hào về đất nước, con người Việt Nam.

AN AN

 
;
.