Đợi ba về

Thứ Sáu, 14/06/2019, 15:11 [GMT+7]
In bài này
.

- Ba ơi, tối nay ba về ăn cơm với mẹ và con nhé!

- Tối nay ba bận.

- Nhưng con muốn có ba cùng ăn cơm. Lâu lắm rồi, ba…

- Thôi được rồi. Để ba tính.

- Ba hứa nhé! Mẹ và con sẽ đợi ba về.

Tắt điện thoại, Khang sung sướng nhảy cẫng lên, miệng tươi như hoa, líu ríu nhảy chân sáo từ trong nhà ra chỗ chị Lan, mẹ nó đang quét đám lá cây sa kê ở cuối sân, sung sướng khoe:

- Mẹ ơi, ba hứa sẽ về ăn cơm. Tối nay, mẹ con mình đợi ba về cùng ăn nhé mẹ!

- Thế hả con? Vậy mẹ sẽ nấu món canh cá chua thật ngon để cả nhà mình cùng ăn. Lòng chị Lan râm ran vui. Kể từ ngày chị thất nghiệp, ở nhà nội trợ, chăm con, bữa cơm gia đình ít khi có anh An, chồng chị cùng ăn. Không khí ấm áp, vui vầy cũng nhạt dần. Thằng bé Khang mới lên 9 tuổi. Nó cần lắm sự quan tâm, yêu thương của cả ba và mẹ. Bữa nào đến trường đón con, chị Lan cũng nghe câu nói quen thuộc:

- Con ước được ba đón như bạn Long, bạn Thiện cùng lớp. Các bạn ấy thật sướng. Xoa đầu con, chị Lan an ủi:

- Ba bận việc công ty. Nếu không, ba cũng sẽ đón con như ba các bạn.

- Nhưng kể từ ngày ba lên chức phó phòng kinh doanh đến giờ, đã bao giờ ba đón con một lần đâu.

- Có mẹ đón, con không vui sao? Con nhìn kìa, còn rất nhiều bạn phải tự đi bộ, đi xe đạp từ trường về nhà vì cả ba và mẹ bạn ấy đều bận việc. Chị Lan chỉ tay về phía cổng trường, nơi những người bạn cùng tuổi với Khang đang nối nhau ra về, gương mặt ai nấy đều vui vẻ. Khang sà vào lòng mẹ:

- Con biết mẹ rất thương con. Nhưng con muốn có cả ba yêu con, dành thời gian cho con như mẹ vậy. Câu nói của con trai khiến chị Lan nghĩ ngợi. Dù cho chị có lên tiếng bảo vệ chồng trước mặt con thì kì thực lòng chị lúc này cũng rộn lên một ý nghĩ xáo trộn. Sự xáo trộn hay nói đúng hơn là cảm giác cô đơn, một nỗi buồn từ lâu đã chập chờn trong chị nhưng vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, chị cố kìm nén, giấu chặt nơi đáy tim.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Ngày đang yêu, anh An quan tâm, chiều chuộng chị đến từng cái nhỏ nhặt nhất. Anh nắm chặt tay chị, nói với chị những lời có cánh, lời thề thốt chắc như đinh đóng cột rằng sẽ cùng chị đi đến cuối con đường. Ngày cưới, anh còn nói với ba chị:

- Con hứa sẽ không bao giờ khiến Lan phải buồn, phải rơi một giọt nước mắt nào. Con hứa cả đời này sẽ ở bên cạnh, chăm sóc, yêu thương Lan. Chị đã khóc vì sung sướng, vì thấy mình diễm phúc và may mắn khi yêu anh và được anh yêu. Chị nhủ lòng sẽ luôn là người con dâu hiếu, người vợ hiền, người mẹ đảm trong trong gia đình.

Ngày chị mang bầu cu Khang, anh nâng chị như nâng trứng. Việc cơm nước, giặt giũ, anh lo hết. Chợ búa, mua sắm, một tay anh dành làm. Chị đi làm, anh chở đi đón về. Gần tháng sinh, anh bảo chị xin nghỉ sớm, ở nhà dưỡng thai. Những hôm được nghỉ, anh đưa chị về nội ngoại chơi, dẫn chị đi ăn những món ngon chị thích. Ngày về nhà nội làm giỗ, trong khi mọi người xắn tay làm thì chị chỉ việc ngồi. Mẹ gọi anh nhắc khéo, anh cười toe:

- Cô ấy bầu bì mà mẹ. Chiều ý con trai, mẹ anh cũng đành cười trừ.

Chị sinh cu Khang, có hôm, anh thức đêm trông con để chị được nghỉ ngơi. Ba mẹ chị khen anh chu đáo, mẫu mực hiếm có. Đồng nghiệp vỗ vai, bắt tay anh ngưỡng mộ, khâm phục. Nhà chồng chị thì chín người mười ý. Người trách anh: “Chú An làm như mình cô Lan mới biết đẻ ấy!”. Người nửa đùa nửa thật: “Làm vậy, khác nào chú An đẻ thay thím Lan còn gì”. Người lại lắc đầu: “Cái số đàn ông con trai nhưng tướng lại làm vợ”…

- Ai nói gì kệ họ. Em vất vả rồi. Mọi thứ còn lại cứ để anh lo. Anh cười khà khà, mắt đăm đắm vào đôi tay bé xíu của con, lòng ngập tràn hạnh phúc rồi hướng ánh mắt về chị bằng tất cả sự biết ơn.

Nhưng… lời hứa và cả sự yêu thương có khi nào là mãi mãi.

* * *

- Con ăn cơm trước đi. Cơm canh nguội hết rồi. Chắc việc chưa xong nên ba chưa về.

- Ba hứa về. Con muốn đợi ba về cùng ăn cơ. Gọi điện thêm mấy lần nhưng điện thoại của ba không đổ chuông, thằng bé Khang lộ vẻ sốt ruột. Nó bước ra khỏi bàn ăn, chạy ra cổng. Bóng tối ngập đầy lên đôi mắt thơ ngây mong ngóng, chờ đợi của nó. Chị Lan đậy mâm cơm rồi cũng bước ra cổng, nắm lấy tay con:

- Mẹ con mình sẽ cùng đợi ba về! Thằng bé đứng nép mình vào người mẹ nó, nụ cười nở trên môi hòa vào ánh trăng.

- Sao anh về muộn thế? Đã gần 10 giờ đêm rồi!

- Sao em chưa ngủ? Sao không cho con vào giường ngủ mà còn ngồi ngoài hiên làm gì?

- Thằng bé đã chờ anh suốt cả chiều rồi cả tối để được ăn cơm cùng anh. Ra vào mãi không thấy anh về, con mới ngủ thiếp đi được một lúc.

- Anh… Điện thoại của anh hết pin nên không biết con gọi. Vả lại, thường ngày, anh không về, hai mẹ con vẫn ăn cơm trước cơ mà.

- Nhưng cu Khang cứ nhất quyết chờ anh. Em dỗ hay khuyên thế nào, con cũng không nghe. Tội nghiệp, từ chiều đến giờ, thằng bé chưa có miếng cơm nào vào bụng.

Anh An về, người nồng nặc mùi bia rượu. Tay xách chiếc cặp táp, áo quần xộc xệch, chân đi không vững. Anh loạng choạng bước vào nhà sau khi nói với chị bế con vào đi ngủ kẻo sương xuống lạnh. Anh quay bước, lòng chị càng thêm hẫng hụt, trống trải. Cảm giác buồn bã cơ hồ đã loang hết tận gan ruột. Nhưng… biết đâu anh có lí do chính đáng. Anh giờ là phó phòng kinh doanh, công việc nhiều, lại nhiều mối quan hệ. Chị không ủng hộ, thấu hiểu thì thôi, sao nỡ trách anh. Huống hồ giờ chị đang thất nghiệp, anh là trụ cột trong nhà. Chị Lan lại bần thần nghĩ như cố tìm ra lí do để tự an ủi mình.

Công ty chị Lan đang ăn nên làm ra tự nhiên phá sản. Chị mất việc. Trong khi chờ xin chỗ làm mới, chị ở nhà lo chuyện bếp núc. Bề ngoài, chị vẫn vui vẻ, xởi lởi. Nhưng bên trong, trái tim chị thi thoảng lại đau đáu. Đêm, khi chồng chìm vào giấc ngủ sâu thì chị lại trằn trọc, trở qua vật lại với vô vàn những ý nghĩ giấu kín. Chị muốn nói với anh rằng, muốn sinh thêm cho cu Khang đứa em. Dù sao Khang cũng đã lên 9. Hơn nữa, giờ chị cũng đã tuổi băm. Chị lại muốn nhanh tìm được một công việc mới để làm, để san sẻ với anh về vô số những khoản tiền phải chi tiêu hàng tháng. Rồi chị cũng muốn anh thành thật san sẻ về cuộc sống, về công việc của anh với chị… Chị muốn nói muốn hỏi nhưng lại thôi.

- Ba ơi, dậy đi ba! Cu Khang sau một đêm ngủ đói, sáng ra, nó ăn liền tô bánh canh chả cá mẹ nó nấu một cách ngon lành. Trẻ con nhớ dai nhưng cũng mau quên lắm. Đặc biệt là khi được chị đưa ra lí do chính đáng việc ba về muộn thì thằng bé liền tin và quên ngay. Nó chạy vào phòng, giọng năn nỉ, rối rít:

- Ba ơi, dậy đi ba! Hôm nay là Chủ nhật!

- Ba hơi mệt. Cho ba ngủ thêm chút nữa...

- Công viên trước nhà mình sáng nay tổ chức hội thi đá cầu cho các con đó ba! Con cũng tham gia! Ba dậy đi cổ vũ cho con nhé ba!

- Ừ… được rồi. Anh An miễn cưỡng ngồi dậy, hai chân đặt xuống nền nhà mát lạnh. Cơn buồn ngủ cũng qua đi. Khang mừng quýnh. Nó ôm lấy cổ, hôn chút chít lên trán, lên má ba nó. Nó xớn xác chạy ra nhà ngoài khoe với mẹ nó đang lúi húi giặt chậu đồ đầy ứ ngoài góc sân. Anh với tay lấy cái điện thoại trên bàn để xem giờ, cũng vừa lúc đồng nghiệp gọi:

- Alô! Mình nghe…

- Ra cà phê Đồng Văn đi An! Nay sinh nhật cái Hoài, thư kí phòng mình này.

- Mình…

- Ra đi! Thiếu cậu là thiếu tất cả đấy.

- Ba… ba đi đâu vậy ba?

- Bạn ba vừa gọi. Ba đi đây một chút. Ba sẽ về liền.

- Anh nhớ về sớm đi cổ vũ cho con. Đây là hoạt động hè do Đoàn thanh niên tổ chức. Cả tháng nay, con chăm chỉ luyện tập và háo hức tham gia lắm. Giọng chị Lan tha thiết. Anh ừ một tiếng rồi lên xe phóng đi.

Chị Lan phơi xong chậu đồ cũng là lúc Linh, bạn của Khang chạy đến đầu cổng giục Khang ra công viên. Nó quay sang mẹ, buồn bã:

- Mẹ ơi, chắc ba lại không về. Vừa nói, mắt Khang vừa dớn dác ngó ra phía cổng đầy vẻ thất vọng.

- Con đi cùng bạn Linh đi! Lát nữa mẹ sẽ ra cổ vũ con! Khang dạ một tiếng rồi lững thững bước ra cổng. Phơi xong chậu đồ, chị Lan thấy người mệt rã rời. Cảm giác gợn gợn, chán ăn, đau lưng, chân tay mệt mỏi tự dưng xuất hiện đến cả tuần nay. Chị nghĩ chắc do mình suy nghĩ nhiều nên mới thế. Đang đứng, bỗng nhiên chị thấy xây xẩm mặt mày. Chị phải ngồi xuống nghỉ một lúc sau đó mới lật đật đứng dậy ra công viên.

Khang đạt giải nhì cuộc thi đá cầu nhưng vẻ mặt nó chẳng hề vui. Nó bảo, nó muốn ba nó tự hào về nó. Nó tham gia vì muốn có ba nó đến xem, cổ vũ và vỗ tay khi nó đá hay. Vậy mà… vắng ba, thắng hay thua có ý nghĩa gì đâu.

* * *

- An này, mình thấy vợ cậu dạo này xanh xao quá! Hôm qua gặp cô ấy đi chợ, thấy cô ấy mệt mỏi, gầy hơn trước nhiều đấy.

- Vợ cậu thuộc típ người phụ nữ truyền thống. Lo mà giữ và trân trọng. Bây giờ tìm đâu ra người mẹ, người vợ tốt như thế.

- Nghe nói, mấy lần công ty mời cả gia đình họp mặt, cậu không nói với vợ mà đi một mình? Cả nhóm đang từ chuyện sinh nhật Hoài bỗng quay sang chất vấn An khiến anh khó xử.

Về nhà, thấy con trai ngồi buồn thiu dưới mái hiên, anh nhớ ra mình đã quên mất lời hứa với con.

- Ba… ba xin lỗi con trai. Thằng bé Khang nhìn chằm chằm vào ba nó, chẳng buồn trả lời. Sự thất vọng, buồn tủi khiến hai hàng nước mắt nó ròng ròng. Nó vùng đứng dậy chạy vuột vào phòng và đóng sầm cửa lại. Suốt buổi trưa và chiều hôm ấy, Khang bỏ cơm nằm lì trong phòng mặc cho ba mẹ đã ra sức năn nỉ.

Chỉ làm chức phó phòng, chỉ vì vợ thất nghiệp, chỉ vì vợ không đẹp, không phấn son, áo váy lượt là như bao người đã gặp mà mình đã thay đổi cách nghĩ về vợ, thay đổi tình cảm với vợ con, thay đổi cách sống… An nằm gác tay qua trán, tự phân thân, trách móc. Chắc vợ buồn vì mình lắm. Chỉ có điều, vợ không nói ra. Anh nhìn vợ âu yếm, nhẹ nhàng kéo chăn lên đắp ngang nửa người cho vợ rồi khe khẽ bước sang phòng con trai. Ngắm con ngủ say, anh bần thần. Lâu nay, mình đã quá vô tâm, chỉ biết nghĩ cho bản thân. Thiếu chút nữa, mình có thể sẽ đánh mất đi tổ ấm, mất đi người vợ đảm và đứa con ngoan. Sống mũi anh tự dưng cay xè.

- Ở nhà ăn cơm trưa chưa em? Anh chuẩn bị về. Gần trưa, anh An gọi điện cho vợ.

- Mẹ con em đang chuẩn bị.

- Thật không ba? Khang hỏi ba nó như muốn khẳng định. Nó sung sướng khi nghe ba nó ừ một tiếng chắc nịch từ đầu dây bên kia. Nó lăng xăng dọn chén đũa. Chị Lan múc thức ăn ra đĩa bày sẵn lên bàn ăn. Một tay xoa đầu Khang, một tay chị nhẹ đặt lên bụng, mỉm cười:

- Mẹ con mình sẽ cùng đợi ba về!

Truyện ngắn của NGUYỄN ĐÌNH THU

;
.