Bên kia bờ con gái

Thứ Sáu, 08/03/2019, 07:21 [GMT+7]
In bài này
.

20 năm biệt vô âm tín, 15 năm nhang khói, bỗng nhiên Thủ lù lù trở về, tất cả còn nguyên vẹn chỉ trừ nửa cánh tay đã bỏ lại ở chiến trường. Một đất nước trải qua mấy chục năm chiến tranh, chia ly, loạn lạc… việc trở về kiểu như Thủ là điều không hiếm, nhưng đằng sau sự trở về của chàng thương binh là những xót xa, nhức nhối phận người. 

Việc đầu tiên bà Ngàn - mẹ Thủ lật đật hạ chiếc lư nhang trên bàn thờ, sau đó là …tiếp khách. Nhà tấp nập người đến thăm, căn nhà cố gồng mình, dãn nở tối đa so với sức chứa vốn có. Bà con ruột thịt, dòng tộc, lối xóm, bạn bè…từng đợt tiếp nối nhau, chiếc ấm đun chè thường ngày phải thay bằng cái thùng gánh nước luôn ùng ục sôi mới tiếp kịp nước. Thế nhưng buổi tối tầm 8 giờ là bà lật đật bảo Thắm ra khép cổng rồi tắt đèn đi ngủ, bà chăm sóc rào đón kiểu như ngày mai sẽ tận thế đến nơi hoặc là đứa con trai bà sẻ đột ngột biến mất thêm lần nữa. 

Chiến dịch vây ráp, đôn đốc, thúc ép của bà Ngàn với hai vợ chồng Thủ kéo dài chưa đến một tuần đã lăn ra chết yểu, khi sáng nay đứa con dâu chính thức tuyên bố “địch” đã đầu hàng vô điều kiện:

- Thôi đi má, không được chi đâu, anh nói với con đã liệt mấy năm rồi.

- Tổ cha nó, nó có với người ngoài đến hai đứa, sao mà nó không cho con được một đứa?

 Thắm định buột miệng nói cho mẹ chồng về hai đứa cháu nội của bà nhưng lại thôi…

* * *

 Gần một tháng sau khi cưới, Thủ đã phải vác ba lô theo đơn vị trong đợt chuyển quân giữa hai miền. Chuyện thời chiến, lấy nhau rồi chia tay âu cũng chẳng có gì ghê gớm, nhưng đối với Thắm đây là một bi kịch đau đớn,… hụt hẫng.

Thuộc lòng lời mẹ dặn về việc chăn gối trong tuần trăng mật, thế nhưng Thắm chẳng thấy có chút tẻo tèo nào như lời mẹ. Bốn tuần, sáu lần, cả sáu lần Thủ đều trút mưa ngoài biên ải. Cả sáu lầnThắm vẫn chưa kịp trở thành… đàn bà. 

Đêm thứ hai sau ngày Thủ lên đường, bà hỏi Thắm thấy có gì khác trong người không, đại loại như đau ngực, thèm chua, buồn nôn… khi nghe con dâu cho biết nàng vẫn còn là con gái, bà nổi xung thiên. Sau một hồi buông lời chửi mắng đứa con trai bất tài vô dụng và đứa con dâu dại dột không chịu bẩm báo, bà bảo Thắm chuẩn bị khăn gói ngày mai lên đường.

Bà Ngàn thuộc mẫu người nói là làm, buổi sáng khi đám trâu ngoài chuồng chưa kịp cọ sừng, đàn gà chưa buồn gáy canh cuối, bà đã cùng con dâu tay xách nách mang… Bắc tiến, sau ba ngày rượt đuổi hai mẹ con cũng tìm được địa chỉ và bắt kịp đoàn quân. Nghe bà trình bày nguyện vọng, viên chỉ huy lắc đầu quầy quậy, nhưng thấy bà năn nỉ rát quá, đắn đo một hồi ông cũng quyết định xé rào, âm thầm tạo điều kiện cho chú tân binh giải quyết chuyện… hậu phương. 

Gặp Thủ, sau một hồi mắng mỏ trách móc cậu quý tử, bà lục túi xách dúi vào tay Thủ đủ các loại thuốc, theo bà đây là những loại có tác dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực…cấp tốc. Được sự sắp xếp của vị chỉ huy, một căn nhà lụp xụp của người phụ nữ già góa chồng cấp tốc trở thành nơi trú ngụ trăng mật lần hai của đôi vợ chồng trẻ. Đến tối, chủ nhà vui vẻ ra sân trải chiếc chiếu cũ cùng bà Ngàn ngắm ngàn sao nhường chiếc chỏng tre duy nhất của mình cho vợ chồng Thủ. 

Với niềm tin vào thần dược cùng những tiếng cót két vặn vẹo của chiếc giường tre qua hai đêm nghe ngóng, bà yên tâm cho cái kế hoạch thần tốc táo bạo của mình. Sáng sớm, hỏi cung thấy Thắm gật đầu bà như mở cờ trong bụng, như kẻ vừa lượm được vàng. Bịn rịn chia tay cậu quý tử, dặn dò chuyển lời cám ơn ông chỉ huy, ríu rít trao những lời biết ơn chị chủ nhà tốt bụng, bà quầy quả dắt Thắm ra về. Trên đường trở lại quê, thấy bà hớn hở bao nhiêu, Thắm càng áy náy bấy nhiêu, cực chẳng đã Thắm mới dối bà, nếu không gật đầu, chắc chắn bà sẽ bắt Thủ tiếp tục cái điệp khúc vượt sông…Chuyện vượt sông đối với ai thì dễ, riêng Thủ là điều không tưởng, đơn giản cậu chưa một lần biết bơi, dù rằng khoảng cách đôi bờ chỉ bằng cái gang tay. 

20 năm làm dâu không chồng, với bản tính hiền lành, chịu khó, Thắm được mẹ chồng thương hơn con đẻ, trừ những ngày về thăm ngoại hay những đêm ông bảo bà qua đấm lưng hay cạo gió gì đó, nàng dâu vẫn nằm chung một giường với mẹ chồng. Rất nhiều lần bà khuyên con dâu bước thêm bước nữa, nhưng lần nào Thắm cũng lắc đầu, mỗi lần vậy bà lại ứa nước mắt…

Thời gian lầm lũi trôi, bà dồn hết tình cảm cho đứa con dâu như một sự san sẻ, bù đắp, dẫu biết rằng có những chuyện chẳng bao giờ bù đắp được. Không coi đứa con dâu là… rơm nhưng bà luôn sợ lửa, nỗi sợ thường luẩn quẩn, đeo đẳng như ám ảnh bà. Rất ít khi bà nhắc đến chuyện chăn gối với Thắm, thấy ai mon men kể chuyện yêu đương, trai gái là bà xen ngang hay gạt phắt. 

20 năm mòn mỏi trông ngóng, đợi chờ, thời gian quá hà khắc khi biến một cỗ máy dẫu không hoạt động cũng phải đến ngày hoen gỉ, cô thiếu nữ mười tám hôm nào nay đã là một thiếu phụ sắp tứ tuần. Dù không hoàn toàn tin vào phép lạ, nhưng Thắm cũng ngây ngất trong giây phút trùng phùng, vẫn tươi rói những ao ước, ham muốn đời thường khi Thủ trở về…

* * *

 Một tuần sống chung với chồng sau những năm tháng biền biệt, tất cả sự rạo rực náo nức của Thắm như doi đất màu mỡ bên bờ sông bất thần đỗ ập xuống dòng nước xiết, biết mình vĩnh viễn không còn cơ hội được làm vợ, làm mẹ, nước mắt Thắm ướt đẫm cả gối. Hôm qua thấy Thắm khóc, Thủ đã kể hết cái duyên nợ lạ lùng của mình cho vợ nghe:

- Ở ngoài đó anh đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả - Làm sao anh có được hai đứa con? -  Suỵt, nói nhỏ thôi kẻo mẹ nghe, chúng không phải con của anh - Vậy chúng là con ai? - Con của bạn anh. - Em không thể hiểu được? - Chuyện dài lắm... 

Trong tiếng gió lùa qua phên, căn phòng nhỏ như đang chênh chao theo lời kể của Thủ…

 Thủ và Tâm nhập ngũ cùng đơn vị, trong thời gian đóng quân tại xóm Láng, Tâm gặp Diệu, đôi trai tài gái sắc nhanh chóng phải lòng nhau, ngày chuyển quân đôi tình nhân đã cùng thề non hẹn biển…Trong một trận chiến ác liệt Thủ và Tâm đều bị thương, Tâm bị đạn phang mất hai chân, một tay, mất máu nhiều, biết mình khó qua khỏi Tâm trăn trối với Thủ hãy ở lại thay anh an ủi, chăm sóc Diệu. Để bạn thanh thản ra đi, Thủ hứa nhận lời trước khi cả hai mê man bất tỉnh. Sau hai tháng điều trị Thủ được xuất ngũ. Không có quê hương, họ hàng, thân thuộc để trở về…nhớ lời trăn trối của bạn, Thủ về xóm Láng tìm Diệu…Qua những ngày chứng kiến cảnh đau đớn vật vã khóc thương người yêu, Thủ xin phép tạm biệt gia đình Diệu. Đến lúc bố Diệu hỏi về đâu, Thủ loay hoay không trả lời được, biết hoàn cảnh của chàng thương binh, ông bà đề nghị Thủ ở lại xóm Láng.

Chiến tranh ngày càng khốc liệt, thanh niên xóm Láng nối bước nhau ra trận, hậu phương chỉ còn lại đàn bà, con gái và… người già. Thương binh như Thủ là hàng quý hiếm trong làng. Những buổi tối, sau khi hợp tác xã tan họp, cả tá phụ nữ vẫn nấn ná tìm cách ở lại chờ gặp anh thương binh … đối với họ một ánh mắt cười chào hay đôi lời bông đùa của Thủ…đã là một sự ấm lòng… mơ tưởng.

Được sự vun vén của gia đình, một năm sau Thủ cưới Diệu, đám cưới chỉ đơn giản với trà bánh, thuốc lá, cùng một số bà con tham dự. Sau tân hôn, cha mẹ Diệu đã xây riêng cho đôi vợ chồng trẻ một căn nhà.

Cuộc sống của chàng thương binh chất phác và cô giáo ngoan hiền sẽ đầm ấm, hạnh phúc nếu Thủ không mắc căn bệnh quái ác ấy. Mỗi lần đi mua sắm, mon men chưa kịp đến cổng chợ đã hết sạch bách tiền. Bỏ lại sau lưng những lần hờn dỗi, bỏ lại những khát khao đời thường, Diệu lao vào công việc để lãng quên. Nhưng công việc chẳng phải là cuốc xẻng thần kỳ để lấp được sự trống vắng. Biết nước mắt không thể chữa lành bệnh tật cho chồng, Diệu tất tả đi tìm thầy thuốc, nghe đồn nơi nào có thầy giỏi, thuốc hay là Diệu mày mò đi tìm. Thuốc Nam thuốc Bắc, Tây, Tàu, Dân tộc… đủ cả, nhưng kết quả đâu vẫn vào đấy.

Gần hai năm sau ngày xuất ngũ, Thủ nhận được tin động trời về bạn, Tâm vẫn còn sống. Lần theo những thông tin chắp nối vụn vặt, vượt qua hơn 400 cây số, Thủ đã tìm gặp được Tâm. Trong ngôi nhà tranh ọp ẹp, Tâm đang ở chung với mẹ già, việc chăm sóc nuôi dưỡng đứa con thương tật chỉ trông cậy vào một mình bà. Gặp bạn cả hai ôm nhau khóc, qua câu chuyện Thủ thảng thốt khi biết bạn đã cố tình không liên lạc với Diệu vì sợ người yêu sẽ khổ vì mình.

Kể từ ngày tìm ra bạn, hai vợ chồng Thủ thỉnh thoảng lại về thăm mẹ con Tâm, thấy hoàn cảnh quá neo đơn cả hai muốn đưa Tâm và mẹ Tâm về nhà để có dịp chăm sóc, nhưng lần nào hai mẹ con cũng từ chối.

Ngày mẹ Tâm qua đời, Thủ và Diệu về chịu tang, xong hậu sự hai vợ chồng kiên quyết đưa bạn về nhà. Thấy bạn sốt sắng, thực lòng vã lại hiện tại chàng thương binh nặng cũng chẳng còn ai thân thuộc nên đành phải ngoan ngoãn nghe theo.

Về sống chung với gia đình Thủ, Tâm được hai vợ chồng chăm sóc rất chu đáo, nỗi đau về tinh thần và thể xác từ đó cũng nguôi ngoai, ngôi nhà luôn đầy ắp tiếng cười…

Thời gian vô tình trôi, đôi lần Thủ bắt gặp ánh mắt khác thường của bạn khi nhìn người yêu cũ và ngược lại…Sau nhiều đêm mất ngủ Thủ quyết định xin đi làm việc xa nhà. Như một lập trình định sẵn, khoảng thời gian giữa hai lần về nhà ngày một tăng dần. Từ một tuần… đến một tháng và sau đó vô hạn. Sau nhiều lần Diệu đẩy xe lăn cùng Tâm tìm kiếm bạn trở về nhưng Thủ vẫn một mực từ chối,  sau đó Thủ im lặng đổi nơi cư trú và mất hẳn dấu tích. 5 năm sau từ cái ngày vắng nhà vô hạn định đó Thủ mới quay về, nhưng lần về này Thủ đã vĩnh viễn không còn bạn, Tâm đã mất do bệnh nặng. Nghịch cảnh thật trớ trêu, so với sự lành lặn của Thủ những tưởng sự tàn phế của Tâm là cái dấu chấm hết cho khả năng duy trì nòi giống, vậy mà người thương binh nặng cũng đã kịp để lại cho Diệu hai đứa con kháu khỉnh, một hoàng tử và một công chúa.

Đọc một mạch hết cuốn nhật ký mà bạn đã cố gắng viết cho mình trong những khoảnh khắc đau đớn do bệnh tật hành hạ vào cuối đời, Thủ cảm thấy mình như đang trôi giữa đôi bờ hư thực… Thủ không còn một thoáng ý nghĩ nào dù thật mỏng manh lướt qua trong tâm thức về việc rời xa tổ ấm lần nữa… 

 Nghe chồng kể, Thắm phần nào bình tâm trở lại, từng phân khúc đau buồn của cuộc chiến lẳng lặng tràn về. Trăng đổ óng ánh vàng xuống hàng hiên, đêm co ro trong tiếng kêu của lũ ếch nhái xen lẫn với tiếng rạo rực của đám côn trùng, cả hai chiếc bóng loạng chọang trôi theo tiếng thở dài.

Truyện ngắn của Khê Giang

;
.