Chuyện quê chuyện phố

Thứ Sáu, 22/02/2019, 08:45 [GMT+7]
In bài này
.

Có dạo, anh thú nhận sống ngót nghét ở phố mấy mươi năm, thứ anh thèm nhất không phải từ mấy món quà quê mà má anh lặn lội bắt xe đò hơn bảy tiếng mới tới nơi, mà là những câu chuyện. Hỏi ngộ, chuyện thì ở đâu chẳng có, nhưng anh lắc đầu, khác nhiều chớ, chuyện quê nghe dung dị và thân thuộc hơn nhiều.

Như thể anh vẫn cắm rễ hồn mình từ quê xưa, chỉ chực nghe những câu chuyện từ khuôn miệng móm mém của người mẹ già mà nở hoa xanh biếc. Bà chắc hiểu điều đó nên cần mẫn mỗi tháng xách theo một giỏ chuyện quê đều đặn lên phố, hoặc giả bà cũng thích làm người kể chuyện, khi mà những thứ đổi thay người nhà quê đều đã biết, thì ngay chỗ này, vẫn còn sót lại những con người dời chân bến cũ chưa có dịp chứng kiến để hình dung, giống anh hiện giờ. Những câu chuyện quê tưởng như nhỏ nhặt, nhưng cũng nhiều lần khiến anh tiu nghỉu khi chạy khắp nơi cũng không thể mua nổi, dù phố vẫn được mang danh là không thiếu món gì, từ mấy trái dừa nước đến vài sợi rơm khô.

Bằng chất giọng quê không thể trộn lẫn, má bắt đầu kể chuyện, và anh quay ngược thời gian để trở thành đứa trẻ háo hức ngồi nghe. Mấy câu chuyện cũng chẳng có gì lớn lao, nhưng qua giọng của má lại trở nên sinh động. Xoay qua xoay lại cũng chỉ là chuyện mảnh vườn xó bếp, xa hơn chút nữa là đứa bạn xóm trên mới có thêm tiếng khóc trẻ con, con đường sỏi dẫn ra lộ mới bắt đầu tráng nhựa đi lại ngon phải biết. Cứ vậy, má nhớ đến đâu thì kể đến đó, giống như kiểu bà bắt gặp hình ảnh nào hơi quen thuộc với quê xưa thì liên tưởng lại mà chắp vá thành câu chuyện. Có những chuyện hồi lâu đã bung ra khỏi bộ nhớ, anh biết nhưng vẫn cảm thấy rất thân quen, hoặc là anh cũng chẳng để tâm khi gắn ghép những mảnh nhớ để hình dung cho đủ đầy, chỉ là đôi lúc anh thấy thèm cho những cuộc nói cười dân dã vô ưu mà phố chẳng bao giờ đoái hoài ban phát.

Má không ở lại lâu, chừng vài hôm lại xách giỏ không trở lại quê nhà. Tự dưng có lúc anh nghĩ chắc má về quê để góp nhặt những câu chuyện, rồi khi cái giỏ xách ký ức chật đầy, bà lại lặn lội lên phố để làm nhiệm vụ của người kể chuyện. Bằng cách đó, má có cách để níu anh trở lại nơi xưa, cũng dành ra dăm ba ngày nghỉ, bứt mình ra khỏi thành phố ngột ngạt để tìm đến hương đồng cỏ nội hồi lâu xa ngái. Đó cũng là lúc để anh chứng kiến, không phải bằng tai, mà bằng những hình ảnh chân phương y chang cách kể của má, thiếu điều chẳng khác nhau là mấy.

Đôi lúc, anh trở thành người kể chuyện, khi má buột miệng hỏi mấy câu chuyện ở phố. Mấy câu chuyện quê thốt ra tự nhiên như gió thổi, vậy mà mấy câu chuyện phố phải chật vật mãi mới có dăm ba điều đáng để sẻ chia.

Nhiều lần anh thèm nghe đến quay quắt giọng nói của má, cả tiếng thở dài hay vài câu cảm thán khi thấy anh mải mê chạy theo cuộc mưu sinh hối hả mà quên bẵng bữa tối.

Giờ đây, người kể chuyện không phải là má, mà là chị Hai, chị Ba hay chị Tư lặn lội từ dưới quê lên phố, cũng mang theo mớ giỏ xách của ký ức rồi nghiễm nhiên trở thành người kể chuyện. Có điều, anh không thấy phảng phất trong đó bởi sự lạc quan dung dị, bởi những câu chuyện mà các chị kể đã nhuốm một màu sắc khác, toàn những chuyện giật gân. Má hồi chưa nằm xuống giữa lòng xóm nhỏ không bao giờ kể cho anh nghe những câu chuyện đó, như thể bà vẫn cố gắng lưu giữ trong ức thức của anh là những bóng mát của quê xưa vườn tược, dù bà biết đôi lúc cuộc sống cũng quăng quật lên những phận đời như gió lốc. Chỉ có điều má biết cách chắt lọc để nhóm lên trong lòng anh hình ảnh của một quê xưa dịu dàng.

KAI HOÀNG

;
.