TẠP BÚT

Mưa trái mùa

Thứ Sáu, 04/01/2019, 11:12 [GMT+7]
In bài này
.

Đang mùa gió chướng mà tự nhiên trời mang mang, nằng nặng. Người mẹ nhắc đứa con đi đâu nhớ mang theo áo mưa. Mấy chị bạn đến chơi cười cười: Trời dọa thôi, mưa gì nổi. Đã qua Tết Dương lịch rồi, giữa mùa khô rồi. 

Nhưng ông trời không dọa. Mây kéo đến mỗi lúc một dày. Nắng bị xua đuổi hồi đầu còn trốn lại được vài vạt, sau dần yếu ớt hẳn đi rồi biến mất lúc nào không hay. Đã thấy gió thổi từng cơn như thăm chừng. Rồi gió cũng chơi trò cút bắt, có lúc tụ lại đâu đó, có lúc thổi thốc mãnh liệt làm tung vài đám lá rụng lên không trung dọc những con đường lớn. Những hạt mưa đầu tiên đã rơi xuống mái tôn lộp độp. Rồi tiếng mưa rộn ràng hơn. Rồi mưa sầm sầm y như thật. 

Mấy người nán lại dưới một mái hiên lắc đầu ngán ngẩm: “Gần hết tháng mười một âm rồi mà trời như trời tháng tám!”. May mà chưa tan tầm nên đường còn tương đối vắng. Nhưng nếu đúng giờ về thì cũng không ai trách trời được. 

Người thành phố chỉ ngán cơn mưa làm chậm mươi phút về đến nhà, ngán cái xe mới rửa hôm qua nay phải rửa lại. Mưa còn làm nhịp độ cuộc sống chậm rãi hơn chút đỉnh. Người ta có cớ tụ lại tám với nhau dăm ba câu chuyện vu vơ. Nhiều người mừng vì tự nhiên không khí sạch hơn, mưa rửa trôi lớp bụi cho cây cối hai bên đường sáng sủa, cho những chậu cây cảnh khỏi mất công tưới vài bữa, cho không khí mát mẻ được vài ngày. Mà không chỉ vài ngày. Cơn mưa trái mùa năm nay có sự tiếp sức của áp thấp dường như nấn ná lâu hơn để quay đi quay lại thêm nhiều lần nữa. Người thành phố vốn vô tư, nhất là ở một thành phố có được nhiều ưu đãi về thiên nhiên như nơi tôi đang sống. Nên chuyện mưa trái mùa cũng chẳng làm bận lòng ai.

Nhưng tại một cuộc họp gần đến giờ tan, cạnh tôi, anh bạn cứ nhấp nha nhấp nhổm nhìn ra bên ngoài hàng hiên khi thấy những làn mây đen kéo về:

Chi vậy cha nội? Chuẩn bị đi nhậu à?

Đâu có. Mưa lúc rày là mấy công điều của ông già tui tiêu hết.

Thì ra là vườn điều của gia đình anh đang vào độ hoa trĩu cành. Gặp mưa là hoa thối hết, không đậu trái. Công chăm sóc cả năm coi như bỏ đi, niềm hy vọng về món tiền trông đợi cho những chi tiêu lớn nhỏ nào đó cũng tiêu tan luôn. Vậy là cùng ngồi họp với nhau nhưng trước cơn mưa, khi mà tôi hoàn toàn lơ đãng thì trong anh là một mối quan tâm thường trực đến sự đỏng đảnh của thời tiết. Tôi thoáng mắc cỡ vì sự vô tâm của mình.  

Và sau đó thì tôi hiểu anh chỉ là một trong rất nhiều người biết rằng những cơn mưa trái mùa chẳng hiền chút nào. Những vườn dưa hấu đang chín gặp mưa sẽ nứt toác, có nước bổ mà ăn chứ đâu còn đi bán được. Mà cả vườn dưa thì ăn được mấy trái? Rồi mấy vườn mai trồng bán tết, mưa này rồi cũng sẽ ra bông nở sớm trước tết, bán được cho ai? Mấy liếp hoa cúc đang lên đẹp bị mưa dập sẽ cong queo cành nhánh mai mốt sẽ không thẳng thớm được như đòi hỏi về hoa chưng bình. Những liếp cải non mới trồng gặp mưa nếu không che được cũng lụi hết. Vài vuông tôm, ao cá giống gặp mưa bất ngờ không chuẩn bị kịp nước tràn bờ cũng là công toi... 

Hồi nhỏ, tôi được học câu tục ngữ: “Được mùa cau, đau mùa lúa. Được mùa lúa, úa mùa cau” chỉ hiểu sơ sơ. Rằng chẳng bao giờ thiên nhiên cho mọi điều như ý, nơi này được thì nơi kia mất, lúc này vui thì lúc khác cực. Những mùa lụt trắng đồng, những mùa hạn khô cháy. “Nắng mưa là bệnh của trời”. Nhưng càng ngày càng không thể vô tư nhìn chuyện mưa nắng của trời đất bằng con mắt lãng mạn như thơ, như nhạc. Nói nắng đẹp như mật ong, gió mát như quạt hầu hay mưa đi cho lòng ngập tràn nhung nhớ chỉ là khi lòng hoàn toàn thanh thản không nghĩ đến những cực nhọc bấp bênh của nhà nông mà thôi. Mà nhà nông là ai? Là hạt gạo lá rau ta ăn hàng ngày. Là cha mẹ ông bà ta hay tám mươi phần trăm đồng bào mình vậy.

HỘI AN

;
.