Bức tranh

Thứ Bảy, 12/01/2019, 10:09 [GMT+7]
In bài này
.

Đám sinh viên tỏ vẻ ngạc nhiên khi vị giáo sư dẫn người mẫu mới tới. Không phải là người đàn bà ngoài 50 tuổi gầy nhô hốc xương cổ, không phải cụ già đen sạm, tuổi thất thập, mẫu lần này là một cô gái tầm ngoài hai mươi, da trắng, mắt tròn, buồn rười rượi. Những người mẫu nuy ngồi cho sinh viên vẽ chẳng cần nhan sắc, dáng chuẩn. Chỉ cần chịu khó ngồi im suốt buổi. Các sinh viên nhao nhác một lúc, có ai đó nói: “Đẹp thế, vào đây làm gì không biết”.

Bỏ qua những tiếng xì xào, Huệ trút bỏ bộ quần áo. Khựng lại chừng ba phút sau bức rèm, cô thấy sự ngại ngần không biết từ đâu ùa lại. Định mặc áo quần trở lại nhưng khi nghe những âm thanh bên ngoài đã tắt hẳn, nhường cho sự im lặng tuyệt đối, cô bắt đầu lấy lại tinh thần. Huệ đẩy tấm rèm ra, khoác vội mảnh khăn voan đã cũ, bước nhanh như chạy lại ghế ngồi. Khi nàng buông tay cho chiếc khăn rơi xuống đất, sự im lặng đến nghẹn thở, nghe rõ cả tiếng những nét vẽ chạy soàn soạt trên giấy. “Thù lao một giờ ngồi im làm mẫu là hai mươi ngàn đồng. Mẫu nuy nhưng không ai trêu chọc, không ai có hành vi nào khiếm nhã, không ai nghĩ ngợi gì vì ở đây chỉ có những bài học vẽ, sẽ không ai biết gì về cô dẫu chỉ là cái tên. Cô còn được học vẽ miễn phí…”. Khi vị giáo sư hài hước đảm bảo những điều ấy, Huệ gật đầu. Vượt qua cả những trở ngại phải khỏa thân trước đông người.

Từ lâu Huệ đã quen với chuyện buồn. Ba mẹ Huệ bỏ quê đi làm ăn xa, nhiều năm không về. Bà nội coi mấy chị em như một gánh nợ. Huệ vừa bước qua tuổi 18, bà đã gả tống gả tháo cho một người quen sơ sơ trên thành phố chỉ cốt bớt một miệng ăn. Nhà chồng Huệ giàu có. Chồng là giảng viên một trường đại học lớn trong thành phố. Bà nội hỉ hả tuyên bố khắp làng: “Nhờ tao ăn ở có đức mà con bé đổi đời”. Thực chất, Huệ chỉ đổi từ cái khổ này qua cái khổ khác. Vào nhà giàu keo kiệt còn cực hơn trâu. Mọi người nhìn Huệ bằng ánh mắt dành cho một kẻ người làm. Có lúc ngập chìm trong công việc, Huệ cãi: “Con về đây làm vợ, làm con dâu, có phải làm ô sin đâu” thì ngay lập tức, cú giáng từ tay chồng cô đáp thẳng xuống mặt. Cú giáng ấy, theo chồng Huệ là: “Để dạy cho mày biết làm dâu hiền vợ thảo trong một gia đình “lễ giáo”.

Trong nhà kho của nhà chồng Huệ có rất nhiều tranh sơn dầu. Cha chồng cô vốn là một họa sĩ nổi tiếng. Một đời ông gắn với những gam màu, những toan vẽ, để rồi gục ngã bên giá vẽ khi phát hiện ra vợ có tới ba ông bồ. Gần 5 năm trước, thằng con quý tử - chồng Huệ trong một lần không xin được tiền mẹ đã nói ra sự thực khó tin ấy cho cha nghe. Anh còn làm chứng bằng cách chở ông tới tận nhà nghỉ Lam Hồng chỉ cách nhà vài con hẻm, nơi mẹ đã là khách quen nhiều năm nay. Ông cụ sau khi biết sự thực, trở về bên giá vẽ, vẽ như khổ sai cả ngày lẫn đêm và khuỵ ngã khi chưa qua nửa đời người.

* * *

Ông giáo sư đưa Huệ về làm mẫu nuy ở đây vốn là bạn thân của cha chồng cô. Thi thoảng ông vẫn ghé nhà, ngồi bên cạnh người bạn đang sống đời thực vật hàng giờ. Có khi ông kể chuyện này tới chuyện kia, tự cười một mình thích thú. Có khi ông đặt trước mắt cha chồng Huệ bức tranh còn chưa khô, mùi sơn dầu hăng hăng rồi lặng im nhìn như thể cả hai đang cùng thưởng thức. Họa hoằn lắm cha chồng Huệ có nhếch môi nửa như cười, nửa như mếu. Cô gặp ông lần đầu trong đám cưới. Lần thứ hai vào đúng lúc Huệ vừa hứng trọn ba cái tát của chồng vì tội đi chợ lâu về, để cô em gái kêu đói bụng. Hai lần gặp là hai bộ dạng hoàn toàn khác hẳn khiến ông giáo sư sững sờ mất vài giây mới nhận ra Huệ. Khi ngồi trò truyện với người bạn đang sống đời thực vật của mình, ông vẫn nhìn theo Huệ vật vờ như cái bóng. Lúc là đi đổ bô, lau người cho cha chồng, lau nhà dọn cửa… Huệ làm tất cả công việc ấy với khuôn mặt không một chút biểu cảm.

- Cô có bàn tay đẹp quá, bàn tay này học piano hoặc học vẽ rất phù hợp - ông giáo sư nhận xét. Huệ nhìn sang cha chồng, thấy hình như đầu ông có gục gặc nhẹ.

Thực tình lúc này Huệ chỉ muốn làm gì đó để có tiền, để có thể tự nuôi sống mình, bứt mình ra khỏi cái nhà này. Bất cứ nghề gì, dù là cầm cuốc cầm cày cũng được, chẳng mơ chi đến cầm đàn, cầm cọ vẽ.

Chưa kịp làm gì thì trận đòn mới lại giáng xuống người cô chỉ vì Huệ mải ngồi trong kho xem tranh, quên giờ đón con. Khi cánh cửa nhà kho ken két mở ra, chồng cô rít lên từ sau lưng, Huệ mới giật mình nhận ra trời đã tối. Những cú tát tai nảy lửa khiến Huệ ngã xô vào những bức tranh. Những sắc màu cuồng điên nhảy múa.

- Cô phải biết mình là ai chứ? Cái thứ dốt nát như cô, học còn chưa hết cấp hai, xem tranh làm gì? Đến con còn không biết đi đón, bày đặt xem tranh? - giọng chồng cô dài ra.

Huệ khóc rấm rứt: “Tôi biết mình dốt nát, không xứng với anh. Xin anh cho tôi đưa con quay về quê”.

- Cô nghĩ sao? Cô biết mình dốt nát mà dám đòi đưa con đi? Cô không có đồng xu cắc bạc nào, không có nghề ngỗng gì mà nghĩ chuyện đưa con đi? Cô tỉnh lại dùm, đừng mơ mộng nữa.

Cuối cùng, Huệ bước ra khỏi nhà, chấp nhận tay trắng, chấp nhận mất luôn quyền nuôi con, chỉ được lại là mình.

Công việc người mẫu nuy đến với Huệ tình cờ như vậy. Ngày, cô theo ông giáo sư lên trường ngồi làm mẫu nuy. Tối, ông giáo sư nhường cho Huệ một phòng nhỏ trong nhà của mình. Ông tranh thủ tuần vài buổi chỉ Huệ những bài họa căn bản.

* * * * *

Sau những bức vẽ, ông giáo sư và Huệ thân nhau hơn. Ông bảo, bất ngờ khi một cô gái trình độ chưa hết lớp 9 lại có khả năng hội họa phát triển nhanh như Huệ. Ông giục Huệ học một lớp bổ túc văn hóa cùng với việc học vẽ ở nhà. Quay lại với những bài toán, bài văn, những nét vẽ có khi làm Huệ ngại. Nhưng nhớ tới những lời cay nghiệt, khinh miệt của chồng cũ, cô lại mím chặt môi buộc mình vào quyết tâm.

Điều lạ nhất từ trước tới giờ Huệ biết, có lẽ là công việc chính của ông giáo sư này. Huệ kiêm luôn việc làm thư kí cho ông nên ông không giấu cô điều gì. Ông mở lớp học vẽ ở nhà, học trò ông là những quý ông quý bà thành đạt có đam mê hội họa. Đam mê đến đâu không rõ nhưng dám chi cả trăm triệu đồng chỉ để học những bài vẽ đơn giản. Sau những bài vẽ đơn giản khoảng ba tháng đến nửa năm, ông giáo sư sẽ vẽ chừng hai chục bức tranh sơn dầu đủ kính thưa các thể loại, đề tài. Những bức tranh ấy ông thường không ký phía dưới như thông lệ mà để chính những quý ông, quý bà lắm tiền ký tên vào. Sau khi triển lãm thành công tốt đẹp (mà triển lãm nào Huệ cũng nghe nói thành công tốt đẹp), khoảng trăm triệu đồng nữa sẽ lọt vào túi ông giáo sư. Tổng cộng 200 triệu cho việc đào tạo ra một học trò từ lò vẽ của ông.

Học trò mới tới sáng nay là chị Hằng, chủ một tiệm kim hoàn nổi tiếng. Ông giáo sư bảo Huệ thôi không làm mẫu nuy trên trường nữa. Cực khổ vậy đủ rồi. Những gì muốn học cũng học đủ rồi. Ông yêu cầu Huệ bắt tay vào vẽ tranh thô, ông chỉ làm nhiệm vụ tút tát lại. Những bức vẽ hoa lá, phong cảnh, chim chóc đơn giản, ông khoán luôn cho Huệ vẽ. Tính ra, Huệ gánh bớt gánh nặng đáng kể cho ông giáo sư vì không ai trong số học trò thành đạt của ông nhận ra bức nào là cô thư kí của giáo sư hay giáo sư vẽ. Miễn rằng có tranh triển lãm và treo tường nhà, tường công ty với cái tên của họ đề trang trọng trên đó, vậy là đủ.

Ngày Huệ đến xem triển lãm tranh của chị chủ kim hoàn, tình cờ gặp chồng cũ. Khi Huệ đang đứng trước bức tranh xây tổ, vẽ chim cha đang gắp từng cọng rơm vàng về xây tổ, chim mẹ đang xòe đôi cánh ôm ấp chim con yên bình thì nghe anh hỏi: “Cô… à… em làm gì ở đây?”. Huệ cười: “Anh thấy đấy, tôi đang xem tranh. Ở đây đâu ai cấm tôi được quyền xem tranh, phải không?”. Anh nói như phân bua: “Triển lãm tranh của bạn anh, anh qua xem. Tranh đẹp quá nhỉ?”. Huệ không đáp, thoạt nghĩ, anh chưa từng chia sẻ những điều tương tự thế với Huệ. Anh nhìn dò xét: “Anh… thực sự tiếc khi nghĩ lại mọi chuyện”. “Chỉ tiếc thôi ư?”, “Anh xin lỗi”, “Ích gì? Chuyện cũ quan trọng gì nữa đâu. Tôi quên hết rồi”.

Anh đính một bông hoa đỏ báo hiệu đã có người mua lên bức tranh “xây tổ”. “Bức tranh giản dị nhưng ấm cúng và nhiều hàm ý. Anh sẽ treo trong phòng khách nhà mình. Không ngờ cô bạn mình lại lãng mạn và tài năng đến vậy”-chồng cũ của cô nói. Huệ nghe nhoi nhói trong lòng. Phía dưới bức tranh là tên chị chủ kim hoàn, không phải tên Huệ, dù khi vẽ bức tranh ấy, quả thực Huệ đã nghĩ về bé Nghé-con mình và không thể phủ nhận rằng ít nhiều có nghĩ đến anh. Dù anh chẳng thể nào là chú chim cần mẫn kia.

* * *

Chuông cửa reo. Ông giáo sư ra hiệu để tự mình ra mở cửa. Từ nhiều tháng nay Huệ có cảm giác thân tình với ông như cha và con gái. Cô nhìn lại bức tranh lần cuối trước khi đóng nó vào khung để chuyển đến nhà cho chồng cũ. Bất ngờ, không phải người chuyển tranh thuê mà nghe tiếng anh chào ông giáo sư.

“Tôi muốn anh xem một số bức tranh, có thể anh cũng thích như “xây tổ”. Vị giáo sư già hóm hỉnh. Anh theo ông lên phòng tranh trên gác, đi ngang qua Huệ, khẽ gật đầu cười chào ngài ngại.

Khi anh và ông giáo sư quay lại, Huệ chuẩn bị bỏ bức tranh vào hộp giấy bảo quản. Anh đưa tay ngăn: “Em, em có thể kí tên em, phía dưới bức tranh này được không? Anh biết, anh không có quyền. Xin lỗi em. Nhưng bé Nghé, nó có quyền tự hào về mẹ nó”. Huệ ngạc nhiên nhìn ông giáo sư. Ông gật đầu, cô xóa đi tên chị chủ tiệm kim hoàn, ký lại tên mình. Cuối cùng, cũng có một bức tranh được trả về tên người vẽ.

Dáng anh ra khỏi con hẻm. Huệ khép cửa đi vào, buông một tiếng thở dài khe khẽ. Vị giáo sư cười đôn hậu: “Còn ta, chẳng có quyền đưa ra một lời khuyên nên tha thứ hay không tha thứ với con trong trường hợp này. Nhưng hãy làm, hãy sống như con từng cháy hết mình trước giá vẽ. Hãy nghe theo trái tim…”.

Truyện ngắn của KHÔI NGUYÊN THẢO
;
.