Hai bài hát chúc mừng năm mới bất hủ

Thứ Bảy, 29/12/2018, 10:17 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời khắc chuyển giao giữa cũ và mới đầy thiêng liêng của đêm giao thừa, thật xúc động khi được nghe những lời ca tuyệt vời từ những bản nhạc chúc mừng năm mới với những mong ước về một năm an bình, hạnh phúc. Auld Lang Syne và Happy New Year chính là hai bài hát nổi tiếng nhất trong số những bài hát được cất lên vào khoảng thời gian giao thời này.

AULD LANG SYNE

Nếu như ở Việt Nam, vào dịp tết, bài hát được bật nhiều nhất từ những ngày cuối năm cho đến khi hết tết là bản Happy New Year thì Auld Lang Syne lại là bài hát ngân vang trong giây phút này ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Tokyo, Paris, London đến New York.

Auld Lang Syne là một cụm từ tiếng Anh cổ, có nghĩa là “Những ngày xưa thân ái”. Bài hát do thi hào Robert Burns viết từ năm 1788 dựa theo giai điệu của một bài dân ca cổ của Scotland. Bài hát coi như chính thức được chào đời, khi được xuất bản năm 1799 trong Hợp tuyển ca khúc Scotland của nhà sưu tập âm nhạc nổi tiếng George Thomson.  

Bài hát bắt đầu bằng một câu hỏi: Should auld acquaintance be forgot/And never brought to mind?/Should auld acquaintance be forgot/And auld lang syne (Có nên quên đi những người thân quen thuở trước và không bao giờ nhớ đến họ nữa? Có nên quên đi những người thân quen thuở trước và những tháng ngày tươi đẹp cũ?). Lặp đi lặp lại trong ca khúc là tâm trạng bồi hồi, lưu luyến nhớ về những kỷ niệm xưa, nhớ về những người thân quen cũ, về tình thân, sự đoàn viên, sum họp. Đoạn cuối là lời nhắn nhủ “Chúng ta cùng nâng ly vì những điều tốt lành vì những ngày tươi đẹp cũ” kèm theo câu Happy new year luôn được thêm vào khi bài hát vừa chấm dứt cũng là điểm cộng giúp Auld Lang Syne sớm được đón nhận và nhanh chóng trở thành bài hát chúc mừng năm mới truyền thống của không chỉ Scotland mà trên toàn Vương quốc Anh. 

Giai điệu lúc du dương trầm lắng, lúc vui tươi nhộn nhịp cùng những ca từ giản dị đầy ý nghĩa khiến cho Auld Lang Syne phù hợp với đa số sự “kết thúc” và “khởi đầu mới” như các cuộc chia tay, đám tang, lễ tưởng niệm, lễ tốt nghiệp ra trường, kết thúc một bữa tiệc hay cuộc bầu cử... Trải qua quá trình tồn tại lâu dài hơn hai thế kỷ, bản gốc của Auld Lang Syne đã được remix (phối lại) nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành ca khúc được hát rộng rãi trên khắp thế giới từ Pháp, Mỹ, Nga cho đến Thái Lan, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ…

“Ở Việt Nam Auld Lang Syne được biết đến qua bài hát “Bài ca tạm biệt” với lời ca du dương “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau giã từ lòng còn lưu luyến/Cách xa nhưng ta hằng mong rồi đây có ngày còn được gặp nhau”. Bài hát này còn được chế thành một bài đồng dao trẻ con nổi tiếng có tên “Tò te”. “Tò te, cây me đánh đu/Tazan nhảy dù/Thằn lằn bắn súng…”. Người ta nói, hành trang mang theo suốt cuộc đời của những người Anh di cư chính là bài hát Auld Lang Syne. Và vì vậy, bất kể quãng thời gian kéo dài hai trăm hai mươi năm khiến cho phần lời của bài hát trở nên cổ xưa, trúc trắc so với ngôn ngữ hiện đại thì đây vẫn là bài hát được ngân nga nhiều nhất trên toàn thế giới mỗi dịp giao thời giữa năm cũ và năm mới.

HAPPY NEW YEAR

Đối với nhiều người Việt Nam, ca khúc Happy New Year, như tên gọi của nó mới chính là ca khúc Chúc mừng năm mới. Hơn 30 năm qua, đã thành thông lệ cứ mỗi dịp tết đến xuân về, Happy New Year lại vang lên trên tất cả các kênh sóng phát thanh, truyền hình, các địa điểm biểu diễn văn nghệ, trong công viên, trên đường phố hay tại nhà riêng. Khi những thanh âm đầu tiên của ca khúc vang lên, người nghe thấy tràn ngập trong lồng ngực niềm hân hoan đón mừng năm mới. Bài hát đã trở nên phổ biến ở Việt Nam tới mức rất nhiều người dù thông thạo hay không biết một từ tiếng Anh cũng có thể ngân nga vài câu trong đoạn điệp khúc. 

Tuy nhiên, ít người biết bài hát nổi tiếng của ban nhạc Thụy Điển huyền thoại ABBA, ra mắt năm 1980 ấy lại có số phận khá trắc trở. Tên gọi ban đầu của ca khúc khá dài và lạ: “Daddy don’t get drunk on Christmas day - Cha ơi đừng để say trong ngày Giáng sinh” và phần ca từ ngay trong đoạn mở đầu đã có xu hướng ảm đạm bi quan “No more champagne. And the fireworks are through. Here we are, me and you. Feeling lost and feeling blue “(Rượu sâmpanh đã cạn rồi và pháo hoa cũng đã tàn. Chỉ còn lại đây mình anh và em, lạc lõng và buồn bã…). Và cả phần kết bài: “It’s the end of a decade/In another ten years time/Who can say what we’ll find/What lies waiting down the line/It’s the end of 89”(Đó là những năm cuối của thập kỷ/Ai có thể nói trước được 10 năm nữa điều chúng ta chờ đợi có đến không/Điều gì sẽ xảy ra vào năm 1989 này?) Lời ca làm cho người nghe có cảm giác bài hát chỉ dành cho những người ở thập niên 80 (thế kỷ 20) vậy. 

Có lẽ vì vậy, bài hát không được công chúng chào đón như hầu hết các tác phẩm của ABBA khi đó và phiên bản tiếng Anh ở Việt Nam chúng ta nghe ngày nay chỉ được phát hành nhiều năm sau khi Happy New Year ra đời ở Thụy Điển. Đến năm 1999, tức là 19 năm sau ngày ra đời Happy New Year với giai điệu khi sâu lắng, lúc rộn ràng cùng đoạn điệp khúc ý nghĩa thể hiện những khát vọng yêu thương cao cả mới khiến cho Happy New Year trở thành ca khúc nổi tiếng trên thế giới. Bất chấp những hạn chế về ca từ, vào thời khắc linh thiêng khi không gian tĩnh lặng với bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong tim, chiếc đồng hồ đinh đoong đếm tiếng thứ 12 thì những giai điệu mượt mà sâu lắng của Happy New Year vẫn vang lên  trên khắp Việt Nam.   

AN AN 

 
;
.