Tiếng hát từ trái tim

Thứ Sáu, 30/11/2018, 11:14 [GMT+7]
In bài này
.

Dù cơ thể còn nhiều khiếm khuyết, có người không thấy được ánh sáng, có người trí tuệ chậm phát triển nhưng họ vẫn tự tin trên sân khấu, hát múa bằng trái tim với tình yêu văn nghệ cháy bỏng. Hội diễn Tiếng hát Người khuyết tật (NKT) vừa diễn ra đã tạo sân chơi cho những NKT thể hiện niềm đam mê của mình.

Ông Nguyễn Văn Đức (Hội Người mù TP.Vũng Tàu) biểu diễn tiết mục độc tấu đàn tranh “Việt Nam quê hương tôi” tại Hội diễn.
Ông Nguyễn Văn Đức (Hội Người mù TP.Vũng Tàu) biểu diễn tiết mục độc tấu đàn tranh “Việt Nam quê hương tôi” tại Hội diễn.

TÌNH YÊU VỚI VĂN NGHỆ

Sở VH-TT phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh vừa tổ chức Hội diễn Tiếng hát NKT tỉnh BR-VT, năm 2018 với chủ đề “Tiếng hát từ trái tim”. Chỉ có thể hát bằng trái tim, cảm thụ bằng trái tim mới “thấm” hết được cái hay của 40 tiết mục văn nghệ do 120 ca sĩ, diễn viên 8 đội văn nghệ đến từ Hội Người mù TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa, TX.Phú Mỹ; Hội Người khuyết tật TP.Vũng Tàu; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Long Điền và huyện Châu Đức; Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

25 diễn viên không chuyên của đội văn nghệ Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ tạo ấn tượng với khán giả bởi sự nhanh nhẹn, đáng yêu trong tiết mục múa “Ngày hè quê em”. Những trò chơi của trẻ em như: trốn tìm, dung dăng dung dẻ hay động tác múa xoay vòng được các em thể hiện uyển chuyển, nhịp nhàng. Tiết mục ca múa “Bác Hồ-Người cho em tất cả” khiến sân khấu bừng sáng bởi sự tham gia của toàn đội với trang phục, đạo cụ bắt mắt. Các bé gái trong trang phục váy xòe màu xanh, vàng rực rỡ múa rất dẻo, còn các bé trai bảnh bao với chiếc áo sơ mi, quần short, nhảy rất nhịp nhàng, đạo cụ là những đóa hoa hướng dương, hoa sen điểm màu cho sân khấu thêm rực rỡ.

HS Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ biểu diễn tại Hội diễn.
HS Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ biểu diễn tại Hội diễn.

Đội văn nghệ Hội Người mù TP.Vũng Tàu tạo nhiều cảm xúc cho người xem khi có những “nghệ sĩ” hát hay, đánh đàn giỏi. Ông Nguyễn Văn Đức (62 tuổi, thôn 7, xã Long Sơn) đã khiến khán giả bất ngờ bởi tiếng đàn tranh trong trẻo, nghe êm tai trong tiết mục độc tấu đàn tranh “Việt Nam quê hương tôi”. Khuôn mặt tươi vui, bàn chân dập dìu theo tiếng nhạc, ông Đức say sưa với từng tiếng đàn trên sân khấu. Ông Đức cho biết, ông bị mù bẩm sinh. Cách đây 20 năm, qua một người bạn hướng dẫn, ông học đánh đàn tranh. “Người bình thường học đàn đã khó, người khiếm thị lại khó khăn. Ban đầu, mình phải ghi nhớ vị trí từng dây đàn sau đó mới ghi nhớ âm thanh của dây đàn. Tôi tìm đến âm nhạc làm bầu bạn, gởi gắm tâm sự vừa mưu sinh để cùng vợ nuôi các con ăn học”, ông Đức nói.

CẢM ĐỘNG TÌNH “HẬU PHƯƠNG”

Đến với Liên hoan, khán giả không chỉ cảm động bởi những lời ca, tiếng hát, điệu múa cất lên từ trái tim của những người khuyết tật mà còn cảm động trước tình cảm của những người vợ, chồng, giáo viên đã “tiếp sức” để NKT tự tin trên sân khấu. Bà Ngô Thị Phượng, vợ ông Nguyễn Văn Đức là người tận tình dìu ông Đức ra sân khấu để biểu diễn. Bà cũng đợi sẵn ở cánh gà cổ vũ cho chồng và dìu chồng vào sau khi thi diễn. Bà Phượng kể, ngoài tham gia văn nghệ với Hội, ông Đức còn mưu sinh bằng tiếng đàn tranh qua tham gia phục vụ tiệc cưới, đám tang… cùng với CLB Đờn ca tài tử xã Hòa Long với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Từ nguồn thu nhập của chồng cùng tiền làm nhang của bà (2 triệu đồng/tháng), vợ chồng ông đã nuôi 3 con ăn học, có việc làm ổn định. “Mỗi lần chồng đi diễn xa, tôi đều lấy xe gắn máy chở đi. Tôi luôn động viên chồng tham gia văn nghệ để sống vui vẻ, yêu đời”, bà Phượng nói.

Ông Nguyễn Văn Tài, đội văn nghệ Hội Người mù huyện Long Điền cũng là người khiếm thị. Ông Tài được bà Phạm Thị Đan - vợ ông dìu dắt từng bước khi ra, vào sân khấu. Bà Đan kể, năm lên 5 tuổi, chồng bà bị bệnh thủy đậu, bị nổ tròng rồi mù cả hai mắt. Năm 1984, hai người gặp nhau, thấy hoàn cảnh của ông nên bà rất thương rồi yêu. 1 năm sau đó, ông bà tổ chức đám cưới. Ông bà sinh được 2 người con gái bình thường, khỏe mạnh, hiện đã lập gia đình. Hiện tại, ông bà tự lo tiền sinh hoạt gia đình, bà làm nghề bán vé số, còn ông đánh đàn phục vụ tiệc cưới, đám tang với tổng thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Các cô giáo Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ tận tình giúp các em HS tự tin bước lên sân khấu. Cô Ngô Thị Kiều Mỹ Duyên cho biết, để chuẩn bị cho Hội diễn, cô trò đã tập luyện hơn 1 tháng. “Việc tập văn nghệ gặp nhiều khó khăn vì các em bị khuyết tật cả cơ thể lẫn trí tuệ. Có khi một buổi chỉ tập được 1-2 động tác”, cô Duyên kể. Tuy nhiên, cô Duyên cho biết thêm, khi đã tập đi tập lại trong nhiều ngày, các em trở nên quen thì lại múa rất đều, rất đẹp và cô không phải “nhắc bài” nữa.

Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường nuôi dạy trẻ Khiếm thị Hữu Nghị TX.Phú Mỹ cho biết, trường hiện có 188 HS là trẻ khiếm thị, rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ, khó khăn về học. Ngoài việc dạy văn hóa, nhà trường rất chú trọng đến các hoạt động văn nghệ, thể thao để giúp các em HS có cơ hội vui chơi, giải trí, mạnh dạn, tự tin trước đám đông. Hằng năm, trường tổ chức 5 đợt biểu diễn văn nghệ vào các dịp khai giảng, Tết Trung thu, giao lưu với các trường khác. Ngoài ra, trường còn có sân tập môn bóng bàn, cầu lông để các em rèn luyện sức khỏe.

Ông Trần Minh Đức, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Hội diễn nhận xét: Chứng kiến những NKT trình diễn những bài hát, điệu múa bằng đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, bằng đôi tai không nghe được tiếng nhạc, bằng những hình thể còn khiếm khuyết, người xem không khỏi xúc động và cảm phục sự vươn lên của họ. Họ không chỉ vươn lên trong cuộc sống thường ngày mà còn khát khao hòa nhập cộng đồng qua văn nghệ. Dù việc tập luyện, biểu diễn còn gặp khó khăn do hạn chế về sức khỏe và thể chất nhưng những NKT đã phát huy được năng khiếu đã mang đến Hội diễn nhiều tiết mục hay, ấn tượng trong lòng người xem.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.