Chuyển thể phim ngoại có phải là cách làm hay?

Thứ Sáu, 03/08/2018, 09:51 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, phim truyền hình Việt đang tìm lại được khán giả. Tuy vậy, những bộ phim gây tiếng vang lại là những phim được Việt hóa, chuyển thể từ những kịch bản nước ngoài. Đây liệu có phải là hướng đi tốt cần duy trì hay chỉ nên coi là giải pháp tình thế? 

XU HƯỚNG LÀM PHIM MỚI

Một trong những thách thức lớn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay là thiếu kịch bản hay, bởi đây là khâu quyết định đến 50% sự thành công của một bộ phim. Nhiều chuyên gia đánh giá kịch bản điện ảnh Việt chưa phong phú về đề tài, nghèo nàn, hời hợt về ý tưởng. Mảng đề tài được các nhà làm phim khai thác nhiều nhất vẫn quanh quẩn về tình yêu, giới tính, góc tối trong giới nghệ sĩ, chân dài - đại gia… gây nhàm chán cho người xem. 

Trong bối cảnh đó, một hướng đi mới là nhiều bộ phim truyền hình và cả điện ảnh có kịch bản của nước ngoài được Việt hóa hoặc làm phim phiên bản Việt như: Người phán xử (Ha-Borer của Israel), Sống chung với mẹ chồng (dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Giả Hiểu - Trung Quốc), Cả một đời ân oán (Cô dâu triệu phú (2006) và Cô dâu bạc triệu (2014) của Trung Quốc)… hoặc Em là bà nội của anh (tựa gốc Miss Granny - Hàn Quốc), Bạn gái tôi là sếp (ATM - Thái Lan), Sắc đẹp ngàn cân (200 Pounds Beauty - Hàn Quốc), Tháng năm rực rỡ (Sunny - Hàn Quốc)… Những bộ phim này đã góp phần mang lại diện mạo mới cho phim Việt, mang lại doanh thu lớn cho các nhà làm phim và tạo thêm sự lựa chọn đa dạng cho khán giả. 

Cảnh trong phim Việt hóa “Người phán xử” được nhiều người yêu thích.
Cảnh trong phim Việt hóa “Người phán xử” được nhiều người yêu thích.

Cánh diều vàng 2018 với tiêu chí: “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực” đã gây nhiều tranh cãi khi trao giải cho hai bộ phim truyền hình Việt hóa từ kịch bản ngoại là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” dù bị loại khỏi những giải thưởng quan trọng, nhưng vẫn có mặt ở loạt giải phụ. Hai bộ phim này thu hút được nhiều khán giả truyền hình lẫn giới truyền thông trong thời gian qua.

Liệu đây có phải là tín hiệu vui hay là điều cần suy ngẫm? Thực tế cho thấy, sự thành công của phim vẫn dựa vào dàn diễn viên gạo cội, những người đã rất thành công trong các bộ phim “thuần Việt” trước đây như: NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, NSND Lan Hương, diễn viên Việt Anh… Điều đó cho thấy, điện ảnh Việt không thiếu diễn viên tài năng và người hâm mộ nhưng việc làm lại phim nước ngoài theo kịch bản được Việt hóa đã thể hiện sự khủng hoảng trong khâu biên kịch và phần nào cho thấy sự bế tắc của các nhà làm phim trong nước. Thậm chí, việc vay mượn kịch bản còn làm tăng thêm sự trì trệ, tâm lý trông chờ từ bên ngoài, làm thui chột khả năng sáng tạo và phát triển của điện ảnh dân tộc, giảm dần số lượng phim thuần Việt vốn đã ít ỏi trên thị trường. 

PHẢI CÓ HƠI THỞ CUỘC SỐNG

NSND Đào Bá Sơn cho rằng: “Phim làm lại nhưng lại giữ kịch bản đúng nguyên tác và bắt chước từ góc máy, cách tạo hình nhân vật, thậm chí cả lời thoại. Những phim như thế không có sự sáng tạo (nhất là đạo diễn và biên kịch) và cũng góp phần khiến khán giả nhanh chán. Điều này có nguy cơ khiến điện ảnh Việt giậm chân tại chỗ”. 

Bộ Văn hóa Thái Lan tiết lộ, từ vụ đội bóng thiếu niên Thái Lan được giải cứu sau nhiều ngày bị mắc kẹt trong hang động, họ đã nhận được 6 hồ sơ xin làm phim về quá trình giải cứu đội bóng, trong đó, có 5 tác phẩm điện ảnh và một tác phẩm tài liệu. Điều đó cho thấy các nhà làm phim ở nước ngoài đã có sự nhạy bén như thế nào với những gì đang diễn ra trong đời sống thường ngày. Trong khi đó, ở Việt Nam, đời sống xã hội cũng đang chuyển biến từng ngày với rất nhiều vấn đề nóng hổi như: xử lý nạn tham nhũng, những bê bối của ngành y tế, giáo dục trong thời gian gần đây… là những đề tài phong phú cho các nhà văn, nhà biên kịch Việt thỏa sức khai thác bằng tài năng và trải nghiệm của mình. 

Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương nhận định: Nhiều kịch bản phim Việt không yếu, nhưng các nhà sản xuất chưa chịu “đãi cát tìm vàng”, kiên nhẫn khuyến khích và đầu tư kịch bản thuần Việt. Thay vì vay mượn từ bên ngoài những thứ đã định hình, nên chăng cần nghĩ đến giải pháp kích cầu nghề nghiệp lâu dài và có nền tảng bền vững hơn. Các cơ quan quản lý nên hỗ trợ tài chính, đặt hàng, tổ chức đào tạo, tìm kiếm và bồi dưỡng những cây bút xuất sắc, giúp họ có những trải nghiệm thực tế, mở rộng vốn sống, tăng cường kỹ năng biên kịch để đưa vào các tác phẩm. Còn theo đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, muốn có nhiều kịch bản phim hay, người làm điện ảnh phải luôn đặt mình vào vị trí của khán giả để nắm bắt những nhu cầu của họ. Các nhà làm phim nước ta cần đổi mới không ngừng để mang lại những điều mới mẻ cho khán giả, thực hiện các khâu sản xuất thật sự chuyên nghiệp, kỹ càng từ kịch bản đến tuyển chọn diễn viên, áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. 

Để có sự phát triển lâu dài, bền vững cho nền điện ảnh nước nhà, cần có sự chung tay góp sức của tất cả các khâu từ ý tưởng hình thành kịch bản phim đến khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm và quan trọng còn là sự tương tác với khán giả, lắng nghe sự phản hồi của họ để tìm hướng thu hút khán giả Việt đến với phim Việt trước hết là ngay trên sân nhà.

VŨ THANH HOA

;
.