Bài ca tôi không quên

Thứ Sáu, 20/07/2018, 16:10 [GMT+7]
In bài này
.
Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Cuộc thi thanh niên thanh lịch của xã Thanh Bình đã bước vào vòng chung kết. Tám mươi mốt thí sinh của hai mươi chi đoàn trong xã chỉ còn mười lăm người vượt qua các vòng loại. Từ hôm diễn ra cuộc thi, không khí của xã sôi động hẳn lên. Không chỉ thanh niên hào hứng quan tâm tới cuộc thi mà các cụ ông, cụ bà, những “lão nông chi điền” suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng theo dõi. Là xã điểm của huyện lần đầu tiên tổ chức cuộc thi này ngỡ tưởng không thành thế mà kết quả quá sức tưởng tượng.

Hội trường xã hôm nay trang hoàng lộng lẫy. Cờ, khẩu hiệu đỏ rực. Loa đài inh oang từ sáng sớm. Đại biểu tỉnh, huyện về dự khá đông. Thanh niên nam nữ các chi đoàn nô nức rủ nhau đến cuộc thi như trẩy hội. Ông Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã ngực lấp lánh huân chương cũng đang nói cười rạng rỡ trên bàn đại biểu. Ai cũng ăn mặc trang trọng theo nghi thức đại lễ.

Như mọi người khác trong hội trường, ông Hải hồi hộp lắm. Bao nhiêu năm lăn lộn trên các chiến trường, cái sống cái chết chỉ gang tấc nào ai dám mơ tới giờ phút này. Tuổi trẻ của ông gửi cả ở Trường Sơn, rồi lại trên núi rừng biên giới. Dạo chống Mỹ, đơn vị của ông ở tút hút trong núi thẳm Hạ Lào, cả năm trời không thấy bóng dáng một cô gái. Ước muốn của những người lính như ông lúc đó chỉ thèm khát được ngắm nhìn một cô gái cho bõ nhớ, bõ mong. Ngỡ tưởng giản đơn, đời thường thế thôi, thế mà ngày ấy cái ước muốn nhỏ nhoi đó trở nên cao sang và xa lạ quá. Bây giờ bọn trẻ sướng thật. Thỏa sức phô diễn cái đẹp, thỏa sức nhìn ngắm cái đẹp.

Lần này xã ông - một xã xa trung tâm huyện cũng tổ chức cuộc thi như vậy thì bảo ông không vui sao được. Toàn lũ con cháu ông vừa mới hôm qua, hôm kia còn xắn quần lội ruộng, chân lấm tay bùn vừa đi học vừa đi làm thế mà hôm nay đứa nào đứa ấy lên sân khấu đẹp như tiên. Chúng vừa xinh đẹp lại vừa thông minh, trả lời các câu hỏi ứng xử, tìm hiểu pháp luật trôi chảy. Ai bảo thanh niên nông thôn là lạc hậu? Ông bị cuốn hút theo cuộc thi. Hôm nay, buổi chung kết, là đại biểu mời chính thức nên ông dậy sớm chọn bộ quân phục mới nhất để mặc. Ông còn gắn huân, huy chương đầy ngực, đi giày đen bóng, đĩnh đạc đến dự cuộc thi. Phải cho lũ trẻ biết mình tôn trọng chúng nó và để cho chúng nó tự tin trình diễn.

Mọi người im phăng phắc nghe bí thư xã đoàn, chủ tịch hội đồng thi đọc lời khai mạc. Thế rồi, hội trường náo động hẳn lên khi màn chào hỏi bắt đầu. Mười lăm thí sinh quần áo dài đủ màu từ hai cánh gà tiến ra sân khấu. Tay các cô gái giơ cao những bông hoa vẫy chào khán giả. Cô nào cô ấy miệng cười tươi, mắt long lanh ngời ngời. Mọi người vỗ tay rầm rập theo điệu nhạc. Ông Hải ngây người trước những cái Hoa, cái Lý, con My, con Thảo... Toàn những đứa tuổi mười tám đôi mươi, bằng tuổi cái Hòa con ông. Chúng nó đẹp quá.

Sau màn chào hỏi, các thí sinh chính thức bước vào cuộc thi. Theo quy định, mỗi thí sinh phải trải qua ba phần thi. Phần thứ nhất thi duyên dáng với trang phục áo tắm và trang phục tự chọn. Phần này hấp dẫn nhất, hồi hộp nhất cả với người xem và thí sinh. Có ai ngờ con gái thôn quê lại dám mặc áo tắm lên sân khấu. Mắc cỡ lắm mà vẫn phải mặc. Đã là quy định của cuộc thi thì thí sinh nào cũng phải chấp hành. Ở những vòng đầu, nhiều thí sinh ngượng ngập, lóng nga lóng ngóng. Về sau, họ bạo dạn dần. Tuy vậy, hôm nay ở phần thi này chắc chắn có nhiều sự bất ngờ. Phần thứ hai: thi kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, thi ứng xử. Phần thứ ba: thi năng khiếu.

Hội trường “nóng” lên khi thí sinh đầu tiên thi phần “duyên dáng”. Ông Hải như chẳng còn biết ai xung quanh chỉ chăm chăm nhìn lên sân khấu. Ô kìa, có phải cái Nụ con bà Dương xóm 9? Dáng đi của nó mới đẹp làm sao. Làn da mịn màng thế cơ chứ? Con gái thôn quê mà có nước da như nó thật tuyệt. Chả trách trai làng đứa nào cũng ao ước. Nó biểu diễn tự tin lắm. Cũng nghiêng bên nọ, liếc bên kia. Cũng mỉm cười làm duyên đáo để. Chắc nó phải học trên mạng nhiều lắm? Người dẫn chương trình đọc số đo cơ thể nó. Cũng đủ tiêu chuẩn hoa hậu đấy chứ. Hội trrường vỗ tay rào rào khi Nụ kết thúc phần thi của mình.

Ông Hải hồi hộp chờ đợi phần thi của cái Thảo con bà Vũ, ngay cạnh nhà ông. Con Thảo này chịu thương chịu khó lắm. Nó sinh cùng ngày với cái Hòa con ông. Ngày nào nó cũng sang chơi với cái Hòa. Da Thảo không trắng nhưng đen giòn, rất có duyên. Thảo có mái tóc ngắn. Nó thường buộc túm thành hai bím hai bên trông như con nít. Hôm nó đăng ký dự thi, bà Vũ không đồng ý. Nó phải chạy sang nhờ ông thuyết phục bà. Ông lựa lời với bà Vũ:

- Bà Vũ ạ, tuổi trẻ chúng mình đã chịu bao nhiêu thiệt thòi rồi. Bây giờ chúng nó được như thế thì để cho chúng nó hưởng thụ chứ. Bà phải để cho nó được giao lưu xã hội, nâng cao nhận thức. Cứ ru rú mãi ở nhà với mẹ thì biết ngày nào nó khôn.

Bà Vũ ái ngại:

- Nhưng mà em chỉ e nó làm trò cười cho thiên hạ thôi ông ạ. Nó xấu vậy, ai lại đi thi hoa hậu.

- Bà rõ lạ. Không tin tưởng cả con mình. Với lại đây có phải thi hoa hậu đâu, thi thanh niên thanh lịch chứ. Bà cứ cho nó thử sức xem. Cũng là một dịp học hỏi đó.

Cuối cùng thì bà Vũ cũng đồng ý cho Thảo đi thi. Không ngờ con bé vào tới vòng chung kết. Con bé tự tin chứng tỏ mình vừa xinh đẹp lại vừa thông minh nữa.

Đến phần thi của Thảo, cả hội trường lặng đi trước vẻ đẹp lộng lẫy của cô. Không ngờ con nhà bà Vũ lại xinh thế. Số đo cơ thể tuyệt vời, rất chuẩn. Mắt Thảo lấp lánh nhìn ông Hải và mẹ nó. Thảo khẽ mỉm cười. Dáng người cao ráo thon thả và mái tóc bồng bềnh ngang vai của Thảo làm cho các chàng trai phía dưới trầm trồ. Mọi ngày, con bé có vẻ ngây ngô thế mà hôm nay trông Thảo mới kiều diễm làm sao. Thảo đã giành được số điểm cao nhất trong phần thi duyên dáng. Đến phần thi ứng xử, Thảo được điểm tuyệt đối. Sang phần thi năng khiếu, Thảo tự tin bước ra sân khấu.

“Có một bài ca không bao giờ quên...”. Tiếng hát của Thảo cất lên. Cả hội trường lặng đi cuốn theo tiếng hát của cô. Thảo hát hay quá. Có lúc tiếng hát của nó nấc nghẹn. Hình như trong giọng hát ấy có chứa nước mắt. Ông Hải xúc động nghẹn ngào ngây người nghe Thảo hát. “Bài ca tôi không quên, tôi không quên gót mòn hành quân hối hả...”. Bất chợt hai giọt nước mắt lăn trên gò má ông Hải nóng hổi. Ôi, con tôi! Hòa ơi! Thảo ơi! Ông không còn nhớ đây đang là cuộc thi nữa. Ông chỉ thấy hồn mình lâng lâng. Kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh ào ạt hiện về. Lời ca chắp nối cho ông về với những tháng năm vất vả. Trên kia, Thảo vẫn say sưa thả hồn theo câu hát. Cô hát xong rồi mà cả hội trường vẫn lặng đi. Một lúc lâu sau, tiếng vỗ tay mới rào rào rộ lên không dứt. Thảo đã hoàn toàn chinh phục được ban giám khảo và mọi người ở phần thi năng khiếu.

Ông Hải và mọi người hồi hộp, sốt ruột khi nghe người dẫn chương trình công bố kết quả. Giải đã trao gần hết rồi mà Thảo vẫn đứng khiêm tốn nấp sau lũ bạn. Sau cùng, người dẫn chương trình đọc chậm từng câu một tuyên bố Bích Thảo, đoàn viên chi đoàn 10 đã giành giải Nhất cuộc thi “thanh niên thanh lịch” của xã. Tiếng reo hò nổi lên. Mấy thanh niên làng cầm hoa chạy lên sân khấu tặng Thảo. Thảo cười rạng rỡ. Đôi mắt cô long lanh những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông Hải thấy đôi mắt mình cay cay. Bên cạnh, bà Vũ cũng không giấu nối vẻ xúc động.

Quan sát thấy thái độ của ông, một phóng viên đến bên ông Hải phỏng vấn:

- Xin bác cho biết cảm tưởng của mình về cuộc thi?

Ông cười tươi, mắt nhìn về hướng Bích Thảo:

- Tôi rất vui. Đúng là chưa bao giờ xã tôi có đợt sinh hoạt văn hóa hấp dẫn như đợt này. Tôi thấy mình trẻ lại và học được rất nhiều điều từ lớp trẻ.

- Bác thấy cô Bích Thảo thế nào?

- Rất xứng đáng giành giải nhất. Đẹp, xinh, duyên dáng, thông minh và tình cảm nữa.

- Xin lỗi bác cho cháu hỏi: Bác có con gái thi trong cuộc thi này không ạ?. 

Ông Hải lúng túng nhìn vào đôi mắt cô phóng viên hồi lâu. Mãi sau ông mới ấp úng:

- Có. À mà không... nhưng...

Bất ngờ có tiếng ai đó gọi giật giọng:

- Ông Hải cựu chiến binh đâu rồi? Về nhà ngay. Cái Hòa đang lên cơn co giật kìa.

Bỏ cả cô phóng viên, bỏ cuộc thi, ông lao ra khỏi hội trường. Mọi người ngơ ngác. Bà Vũ nhìn theo ái ngại.

Nhà ông gần hội trường nên chỉ ít phút sau ông đã có mặt ở nhà. Vợ ông đang ôm Hòa vật vã trên tay. Một chân nó vẫn vướng vào sợi xích sắt lòng thòng. Ông lao tới ôm con. Mắt nó trợn trừng. Tóc tai rũ rượi. Mười tám tuổi mà trông nó như đứa trẻ lên 10. Khổ thế. Từ khi sinh ra đến giờ, nó toàn đau bệnh. Đầu nó to quá khổ. Đôi mắt vô hồn. Vợ chồng ông chạy chữa khắp nơi nhưng bó tay. Nó bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Thấy ai nó cũng chỉ cười hoặc ú ớ nói những câu ngô nghê khó hiểu. Con Thảo ngày nào cũng sang chơi đùa với nó. Gần đây, thỉnh thoảng nó lại bỏ nhà lang thang khắp nơi. Có bận, nó bò ra cả bờ ao, giếng nước. Ông Hải đau lòng lắm nhưng cũng đành sắm một cái dây xích để cột nó lại. Ông sợ nó té ao, sà vô bếp lửa thì khổ. Nhìn con bị xiềng xích, vợ chồng ông xót ruột lắm. Hai người, một bộ đội, một thanh niên xung phong gặp nhau ở Trường Sơn rồi nên vợ nên chồng, ai ngờ lại nhiễm cái chất độc màu da cam tai ác đó.

Ông Hải ôm ghì con vào ngực giục bà Minh, vợ ông, pha thuốc cho con. Sau liều thuốc một lát, Hòa thiếp đi. Vừa lúc đó, mẹ con bà Vũ chạy về. Họ đã chứng kiến nhiều trận cha con ông Hải như thế. Cái Thảo để cả dải lụa đỏ có đính hàng chữ “giải nhất” quanh người và cái vương miện đội đầu lao đến bên Hòa. Thảo nức nở:

- Hòa ơi! Sao mày lại khổ thế? Tao đi có chút mà mày lại lên cơn ư? Tỉnh lại đi Hòa.

Người Thảo rung lên nấc nghẹn. Những người xung quanh đều không giấu nổi những giọt nuớc mắt đang lăn dài trên má. Ngoài kia, phía hội trường, tiếng hát của Bích Thảo vừa được thu băng vẫn vang lên: “Bài ca tôi không quên, tôi không quên...”.

Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU

;
.