.

Liên kết chuỗi giá trị hàng hóa để phát triển HTX bền vững

Cập nhật: 16:21, 18/04/2024 (GMT+7)

Tháng hành động vì Hợp tác xã (HTX) với chủ đề “Vì sự phát triển bền vững của HTX” được thực hiện cả năm 2024, trong đó cao điểm từ ngày 29/3 đến 29/4, với mục tiêu tạo cú hích mạnh mẽ và cổ vũ HTX thực hiện các kế hoạch mới trong sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô theo các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.

Đây cũng là năm đầu tiên Liên minh HTX Việt Nam triển khai “Tháng hành động vì HTX” một cách đồng loạt, thống nhất giữa Liên minh HTX Việt Nam và liên minh HTX 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của HTX trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới.

Theo số liệu thống kê, cả nước có 71.000 tổ hợp tác, 31.764 HTX, 158 liên hiệp HTX. Riêng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến tháng 3/2024 có 189 HTX, với 12.282 thành viên, tổng vốn điều lệ: 579,2 tỷ đồng, vốn hoạt động: 1.336,4 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) và kinh tế HTX ngày càng được các địa phương chú trọng và đầu tư có chiều sâu, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ mở rộng sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đóng góp của KTTT, kinh tế HTX vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng ngày càng cao. Nhiều sản phẩm hàng hóa của HTX được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao, phát huy được giá trị các sản vật truyền thống, nhất là hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm OCOP của nhiều địa phương.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của KTTT, kinh tế HTX vẫn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Số lượng HTX tuy có tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm; sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX chưa cao, thiếu tính bền vững. Sự phục hồi và phát triển của HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tại nhiều địa phương chưa đồng đều, thậm chí một số HTX bị thua lỗ, giảm sản lượng, giảm quy mô.

Năng lực nội tại, trong đó năng lực tài chính của các HTX còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, vẫn còn nhiều sản phẩm chưa đạt chất lượng, chưa truy xuất được nguồn gốc và chưa chú trọng xây dựng chuỗi liên kết giá trị…

“Đến năm 2030, cả nước có hơn 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài”- là mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”.

Với xu hướng phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như hiện nay, vấn đề phát triển chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của KTTT, kinh tế HTX là một yêu cầu cấp thiết. Đòi hỏi các HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác phải có sự đổi mới tư duy, bảo đảm liêm chính trong sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ đạo phong trào xây dựng HTX. Những lời di huấn của Người về phát triển KTTT, kinh tế HTX luôn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc. Cách đây 60 năm, ngày 11/4/1964, trong thư gửi Đại hội HTX và đội sản xuất tiên tiến miền núi và trung du, Người đã dặn dò: “HTX phải được củng cố, tức là làm cho xã viên có tinh thần làm chủ, làm cho ban quản trị được vững vàng và có năng lực, phải thực hành dân chủ, chống tham ô, lãng phí, phải đoàn kết chặt chẽ trong HTX, làm tốt công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và không ngừng nâng cao trình độ chính trị và văn hóa cho cán bộ và xã viên”.

HOÀNG LÊ
 
.
.
.