Tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên

Thứ Sáu, 05/03/2021, 20:28 [GMT+7]
In bài này
.

Thời phong kiến, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khiến người phụ nữ không được coi trọng. Ngay từ khi sinh ra, bé gái đã được mặc định thiên chức làm vợ, làm mẹ. Khi lớn lên, họ suốt ngày quần quật nơi đồng ruộng và giữ vai trò nội trợ. Bé gái không được đi học đầy đủ như bé trai vì quan niệm, phụ nữ có học cao rồi cũng không làm nên trò trống gì ngoài việc lấy chồng, sinh con. Người phụ nữ không được tham gia quyết định những việc hệ trọng trong gia đình. 

Ở xã hội hiện đại, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được quan tâm. Quan niệm về vai trò của người phụ nữ dần thay đổi. Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và tỷ lệ sinh ngày càng giảm, trẻ em gái được tạo điều kiện học tập, vui chơi và phát triển như trẻ em trai. Phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong xã hội như nam giới; được tạo cơ hội chứng tỏ bản lĩnh, tài năng và nắm giữ những vị trí quan trọng. Thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị có lãnh đạo là phụ nữ. Nhiều phụ nữ cũng trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tập đoàn, DN lớn. Ở nhiều nước trên thế giới, phụ nữ còn trở thành nguyên thủ quốc gia; phụ nữ cũng là những người nổi tiếng trên tất cả các lĩnh vực…

Với đức tính chịu thương, chịu khó, người phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại ngày càng cho thấy tài năng, bản lĩnh không thua kém nam giới. Ngoài việc hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, các chị còn làm tốt việc xã hội, xứng đáng là những phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Người phụ nữ hiện đại dần thoát khỏi tư tưởng quanh quẩn với ruộng đồng, với gian bếp, với con cái để nỗ lực học tập và phấn đấu cho sự nghiệp ở cơ quan, ở DN. Họ có việc làm và thu nhập ổn định, độc lập về kinh tế nên không phụ thuộc vào chồng. Từ đó, tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được tôn trọng hơn. 

Dẫu vậy, do đặc thù giới, phụ nữ vẫn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Để hoàn thành cả 2 nhiệm vụ trong gia đình và xã hội, các chị phải cố gắng gấp bội so với nam giới, từ việc hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc cho con cái, chăm lo bữa cơm gia đình đến chu toàn công việc ở cơ quan, đơn vị. Và khi gia đình có việc gì, người phụ nữ vẫn luôn có xu hướng phải “hy sinh”.

Luật Bình đẳng giới của Việt Nam đã có từ hàng chục năm qua. Các tổ chức, đoàn thể đã có nhiều nỗ lực để thực hiện bình đẳng giới nhưng phải thừa nhận thực tế rằng, bình đẳng giới chỉ ở mức tương đối. Có nơi, có lúc, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người phụ nữ vẫn chưa được gia đình, nhất là người chồng coi trọng và tạo điều kiện để phát triển mọi mặt. Do nhận thức còn hạn chế hoặc đặc trưng văn hóa, nhiều phụ nữ chưa mạnh dạn đấu tranh vì bình đẳng giới ngay trong gia đình. Người chồng, với sức mạnh về thể lực và được mặc định là trụ cột luôn giữ quyền làm chủ gia đình, chưa thực sự tôn trọng người vợ. Bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trong đó đa phần nạn nhân là phụ nữ. 

Để bình đẳng giới thực sự, tạo cơ hội cho phụ nữ khẳng định chỗ đứng trong xã hội, cần sự chung tay từ nhiều phía. Trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng như nhau. Phụ nữ được tạo cơ hội để học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; được quy hoạch, bố trí vào các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, DN. Ở nhà, người phụ nữ cần có sự hỗ trợ của người chồng và gia đình, từ chuyện phụ việc nhà, kèm con cái học hành đến việc tạo điều kiện cho người vợ học tập, phấn đấu vì sự nghiệp. Về phần mình, người phụ nữ cũng cần khẳng định và thể hiện khát khao khẳng định vai trò, sẵn sàng đấu tranh vì bình đẳng giới. Đồng thời, phải chủ động phấn đấu vươn lên xây dựng sự nghiệp, phát triển kinh tế, tự chủ về tài chính… Có như vậy, bình đẳng giới mới thực chất. 

 NGUYỄN ĐỨC

 
;
.