Dẹp "chợ" mua bán thông tin cá nhân

Thứ Hai, 22/03/2021, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Vào lúc này, nếu đặt câu hỏi gần đây bạn có còn bị các cuộc gọi rác, tin nhắn rác làm phiền hay không, tin chắc rất nhiều người sẽ trả lời “Có, tôi vẫn tiếp tục bị các cuộc gọi rác, tin nhắn rác quấy nhiễu mỗi ngày!”.

Từ sau khi Nghị định 91/CP có hiệu lực, cuộc chiến chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã có những kết quả bước đầu. Các nhà mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, chặn hàng triệu tin nhắn rác và khóa hàng chục ngàn thuê bao. Nhưng chỉ một thời gian, tin nhắn rác, cuộc gọi rác lại sống dậy và “sống khỏe”, không phải qua các tổng đài tự động như trước mà công khai qua những số điện thoại “chính danh”, thực hiện cuộc gọi quảng cáo như một cuộc gọi liên lạc thông thường.

Nạn “khủng bố” tin nhắn rác đã tồn tại từ rất lâu, gần đây lại có thêm các cuộc gọi rác. Căn nguyên của tình trạng này chính là do thông tin cá nhân bị đem rao bán công khai và tổ chức cá nhân nào cũng có thể mua về để khai thác, sử dụng. Từ dữ liệu cơ bản như tên tuổi, công việc, địa chỉ, số điện thoại, email đến dữ liệu nhạy cảm, “tuyệt mật” như số dư trong tài sản, mã số thuế cá nhân, tình trạng hôn nhân, quan hệ riêng tư, tất cả đều có đủ trên “chợ data”.

Hành vi ngang nhiên đến mức lộng hành, coi thường luật pháp này khiến người dùng điện thoại di động vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, họ đã rất đồng tình với việc Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và đang được đưa ra lấy ý kiến của người dân. Đáng chú ý là trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50-80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự của người bị tiết lộ...

Nạn đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân không chỉ vi phạm quyền nhân thân của công dân mà còn ảnh hưởng đến tiến trình triển khai Chính phủ điện tử. Việc ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do vậy là rất cần thiết khi mà các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ dữ liệu cá nhân còn chưa đầy đủ và thiếu chế tài đủ mạnh. Nhiều chuyên gia pháp lý kỳ vọng sau khi thông qua, Nghị định sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Các DN, cá nhân “cung cấp dịch vụ”; những kẻ đánh cắp, mua bán thông tin cá nhân sẽ phải tìm cách “giải nghệ” nếu không muốn bị pháp luật sờ gáy. Các công dân cũng có hành lang pháp lý để làm đơn tố cáo, là cơ sở để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra xử lý. Vấn đề là khi tiếp nhận đơn tố cáo của công dân, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đây là điều quan trọng vì dù chế tài đã rõ nhưng nếu xử lý không rốt ráo, mạnh tay sẽ không đủ sức răn đe các hành vi cố tình đánh cắp và mua bán dữ liệu cá nhân. Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh từng chia sẻ, chỉ cần cơ quan điều tra muốn và quyết liệt vào cuộc thì có thể điều tra ra ngay. Được biết, qua rà soát sơ bộ Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Những dữ liệu này rất quan trọng, phục vụ đắc lực cho công tác điều tra, xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi xâm hại đến dữ liệu cá nhân.

Về phía mình, người dùng cũng phải ý thức rằng, dữ liệu cá nhân là tài sản quan trọng của bản thân, phải biết cách tự bảo vệ và chia sẻ cẩn trọng. Cần cân nhắc kỹ trước khi cung cấp thông tin cho các dịch vụ mua sắm trực tuyến hoặc các cuộc khảo sát online, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm như tài khoản ngân hàng, số điện thoại, căn cước công dân…

Dẹp được “chợ” mua bán thông tin cá nhân, người dùng sẽ bớt “điên đầu” bởi những tin nhắn rác, cuộc gọi rác giới thiệu, mời mọc mua bất động sản, spa, bảo hiểm, ngân hàng…

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 
;
.