Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng

Thứ Sáu, 05/02/2021, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Xu hướng dịch chuyển khá mạnh của thị trường du lịch những năm gần đây là nhu cầu tìm về với thiên nhiên, hòa mình vào môi trường hoang sơ để khám phá, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Đây là cơ sở để các địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên với những hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc, tăng cường đầu tư xây dựng các điểm đến, các tour du lịch mới lạ và tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái (DLST), du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) hấp dẫn, thu hút du khách.

Dù xuất hiện đã khá lâu, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, DLSTCĐ của nước ta nói chung và của tỉnh BR-VT nói riêng mới thật sự có những bước phát triển phong phú và đa dạng. Đặc điểm của loại hình du lịch này là người dân trực tiếp tham gia tổ chức, quản lý và vận hành các hoạt động DLSTCĐ trên cơ sở khai thác những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, những sinh hoạt đặc sắc về văn hóa bản địa và những trải nghiệm về cuộc sống dân dã, hoang sơ. Tham gia loại hình DLSTCĐ, du khách có cơ hội hòa nhập vào cuộc sống thường nhật của người dân; tham dự các sinh hoạt văn hóa và trải nghiệm sản xuất tại làng nghề địa phương. Đồng thời với việc cung cấp các dịch vụ cho DLSTCĐ, người dân địa phương có thêm công ăn, việc làm, cải thiện thu nhập; phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của địa phương mình.

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú (các dải rừng ngập mặn ven biển, ven sông; các làng nghề truyền thống, các loại hình sinh hoạt văn hóa bản địa đặc sắc, có nhiều loại hình hoạt động trải nghiệm tại các trang trại nông nghiệp …) là cơ sở để BR-VT xây dựng nhiều sản phẩm DLSTCĐ đặc trưng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, sự nỗ lực của ngành du lịch BR-VT, DLST và DLSTCĐ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Hình thành nên nhiều khu du nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách, như các khu DLST, DLSTCĐ Du Sơn ( Long Sơn, TP. Vũng Tàu), Núi Dinh (TP. Bà Rịa), An Bình, Ngọc Sương (huyện Long Điền), giếng phun Đá Bạc (huyện Châu Đức), Bình Châu (huyện Xuyên Mộc)…

Đặc biệt gần đây, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các khu nông trại du lịch sinh thái, với hệ thống nhà sàn nằm xen kẽ dưới các tán cây, bên cạnh các con suối… tạo nên những sản phẩm DLST, DLSTCĐ hấp dẫn, được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, dù du lịch miệt vườn khai thác các thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn và các khu nông trại trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng hoạt động của loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, với tâm lý “mạnh ai nấy làm”, dẫn tới tình trạng thiếu sự liên kết giữa các nông trại, giữa các DN và các cơ quan quản lý du lịch để phát hiện, khai thác và tạo ra các sản phẩm mới phục vụ du khách.

DLST, DLSTCĐ là những loại hình ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách và có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, điều đó cũng đi đôi với những nghịch lý, những bất cập đối với ngành du lịch, nhất là khi sự gia tăng nhanh chóng lượng khách đến với DLSTCĐ, đe dọa đến tính bền vững của những tour trải nghiệm mới. Nhiều chuyên gia du lịch đã chỉ ra rằng, tự thân DLST, nhất là DLSTCĐ luôn bị giới hạn về phạm vi và mức độ hoạt động. Ở cùng một thời điểm, DLSTCĐ không thể tiếp nhận một lượng lớn du khách; thậm chí, không chỉ gây quá tải, mà còn dẫn tới việc thay đổi hiện trạng và nguy hại hơn là sự hủy hoại môi trường, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa của điểm đến.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển các khu DLST, DLSTCĐ, điều cần quan tâm và chú trọng đầu tiên là các hoạt động khai thác phải phù hợp với môi trường và bảo vệ môi trường. Điều đó, đòi hỏi các bên liên quan cần tăng cường vai trò, trách nhiệm và đạo đức kinh doanh với môi trường thiên nhiên và văn hóa bản địa. Do đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các địa phương và của ngành du lịch là phải xây dựng những kế hoạch cụ thể để khai thác tối đa thế mạnh sẵn có trong thiên nhiên, đầu tư phát triển các khu sinh thái, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần đáng kể làm tăng tỷ trọng thu nhập GDP của ngành du lịch và từng bước khẳng định thương hiệu của các khu DLST, DLSTCĐ trong các tour, tuyến mới.

HOÀNG LÊ

 

;
.