Lương y như từ mẫu

Thứ Sáu, 26/02/2021, 18:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. 

Lời dạy của Người đến nay vẫn còn giá trị và luôn được cán bộ, nhân viên ngành y tế ghi nhớ, thực hiện. Trong những năm qua, ngành y tế đã không ngừng nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Họ không quản ngày đêm, tận tình cứu chữa người bệnh và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Phẩm chất “Lương y như từ mẫu” nơi các y, bác sĩ càng được thể hiện rõ nét trong suốt hơn 1 năm qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam. Cùng với các lực lượng quân đội, công an, hình ảnh những y, bác sĩ lăn xả nơi tuyến đầu để chống dịch khiến người xem không khỏi xúc động. Nhiều người đã tạm gác hạnh phúc riêng tư và những niềm vui, sở thích cá nhân để lên đường “trực chiến” dài ngày tại các điểm nóng dịch bệnh, tại các bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Họ quên ăn, quên ngủ, đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh, với mong muốn góp phần cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh, vì sự an toàn của nhân dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện thiếu nguồn máu dự trữ, các y, bác sĩ lại sẵn sàng hiến máu, kịp thời cứu chữa bệnh nhân. Rất khó để kể hết những việc làm tốt đẹp của đội ngũ y, bác sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. 

Khi mắc bệnh, tâm lý con người thường bi quan, lo lắng. Nhiều người chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng vẫn tìm đến bác sĩ như tìm đến sự an tâm. Bởi lẽ, bệnh nhân coi bác sĩ là điểm tựa, là người mang đến hy vọng sống cho họ. Do vậy, thái độ của bác sĩ rất quan trọng. Những lời thăm hỏi, động viên, trò chuyện và tư vấn tận tình của bác sĩ sẽ giúp người bệnh vững tin, lạc quan hơn. Nhiều trường hợp “tâm bệnh”, sau khi được bác sĩ động viên liền cảm thấy khỏe mạnh trở lại mà không cần dùng thuốc. Ngược lại, thái độ không đúng mực, khám bệnh và tư vấn qua loa của bác sĩ sẽ càng làm cho người bệnh thêm lo lắng, thậm chí khiến bệnh càng nặng hơn.   

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”, “coi người bệnh như người thân của mình”, những năm gần đây, ngành y tế đã có nhiều thay đổi tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng đầy đủ, hiện đại; trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ ngày càng nâng cao. Trong công việc chuyên môn, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế đã từng bước thay đổi cung cách phục vụ theo hướng ngày càng làm hài lòng người bệnh hơn. 

Cùng cả nước, ngành y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Song song với việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới trong điều trị bệnh, thái độ phục vụ của đội ngũ y tế các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã từng bước được cải thiện. Người bệnh được đón tiếp chu đáo, được nhân viên y tế chăm sóc, dặn dò ân cần như người nhà nên hài lòng hơn. Bệnh nhân tin tưởng đến các bệnh viện tuyến tỉnh ngày càng đông hơn. Điều này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người bệnh lẫn bệnh viện. Bệnh nhân đỡ phải lên bệnh viện tuyến trên khám, chữa bệnh, giảm được chi phí và những phiền phức trong việc đi lại. Bệnh nhân đông hơn, đồng nghĩa với việc bệnh viện có thêm nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thu hút, giữ chân y, bác sĩ giỏi nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân. 

Những sự thay đổi đó chỉ là bước đầu. Để làm hài lòng người bệnh, ngành y tế Việt Nam nói chung, ngành y tế Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng phải không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ tay nghề, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ bệnh nhân, xứng đáng với phẩm chất “Lương y như từ mẫu” và là nơi khám, chữa bệnh tin cậy của nhân dân.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.