Tuyển dụng lao động trực tuyến - tại sao không?

Thứ Ba, 15/12/2020, 18:24 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2019, khi còn là sinh viên năm cuối của ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Trần Thị Lê Hương đã “lang thang” tìm việc trên các sàn giao dịch trực tuyến.

Hương nói, với ứng dụng Zalo, Facebook, các nhà tuyển dụng đã tương tác trực tuyến với ứng viên để “test” năng lực, các điều kiện cần và đủ mà ứng viên có thể đáp ứng theo yêu cầu của họ. Trong suốt quá trình tuyển dụng, đại diện doanh nghiệp đã “mặt đối mặt” với người lao động thông qua ứng dụng mạng xã hội để hỏi – đáp, trao đổi thông tin và các nội dung liên quan khác. 

Hương khá hứng thú với cách tuyển dụng này, bởi ngoài “săn việc”, Hương còn cọ xát để nắm bắt các nhu cầu mà các công ty, doanh nghiệp cần đối với vị trí việc làm đăng tuyển. 

Năm 2020, vừa tốt nghiệp đại học, Hương trúng tuyển vị trí việc làm ở phòng kinh doanh của một công ty đa quốc gia có văn phòng đại diện tại TP.Hồ Chí Minh. Công ty ấy đã tuyển dụng Hương theo hình thức hoàn toàn trực tuyến, bởi thời điểm ấy cũng đang vào cao điểm giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19. Dù chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tuyển dụng trực tuyến đã mở ra một kênh giao dịch việc làm mới mà theo nhận định của các chuyên gia, đây sẽ là xu thế mới ở tương lai gần. 

Trên thực tế, các kênh tuyển dụng tư vấn lao động truyền thống như: hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm, thậm chí các trang tuyển dụng có uy tín như Vietnamwork, 24h… đang nhanh chóng giảm dần sức hút với người lao động. Thay vào đó, trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2020, giao dịch việc làm thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook phát triển khá mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng đến 80% nhu cầu nhân lực thông qua mạng xã hội. Trong khi đó, những năm trước đây, hầu hết các doanh nghiệp khi muốn “săn” lao động phải tìm đến các sàn giao dịch việc làm, các trung tâm giới thiệu việc làm của địa phương để tuyển dụng. Hình thức tuyển dụng đó đã dần thu hẹp lại, gần như rất ít lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm để tìm việc. 

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, tuyển dụng lao động trực tuyến dù được cho là thức thời, phù hợp với thời đại công nghệ số và đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhưng đang là tự phát, chưa có tính định hướng từ cơ quan chủ quản, chính quyền các cấp. 

Hiện nay, các hoạt động về giao dịch việc làm đang do ngành lao động quản lý, cụ thể là Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương. Trong những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã có nhiều đổi mới, kể cả đem sàn giao dịch việc làm về tận khu dân cư để tìm nguồn tuyển cho các doanh nghiệp, nhưng ít hiệu quả. Các thông tin về dịch vụ việc làm cũng được công khai trên các trang web, nhưng chưa đẩy mạnh ứng dụng trực tuyến. Những thể chế, chính sách cho sàn giao dịch việc làm hiện chưa được xây dựng, có thể dẫn đến những hệ lụy khi ngành chức năng, chính quyền các cấp chưa có hướng dẫn về mặt quản lý trong lĩnh vực này. 

Với xu hướng quản lý trên môi trường số, ứng dụng triệt để CNTT thì việc thiết lập sàn giao dịch việc làm trực tuyến là tất yếu. Các ngành, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng chính sách quản lý phù hợp nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy ra đối với loại hình này. 

MINH ĐỨC

 
;
.