Lấy cái đẹp thay đổi hành vi xấu

Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Trước đây, từ Vũng Tàu đi Bà Rịa trên Quốc lộ 51, vừa qua cầu Cỏ May, ai nấy không khỏi khó chịu bởi những đống rác thải do người dân đổ ven đường, kéo dài hàng trăm mét và bốc mùi khó chịu. Cuộc tiếp xúc cử tri nào của đại biểu HĐND các cấp, bà con cũng phản ánh, kiến nghị tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này, khiến chính quyền phường 12 (TP. Vũng Tàu) và phường Phước Trung (TP. Bà Rịa) “đau đầu”. Một số trường hợp bị bắt quả tang, đã bị xử phạt nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Và rồi, Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa nảy ra sáng kiến trồng hoa và cây xanh ven đường tại khu vực này từ đầu năm 2020. Từ khi thảm hoa và cây xanh được trồng, điều kỳ diệu đã xuất hiện khi người dân không còn đem rác ra đây đổ nữa. Đoạn đường trở nên xanh mát, sạch sẽ và thơ mộng với thảm hoa vàng thay cho hình ảnh nhếch nhác trước đó. “Điều đó chứng tỏ nhận thức và hành vi của người dân đã thay đổi trước cái đẹp. Họ không nỡ để rác ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường”, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ đô thị Bà Rịa phân tích. 

Thật vậy, nhiều mô hình trồng hoa, xây dựng công trình công cộng tại các khu vực người dân hay bỏ rác bừa bãi đã được thực hiện và mang lại kết quả tương tự. “Công viên Măng non 15-5”, do Hội đồng Đội TP. Vũng Tàu thực hiện tại xã Long Sơn là một ví dụ. Từ bãi đất trống, cỏ dại mọc đầy, nơi người dân đổ rác, xà bần, dưới bàn tay và khối óc của các ĐVTN, nơi đây đã trở thành công viên sạch, đẹp, là điểm hẹn vui chơi, luyện tập thể thao của trẻ em và người dân trong xã từ năm 2018. Hay như khu đất trống cuối hẻm 197, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP. Vũng Tàu) cũng vậy. Khu đất này từng là nơi tập kết rác, dưới bàn tay của các ĐVTN phường 3 đã trở thành vườn hoa mini từ năm 2017. Thấy vườn hoa đẹp, người dân không còn đem rác ra bỏ nữa.

Hiện nay, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân chưa cao. Vì lợi ích nhỏ hay vì sự tiện lợi trước mắt, họ sẵn sàng xả rác bừa bãi nơi công cộng, các khu đất trống dễ trở thành nơi chứa rác. Các hộ dân xung quanh những bãi rác tự phát này thì lãnh đủ bởi mùi hôi thối, môi trường sống bị ô nhiễm. Chính quyền địa phương thì lúng túng tìm cách xử lý, bởi cứ sau mỗi lần dọn dẹp sạch sẽ, rác lại đầy như cũ.  

TP. Vũng Tàu là nơi tập trung đông dân cư, thành phần cũng đa dạng. Nhiều khu đất trống ven các đường cửa ngõ dẫn vào thành phố như 2-9, đường Ven Biển, đường Võ Nguyên Giáp… thuộc địa bàn phường 11 và 12 trở thành nơi tập kết rác, xà bần do những người kém ý thức đem đổ bỏ. Tương tự, ven đường Hải Đăng dẫn lên Núi Nhỏ và Vi ba lên Núi Lớn cũng đầy rác thải, trong đó phần lớn là hộp xốp, bao nilon, vỏ chai nhựa, ly nhựa do người đi leo núi để lại. 

Thời gian qua, các lực lượng như ĐVTN, đơn vị quân đội, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, chính quyền các địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải nơi công cộng. Tuy vậy, hiệu quả của các hoạt động này chỉ là tức thời vì mới giải quyết được phần ngọn là thu gom số rác hiện hữu. Sau đó, rác vẫn xuất hiện trở lại. Do vậy, phần gốc cần giải quyết chính là xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh trong mỗi người dân để chấm dứt thói quen xả rác bừa bãi. Theo đó, các địa phương có thể lấy cái đẹp để thay đổi hành vi xấu bằng cách nhân rộng mô hình trồng hoa, thảm cỏ tại những khu vực công cộng như cách làm của Công ty CP Dịch vụ môi trường đô thị Bà Rịa và ĐVTN TP. Vũng Tàu. Bên cạnh đó, những trường hợp vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng và có hình thức nhắc nhở, răn đe tại địa phương để họ tự thấy mắc cỡ với ý thức của mình, từ đó thay đổi hành vi theo hướng tốt đẹp hơn. Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cũng là cách làm mang lại hiệu quả dài lâu nhưng cũng đòi hỏi phải có sự kiên trì.

NGUYỄN ĐỨC
;
.