Giá trị của những ngày bình yên

Thứ Sáu, 04/12/2020, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch bệnh COVID-19 đã trở lại khi có thêm 4 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại TP.Hồ Chí Minh. Sự việc bắt nguồn từ sự chủ quan, bất cẩn của một tiếp viên hàng không khi người này không chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, dẫn đến nhiễm bệnh và lây lan cho những người khác.

Năm 2020, tính cả đợt này, Việt Nam phải đối phó 3 đợt dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm xáo trộn hầu hết các hoạt động trong đời sống, xã hội. Sản xuất đình trệ, nhiều nhà máy phải thu hẹp quy mô sản xuất, nhiều người lao động mất việc làm, nhiều hộ kinh doanh, DN lao đao.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mạnh mẽ và quay lại ở nhiều quốc gia. Vậy nhưng, sau khi đợt dịch thứ 2 được đẩy lùi, cả nước trải qua hơn 3 tháng không xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, một bộ phận người dân và một số địa phương có tâm lý chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Và rồi, sự chủ quan, lơ là đó đã phải trả giá bằng việc xuất hiện đợt dịch thứ 3. Ngay cả khi dịch bệnh trở lại, nhiều người dân các địa phương, trong đó có BR-VT vẫn còn thờ ơ, không thực hiện triệt để biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn, giữ gìn khoảng cách an toàn…

Để phòng chống đợt dịch thứ 3, hàng trăm ngàn HS-SV các trường CĐ, ĐH tại TP. Hồ Chí Minh đã được cho nghỉ học. Ngành du lịch đang trên đà gượng dậy sau 2 đợt dịch trước thì nay lại tiếp tục gặp khó. Trao đổi nhanh với một số DN du lịch ở BR-VT, chúng tôi đều nhận được thông tin khá ảm đạm. Đại diện một khách sạn than thở: “Mới nghe tin đã thấy khách rục rịch hủy phòng, giảm bàn tiệc rồi, rầu quá”. Du lịch là ngành nhạy cảm với dịch bệnh và thời tiết. Bởi lẽ, người đi du lịch trước hết là để tham quan, nghỉ dưỡng, tận hưởng cuộc sống. Yêu cầu hàng đầu của họ phải là được an toàn (ở đây không nói đến loại hình du lịch mạo hiểm). Đi du lịch trong tâm trạng thấp thỏm lo âu thì sẽ mất vui, thà ở nhà còn hơn.

Ứng phó với đợt dịch thứ 3, Thủ tướng Chính phủ đã có biện pháp điều hành linh hoạt khi bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế với chỉ đạo “không áp dụng giãn cách xã hội tràn lan ở phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh”. Chỉ đạo này được dư luận đánh giá cao và đồng tình.

Bình tĩnh nhưng không chủ quan khi đối phó dịch bệnh là tinh thần cần được phát huy mạnh mẽ. Để công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, ngoài vai trò của các lực lượng chức năng còn có vai trò quan trọng của mỗi người dân. Việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ các quy định về cách ly y tế, khai báo y tế không chỉ giúp bảo vệ chính mình mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Thiệt hại của một cá nhân khi phải cách ly y tế chắc chắn sẽ thấp hơn thiệt hại của cả cộng đồng nếu để xảy ra dịch bệnh. Do vậy, nếu phải lựa chọn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng trước ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta nhất định phải nghiêng về cộng đồng.

Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015 để điều tra, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức. Đây là lần đầu tiên các vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19, làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, bị xem xét xử lý hình sự. Những người gây ra lỗi vì sự chủ quan của mình đã và đang phải gánh chịu hậu quả pháp lý và bệnh. Họ sẽ phải nhận bản án thích đáng từ pháp luật bởi những sai lầm đó. Đây cũng là bài học răn đe cho những ai còn tâm lý chủ quan trước dịch bệnh.

Ai từng trải qua những ngày giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, hạn chế tập trung đông người mới thấu hiểu giá trị của những ngày tự do, an yên khi dịch bệnh được kiểm soát. Để tận hưởng những ngày an yên đó, mỗi người cần phải thay đổi thói quen trong hành vi, lối sống, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Ai còn băn khoăn thì hãy xem hình ảnh của những người làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch là đội ngũ nhân viên y tế, quân đội, công an. Họ đã phải ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi trong điều kiện thiếu thốn, tạm bợ nhiều ngày để đổi lấy những giây phút an yên cho nhân dân cả nước.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.