Phải an toàn khi đã được dự báo trước

Thứ Hai, 19/10/2020, 19:44 [GMT+7]
In bài này
.

Bạn tôi, làm nghề khí tượng thủy văn. Từ rất lâu, bạn đã lập một trang fanpage để cập nhật thông tin về thời tiết, bạn mời tôi thích trang với lời nhắn “để còn theo dõi “khúc ruột” quê mình”. Trên trang Fanpage, bạn luôn ưu tiên đặc biệt cho miền Trung, không chỉ bởi miền Trung là nơi chúng tôi đã được sinh ra, lớn lên, mà còn bởi miền Trung luôn phải hứng chịu thiên tai, bão lũ hàng năm. Đó cũng là nỗi ám ảnh của chúng tôi, những năm tháng tuổi thơ phải chịu cảnh bão lũ và có khi nửa đêm còn chạy lũ. 

Vài ngày trước, bạn cập nhật thông tin dự báo trong những ngày tới, vùng “rốn lũ” miền Trung sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm đợt mưa lớn kéo dài đến 20/10, do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông khả năng mạnh lên thành bão. Miền Trung lại “lũ chồng lũ”… bạn còn nhắn riêng để nhắc nhở tôi, phải cảnh báo cho mọi người ở nhà di dời đến nơi an toàn.

Có lẽ tin nhắn của bạn ở thời điểm này hẳn là thừa thãi, khi mà tại “rốn lũ” miền Trung, nước đã ngập băng đồng, nước đã dâng lên cao, có nơi tận nóc nhà, và cả nước đang đau đáu hướng về “khúc ruột” ấy với cả tấm lòng muốn sẻ chia, cưu mang.

Vậy nhưng, vẫn không thừa, khi mà cả bản tin thời tiết của bạn luôn ngập tràn tâm huyết, dồn mọi trí lực để truyền đi thông điệp cảnh báo sớm, nhắc nhở để dù là biết rồi, vẫn nên biết thêm nữa để mà phòng, chống, để mà cùng chung tay giúp đỡ đồng bào ở miền Trung. 

Người bạn khác của tôi, suốt mấy đêm liền không ngủ, để sáng sớm đưa lên trang Fanpage ấy một bức thư ngỏ. Bạn muốn đứng ra quyên góp, và đích thân bạn sẽ lên đường đến với miền Trung nhanh nhất có thể để giúp đỡ những người dân đang oằn mình chống lũ…

Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ của buổi sáng, danh sách những người ủng hộ đã dài dằng dặc, số tiền lên đến gần nửa tỷ đồng và danh sách cứ vậy nhanh chóng dài thêm. Bạn lập một Fanpage có tên “Thiện nguyện bồ câu trắng” để công khai mọi đóng góp cũng như những hoạt động mà bạn đem đến cho bà con vùng lũ để ai cũng có thể dõi theo.

Trong suốt mấy ngày qua, bạn tôi, một tiến sĩ danh giá, có “chức sắc” đã quần xắn móng lợn quá gối, lặn lội đến tận nơi heo hút nhất, nơi lũ về sâu thẳm nhất để cung cấp nhu yếu phẩm, tiền bạc và những gì bà con vùng lũ cần. Đến đâu, bạn “truyền hình trực tiếp” đến đó, trong sự cổ vũ của những người đang ở nơi an toàn, đang “chăn ấm, nệm êm” và sẵn lòng chia sẻ với bà con còn thiếu thốn trăm bề, khổ nhọc chống chọi với thiên tai, bão lũ… Tất nhiên, bạn dám xông pha, bởi bạn đã được trang bị và tự trang bị cho mình kỹ năng “sống chung với lũ”, bảo đảm an toàn cá nhân, chọn lựa thời điểm để tiếp cận những người cần cứu hộ, khu vực cần cứu hộ. 

Nhiều người “comment” trên Fanpage rằng: “Thấy mà thương…, thương cả người dân ở “rốn lũ”, thương cả những người dầm mưa, lội nước đi cứu trợ. Nhớ an toàn trở về nhé người hùng ơi…”. Sở dĩ nhắc như vậy là bởi vì liên tục có những thông tin về những cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong quá trình cứu hộ, cứu nạn ở vùng lũ. 

Trong những ngày qua, không chỉ chính quyền địa phương mà người người, nhà nhà trên khắp cả nước đang hướng về miền Trung, đang dốc lòng, dốc sức hỗ trợ những gì có thể để đồng bào miền Trung vượt qua cơn bĩ cực. Ở nhiều cuộc hội họp, lễ kỷ niệm, giải thi đấu thể thao, thậm chí là lễ chào cờ đầu tuần, ban tổ chức đã phát động ủng hộ miền Trung, để có thêm thùng mỳ, ký gạo… chia sớt cho đồng bào. 

Tuy nhiên, về lâu dài, rất nên có những biện pháp, chiến lược để chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ cho khu vực này. Bởi cứ “đến hẹn lại lên”, mỗi năm, miền Trung lại phải hứng chịu những đợt mưa bão dữ dội, năm sau có thể nặng nề hơn năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, mỗi năm cả nước phải hứng chịu hơn 10 cơn bão cùng với nhiều loại hình thời tiết rất dị thường, cướp đi sinh mạng của 300 - 400 người; thiên tai cũng gây thiệt hại khoảng 1,5 đến 2% GDP/năm. Đỉnh điểm, năm 2017 có tới 24 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại 63.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, những thiệt hại chưa thể thống kê hết, nhưng đến thời điểm này đã được coi là “khủng khiếp”. Và để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất, rất cần đến những hành động ở các cấp độ, không trừ một ai, kể cả ở mỗi người dân đến cán bộ, chiến sĩ buộc phải có kỹ năng phòng, chống thiên tai, kỹ năng thoát hiểm và ứng phó với các tình huống của thiên tai đã được dự báo trước. 

THẢO TRẦN

 
;
.