Gian lận thương mại điện tử gia tăng

Thứ Năm, 22/10/2020, 17:37 [GMT+7]
In bài này
.

Giữa lúc nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch COVID-19, thì thương mại điện tử (TMĐT) - mua bán trực tuyến đã thực sự lên ngôi. TMĐT của nước ta được nhận định có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, khi người dân, nhất là lớp trẻ có xu hướng chuyển qua mua sắm trực tuyến thay vì mua hàng tại các chợ truyền thống, các siêu thị.

Theo tổ chức chuyên về công nghệ thanh toán toàn cầu và kết nối người tiêu dùng (Visa) cho biết, số lượng người tiêu dùng Việt Nam thực hiện mua sắm qua TMĐT hiện ở mức kỷ lục, với trung bình 30 triệu lượt mua sắm trực tuyến mỗi ngày. Với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng internet, hạ tầng thanh toán điện tử, cũng như hạ tầng logistics hiện nay, TMĐT Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 25%.

Hoạt động TMĐT nội địa và xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số, đặt ra rất nhiều thách thức cho các quốc gia trong việc hợp tác phát triển cũng như kiểm soát hoạt động này. Thực tế cho thấy, TMĐT mang lại nhiều tiện ích trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố trực tuyến của TMĐT đã và đang tạo ra những thách thức trong xây dựng khung pháp lý để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh, cũng như việc ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Thời gian gần đây, theo ghi nhận của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) thì gian lận TMĐT ngày càng gia tăng, với các phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong đó, thủ đoạn phổ biến nhất mà nhiều đối tượng áp dụng là chỉ tiếp nhận đặt online; không có cửa hàng, hoặc phân tán hàng hóa ở nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không ghi rõ xuất xứ, được thanh toán qua đơn vị trung gian và rất khó xác minh đối tượng bán. Bên cạnh đó, các website, các tài khoản trên mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại chỉ cần một thao tác nhỏ, trong khoảng thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, là kẽ hở để cho nhiều đối tượng vi phạm tìm cách lợi dụng, trục lợi. Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục Quản lý thị trường Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.com và menshopfashion.com đã phát hiện, thu giữ 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Hersace… Riêng trong thời gian diễn ra cách ly xã hội do dịch bệnh COVID-19, các cơ quan chức năng đã yêu cầu các sàn TMĐT như sendo.vn, chotot.com, lazsda.vn, tiki.vn… xử lý 16.200 gian hàng và 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng gian lận TMĐT và tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trong các hoạt động mua bán trực tuyến là do khâu quản lý thị trường chưa vào cuộc kiểm tra một cách nghiêm ngặt, hiệu quả. Các cơ quan quản lý đã không theo kịp sự phát triển nhanh chóng, đa dạng và phong phú của các hoạt động TMĐT, lộ ra nhiều kẽ hở để từ đó gian thương lợi dụng trục lợi và thực hiện những hành vi phi pháp.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trong các hoạt động TMĐT là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Các cơ quan quản lý thị trường cần phối hợp có hiệu quả với địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra đối với các hình thức bán hàng trực tuyến, kinh doanh qua mạng xã hội. Đồng thời, có phương án đầu tư, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ với các công nghệ sử dụng trong hoạt động TMĐT trên thị trường. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoạt động TMĐT và tăng thêm các cơ chế, chính sách quản lý hoạt động TMĐT nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các ngành trong việc chia sẻ thông tin, kiểm tra, xử lý có hiệu quả các vấn đề liên quan đến hoạt động TMĐT. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các website TMĐT để nhanh chóng có biện pháp xử lý, xử phạt hoặc khởi tố đối với các DN, cá nhân vi phạm các quy định về TMĐT.

HOÀNG LÊ

;
.