Cải cách mạnh mẽ của ngành giáo dục

Thứ Năm, 29/10/2020, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Mẹ tôi là giáo viên dạy Toán, 2/3 quãng thời gian làm nghề, mẹ tôi kiêm chủ nhiệm và tổ trưởng bộ môn. 

Tôi vẫn nhớ như in, vào những năm 80 thế kỷ trước, dưới ánh đèn dầu leo lét, chỉ tỏa ánh sáng đúng một quầng vừa đủ cuốn giáo án, mẹ tôi cặm cụi soạn giáo án, ghi chép các loại sổ sách, hồ sơ của học trò. Hồi ấy còn dùng bút mực, lúc nào trên bàn cũng có một lọ mực xanh và một lọ đỏ. Những trang giáo án được căn lề, kẻ đậm ở những dòng lưu ý bằng mực đỏ rất tinh tươm.

Vào những dịp cao điểm như đầu năm học, cuối năm học, mẹ tôi gần như thức đến nửa đêm, thậm chí là tận sáng sớm ngày hôm sau, bóng mẹ tôi vẫn còn in trên vách…

Mẹ tôi bảo, giáo viên dạy bộ môn, thuộc làu kiến thức vì năm này qua năm khác vẫn dạy có chừng ấy, trừ khi thay đổi SGK. Phần thêm bớt chủ yếu là vận dụng, đổi mới phương pháp giảng dạy, tựu trung thì cốt lõi của kiến thức là ổn định, nhất là đối với những bộ môn thuộc khoa học tự nhiên. Vậy nhưng, giáo án thì vẫn cứ phải soạn mới, soạn lại từ đầu, không sướng như bây giờ, khi công nghệ thông tin được phổ cập rộng rãi, soạn giáo án vì thế mà “nhàn” hơn xưa rất nhiều. Hồi ấy, có lẽ cũng giống như các thầy, cô khác, mẹ tôi khó lòng hình dung được một viễn cảnh không còn phải ngồi trước ánh đèn dầu để soạn giáo án… 

Nhắc lại chuyện soạn giáo án “thủ công” của mẹ tôi, bởi mới đây Bộ GD-ĐT đã rất cởi mở khi quyết định cho phép giáo viên soạn giáo án điện tử. Cởi mở hơn nữa là khi cán bộ quản lý kiểm tra, giáo viên cũng không cần phải in ra giấy mà cứ vậy được “kiểm” trên hệ thống điện tử. 

Những nội dung ấy được quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học.

Khoản 4 Điều 21 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục. Cụ thể: Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy bảo đảm yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Khoản 4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm: Hồ sơ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Tại các công văn của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021 ghi rõ: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của HS để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến HS và đổi mới phương pháp dạy học”. Ở bậc trung học, Bộ cũng nêu rõ: “Tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục trung học; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, HS, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lý và báo cáo”.

Trên thực tế, việc sử dụng giáo án điện tử đem đến nhiều thuận tiện cho giáo viên khi có thể sửa chữa kịp thời, sửa bất kỳ khi nào, bảo đảm nội dung, phương pháp dạy học cho từng nhóm đối tượng HS cụ thể. Với cán bộ quản lý cũng có thể dễ dàng kiểm tra, theo dõi và phản hồi lại giáo viên ngay trên hệ thống điện tử. Và tất nhiên, không cần phải in ra giấy, góp phần tiết kiệm văn phòng phẩm. 

Sử dụng và quản lý giáo án điện tử vừa là thực hiện chỉ đạo của Bộ, vừa thể hiện khả năng của người quản lý, vừa có lợi cho giáo viên, vừa có lợi cho xã hội. Mấu chốt ở đây là phải đồng bộ, trên chỉ đạo, dưới ráo riết triển khai. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin triệt để ở ngành giáo dục rất đáng được hoan nghênh và cần phải lan tỏa qua các ngành, lĩnh vực khác đúng với chủ trương về một chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử. Nhất là ở thời điểm cuối năm, cứ “đến hẹn lại lên”, các ngành, các cấp tiến hành kiểm tra công tác, hoạt động cả năm, nếu cứ “online” như chủ trương của ngành giáo dục thì tiết kiệm được vô số chi phí do không còn phải tốn giấy, mực để in…

THẢO TRẦN

 

;
.