Nông dân công nghệ

Thứ Năm, 04/06/2020, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

Không chờ thương lái đến một cách thụ động, mà nhiều nông dân hiện nay đã chủ động bấm điện thoại thông minh, nhận đơn hàng, tiếp thị sản phẩm qua mạng xã hội đồng thời “ship” tận nơi. Cũng chưa bao giờ, việc kết nối khách hàng qua Facebook, Zalo, tận dụng tối đa tiện ích của công nghệ mang lại để tiêu thụ nông sản lại trở nên dễ dàng đến thế.

Đó là cách mà ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) tiêu thụ sản phẩm ổi ruby trong thời gian qua. Với ông, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho việc làm nông tiện lợi và thu lãi cao nhất có thể. Đặc biệt là khi nông sản luôn trong tình trạng được mùa rớt giá và phụ thuộc vào thương lái, cách làm của ông Trinh đang được xem là hướng đi mới từ sản xuất, quảng bá đến tiêu thụ, tiếp cận tận tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian.

Ông Trinh bắt đầu sản xuất nông nghiệp bằng việc trồng nhãn da bò trên diện tích 2,5ha từ năm 2001. Giai đoạn 2005-2006, giá nhãn sụt giảm mạnh, có thời điểm chỉ 1.000 đồng/kg, thu không đủ chi nên năm 2012, ông Trinh đã chuyển sang trồng cây ăn trái có múi là cam, quýt, bưởi thay thế nhãn. Cũng không dừng lại ở đó, từ tháng 7/2017, ông Trinh đã phối hợp với các công ty lữ hành du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm nông sản tại trang trại của gia đình. Từ sự kết hợp này, trang trại của ông Trinh đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở phạm vi trong tỉnh mà còn lan rộng đến khách hàng tận các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam Bộ. Thế nhưng, điều bất ngờ hơn là từ đầu năm 2020 đến nay, hình ảnh 2 vợ chồng ông Trinh chạy xe ô tô từ trang trại ở Xuyên Mộc, chở từng thùng ổi ruby giao tận tay cho khách hàng tại TP. Vũng Tàu lại trở nên quá quen thuộc. Theo lời kể của ông Trinh, do người dân đổ xô trồng bưởi, cam, quýt dẫn đến tình trạng giá rớt thê thảm, ông lại mày mò lên mạng tìm lối đi riêng. Năm 2019, ông chuyển sang trồng ổi ruby Đài Loan - một loại ổi dày thịt, không hạt, ruột đỏ, ngọt thơm. Quảng bá qua Facebook, Zalo của khách hàng quen trước đây đã tham quan trang trại, mỗi vụ thu hoạch có hàng trăm đơn hàng đặt mua ổi nhưng vườn mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.  

Có thể nói, mạng internet phủ sóng khắp nơi đã nhanh chóng làm thay đổi tư duy của nhiều nông dân hiện nay. Trên thực tế, mạng internet đã và đang trở thành công cụ đắc lực của nông dân, đây cũng là bước đi quan trọng trong mục tiêu về nền nông nghiệp 4.0. Bởi tiếp cận mạng internet, nông dân không chỉ tiếp cận kho kiến thức khổng lồ về canh tác, trồng trọt, biết đến những khái niệm như thâm canh theo hướng sinh học, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, mà còn nắm bắt nhu cầu thị trường, giá cả, tránh việc mù mờ thông tin, bị thương lái ép giá. Cũng không chỉ để bán nông sản, nhiều nông dân còn sử dụng mạng để mua phân bón, hạt giống và máy móc phục vụ sản xuất.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đứng trước thách thức lớn, bắt buộc phải có sự thay đổi tư duy, cách nghĩ và cách làm. Đặc trưng cơ bản của nông nghiệp 4.0 là số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, bảo đảm cho quá trình sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, muốn xây dựng nền nông nghiệp thông minh thì cần đến những nông dân thông minh, và quan trọng hơn cả là sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học và DN.

NGÔ GIA

 
;
.