Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

Thứ Sáu, 26/06/2020, 22:07 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 9/6 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Năm năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 33 đi vào cuộc sống, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được các cấp ủy, chính quyền các cấp và các địa phương, đơn vị chú trọng triển khai thực hiện. Phát triển văn hóa ngày càng gắn bó hơn với xây dựng con người, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng của sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của từng vùng miền được kế thừa và phát huy; đời sống văn hóa của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư và từng bước chuyển đổi cơ chế, đổi mới về phương thức hoạt động; thị trường văn hóa bước đầu được hình thành… Tuy nhiên, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mĩ tục; tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Văn hóa ứng xử nơi công cộng, ở công sở, trong gia đình và ở nhà trường… có nhiều bất cập. Sự suy thoái về tư tưởng, xuống cấp về đạo đức, tha hóa về lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Nạn tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, lối sống buông thả, sống gấp, thói cơ hội trong chính trị, gian lận trong học hành, bằng cấp… diễn ra ngày càng phổ biến. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, ngay cả trong những lĩnh vực được xã hội tôn vinh (như y tế, giáo dục, bảo vệ pháp luật…). Các hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa, sự băng hoại các giá trị văn hóa đang có chiều hướng gia tăng. Khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với các đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn.

Văn hóa ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước. Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tạo chuyển biến thành hành động có hiệu quả trong xây dựng và phát triển văn hóa. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải xây dựng cho mình một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp với các đặc tính cơ bản “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Đồng thời, cần tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên.

Ngoài các giải pháp nêu trên, các địa phương, đơn vị cần tăng cường thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa. Thực tế cho thấy, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa thời gian vừa qua đã thu được những kết quả thiết thực. Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một trong những giải pháp quan trọng, thu hút các nguồn lực xã hội và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến các sản phẩm văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động văn hóa phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và nâng cao dần mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Sự đa dạng hóa về các chủ thể văn hóa, sự chuyển đổi từ nguồn lực đơn tuyến của Nhà nước đến sự nhập cuộc đa chiều, đa thành phần từ nhiều chủ thể khác nhau đã thúc đẩy sự đa dạng trong các loại hình văn hóa - nghệ thuật, đem đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú, bổ ích và hấp dẫn hơn.

HOÀNG LÊ

;
.