Khẳng định điểm đến an toàn

Thứ Sáu, 15/05/2020, 20:13 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ đúng lúc nắng nóng cao điểm tại nhiều địa phương. Do bị dồn nén trong thời gian dài để phòng chống dịch bệnh khiến nhiều người chồn chân nên khi có cơ hội, nhiều người đã lên đường đi du lịch. Những ngày gần đây, hình ảnh du lịch đã tràn ngập mạng xã hội facebook. 

Tuy vậy, hiệu ứng này chưa thực sự tạo nên làn gió mới cho ngành du lịch thời kỳ hậu COVID-19. Cũng như nhiều ngành nghề khác, du lịch Việt Nam bị tổn thương nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch đã triển khai các biện pháp phục hồi, trong đó có chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động nhằm kích cầu du lịch nội địa. Để khuyến khích người dân đi du lịch trong nước, các DN kinh doanh dịch vụ du lịch đã và đang triển khai nhiều chương trình kích cầu, với nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá dịch vụ hấp dẫn.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, một số DN du lịch cũng đã triển khai chương trình giảm giá sâu từ 30-70% cho các dịch vụ. Chẳng hạn, KDL Biển Đông giảm giá dịch vụ biển và giá phòng từ 30-50%; khách sạn Green giảm giá phòng lên đến 70% cho các ngày trong tuần; Hồ Mây Park triển khai combo 700 ngàn đồng/khách, bao gồm vé tham quan trọn gói, dịch vụ phòng nghỉ và bữa sáng; Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor giảm giá vé tham quan từ 10-20% cho khách… Tuy nhiên, đại diện các DN du lịch cho biết, những chính sách kích cầu này mới được triển khai nên chưa phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Mọi năm, từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách du lịch đến BR-VT đã bắt đầu tăng và kéo dài đến hết mùa Hè, khi HS được nghỉ học. Cùng kỳ năm nay, lượng khách chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do du khách vẫn còn tâm lý e ngại. Bên cạnh đó, nhiều DN, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh nên tạm hoãn chi tiêu cho du lịch.

Trong khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, du lịch Việt Nam chưa thể đón khách nước ngoài thì khách nội địa là nguồn khách chính của ngành du lịch. Do đó, các biện pháp thu hút khách cần tập trung vào đối tượng này.

Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, các tỉnh, thành khu vực Nam bộ nói chung đang trong cao điểm nắng nóng. Thời tiết này khiến virus SARS-CoV-2 khó lây lan. Hơn nữa, đến thời điểm này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Những yếu tố đó khẳng định, địa phương vẫn là một điểm đến an toàn. Để xóa tan tâm lý e ngại của du khách, song song với việc quảng bá các chương trình khuyến mại, kích cầu, ngành du lịch cần chú trọng truyền đi thông điệp khẳng định Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm đến an toàn. Ngoài sự an toàn trước dịch bệnh còn là an toàn về mọi mặt, từ an ninh trật tự đến an toàn trên bãi tắm, an toàn vệ sinh thực phẩm… Thời gian gần đây, hình ảnh du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng được cải thiện trong mắt du khách. Bãi biển ngày càng sạch sẽ, không có rác thải, không còn cảnh du khách túm tụm ăn nhậu, nhếch nhác. Tình trạng người kinh doanh lừa gạt du khách cũng không còn, khiến du khách luôn cảm thấy an tâm, tin tưởng khi sử dụng dịch vụ tại điểm đến.

Những ưu điểm này rất cần được truyền thông rộng rãi đến tất cả các đối tượng du khách. Đây còn là cách tiếp cận khách hàng không chỉ trong ngắn hạn mà còn về lâu dài. Để làm được điều đó, mỗi DN đơn lẻ sẽ không đủ sức mà cần phải có vai trò kết nối của Hiệp hội Du lịch, của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch thông qua chiến lược quảng bá, tiếp thị về điểm đến an toàn, được xây dựng bài bản, dài hơi, hướng đến những thị trường trọng tâm, trọng điểm ngoài thị trường truyền thống trong khu vực Nam Bộ.

NGUYỄN ĐỨC

;
.