Khám, chữa bệnh trực tuyến

Thứ Sáu, 08/05/2020, 21:59 [GMT+7]
In bài này
.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, khám chữa bệnh trực tuyến (KCBTT) là xu thế và là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống hiện đại. Mới đây, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (ĐHYHN), chương trình thí điểm đầu tiên về KCBTT đã được triển khai thực hiện. Trong chương trình thí điểm đầu tiên này, Trung tâm điều hành tại Bệnh viện ĐHYHN thực hiện kết nối với 4 đầu cầu: Điểm cầu Bệnh viện đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), điểm cầu tại Bệnh viện đa khoa TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), điểm cầu tại Trạm y tế xã và người nhà bệnh nhân ở thôn Cầu Đồng, xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu tại nhà một bệnh nhân bị bệnh mạn tính ở TP.Hà Nội.

Chứng kiến chương trình thí điểm KCBTT và trực tiếp theo dõi các bác sĩ Bệnh viện ĐHYHN tư vấn, hội chẩn, khám cho các bệnh nhân từ xa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “KCBTT là một mô hình rất hiệu quả, bệnh viện tuyến trên có thể dễ dàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến từ xa hiệu quả nhân đôi, nhân ba mà chúng ta phải tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu chống dịch, giãn cách xã hội; có lợi ích là công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ phức tạp; mang lại lợi ích cho người dân khi giảm chi phí. Đồng thời, cần phổ cập thanh toán khám chữa bệnh qua điện thoại di động. Do đó, cần tăng cường hướng dẫn cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và nền tảng KCBTT”.

Nền tảng KCBTT là dấu mốc khởi đầu để hướng tới chuyển đổi số của ngành y tế và hướng tới mục tiêu lớn hơn là quốc gia số, quốc gia thông minh. Theo đó, nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đáp ứng đầy đủ các quy định khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Việc tăng cường thực hiện dịch vụ tư vấn sức khỏe và KCBTT, trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 vẫn còn biến động phức tạp và đặc biệt là về lâu dài, sẽ giúp giải quyết được nhu cầu khám và chăm sóc sức khỏe của người dân nhờ những tiện ích của khoa học công nghệ 4.0. Thực tế cho thấy, việc khám bệnh thông thường khiến người bệnh mất thời gian gấp 3-4 lần so với kế hoạch. Sử dụng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến (telemedicine) bệnh nhân không tốn quá nhiều thời gian và công sức để được gặp bác sĩ, trong lúc thăm khám có thể thoải mái chia sẻ và được bác sĩ tham vấn cặn kẽ, nhiệt tình. Hơn thế, bệnh nhân còn có thể chọn khám trong thời gian thích hợp, bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu. Sử dụng telemedicine và ứng dụng APPS trên điện thoại di động, máy vi tính… việc khám bệnh online hoàn toàn có thể thực hiện ngay tại nhà, người bệnh được bác sĩ khám, chẩn đoán, kê và gửi đơn thuốc… đều thực hiện trực tuyến.

Dĩ nhiên, có nhiều loại bệnh, bệnh nhân vẫn cần phải tới các bệnh viện, làm các xét nghiệm, bác sĩ khám, kê đơn và đưa ra giải pháp điều trị. Nhưng với những chứng bệnh thông thường như viêm họng, cảm cúm hay bệnh mạn tính, chưa cần phải tới bệnh viện để điều trị ngay, mà chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dùng thuốc tại nhà, thì ứng dụng telemelicine là phù hợp nhất. Đây cũng là xu thế phát triển tất yếu của ngành y học nước ta trong thời gian tới.

Từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai các chương trình khám phẫu thuật từ xa, hay áp dụng bệnh án điện tử. Tuy nhiên, những mô hình đó chưa thực sự phổ biến và chưa mở rộng quy mô. Do đó, sau thành công của chương trình KCBTT tại Bệnh viện ĐHYHN với 4 điểm đầu cầu của 4 địa phương khác nhau, cho thấy cần phải phổ cập hoạt động này nhiều hơn nữa, nhằm giúp xử lý nhanh, tiết kiệm và giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên. Trước tình hình đó, đòi hỏi ngành y tế và các DN công nghệ nước ta cần tăng cường phối hợp và đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh. Phát triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực y tế như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản trị y tế thông minh. Trên cơ sở đó hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, phối hợp xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

HOÀNG LÊ

;
.