"Chinh phục" khách nội

Thứ Năm, 14/05/2020, 20:11 [GMT+7]
In bài này
.

Việt Nam đang tái khởi động ngành du lịch bằng việc phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Chương trình diễn ra từ ngày 1/6 đến 31/12/2020, được hy vọng như một giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân đi du lịch tới các vùng, miền trong cả nước nhiều hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa được đẩy lùi. 

Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, ngành du dịch BR-VT đang gấp rút triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đang và sẽ chọn BR-VT làm điểm đến.  

Bảo đảm an toàn phòng chống dịch, sẵn sàng đón tiếp du khách du lịch bằng các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý đi kèm là mục tiêu hàng đầu của ngành du lịch BR-VT trong lần “trở lại” này. Cách đây 1 tuần, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch tỉnh đã thống nhất kế hoạch tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, kích cầu du lịch với thông điệp“BR-VT điểm đến hấp dẫn an toàn”, thông tin rộng rãi về mức độ an toàn, sẵn sàng đón khách bởi một đội ngũ kinh doanh du lịch văn minh, thân thiện và mến khách; Tập trung giới thiệu các sản phẩm du lịch là thế mạnh của BR-VT như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, sinh thái, văn hóa, lịch sử, ẩm thực…

Dịch COVID-19 ập đến làm tê liệt mọi hoạt động của ngành du lịch. Thế nhưng sau thời gian “ngủ đông”, nhiều công ty, đơn vị du lịch trong tỉnh đã nhanh chóng bật dậy xây dựng kịch bản phục hồi thị trường. Họ nhận thức được rằng SARS-CoV-2 khiến cho ngành du lịch lao đao, nhưng đây cũng là dịp để họ tái cơ cấu hoạt động, nâng tầm các sản phẩm du lịch, phù hợp với thị hiếu của du khách nội địa, tạo ra sự khác biệt cho du lịch BR-VT. 

Nhiều năm nay, dòng khách du lịch chính của BR-VT vẫn là khách nội địa. Nhu cầu, thói quen, sở thích, “gu” ẩm thực, vui chơi của khách các đơn vị kinh doanh du lịch đều hiểu rõ. Đó là thuận lợi lớn để lần “trở lại” này, giới kinh doanh dịch vụ du lịch BR-VT phục vụ kịp thời nhu cầu của khách, khiến họ cảm thấy hài lòng. Vấn đề còn lại là tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch BR-VT, phát triển hệ thống đặt tour trên mạng xã hội Facebook, Zalo để khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, thực hiện đặt tour du lịch. Đây chính là cách thu hút khách nội đi du lịch nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn.  

Trên bản đồ du lịch Việt Nam, BR-VT là một điểm đến hấp dẫn được du khách trong nước và quốc tế thừa nhận. Nhiều năm liền, ngành du lịch có sự tăng trưởng ấn tượng (lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trưởng bình quân 13% năm; Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm). Năm 2019, du lịch BR-VT đạt mục tiêu thu hút 3,53 triệu lượt khách lưu trú, tăng 14% so với năm 2018; tổng thu du lịch đạt 16.520 tỷ đồng. Đó là kết quả của việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch, trong đó chú trọng các sản phẩm khai thác thế mạnh từ biển như du lịch sinh thái biển, đảo; du lịch nghĩ dưỡng, chữa bệnh, tắm khoáng nóng; du lịch ẩm thực; du lịch tâm linh… bên cạnh đầu tư tôn tạo các di tích, cơ sở văn hóa, đầu tư tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ du lịch, kết hợp phát triển các mô hình làng nghề, mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao phục vụ khách tham quan…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, lượng khách quốc tế giảm sâu, việc phát triển du lịch nội địa là một chủ trương đúng. Thế nhưng, để “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhiều hơn, vào lúc này cần một cái “bắt tay” thúc đẩy sự liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa BR-VT với các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Đông Nam Bộ và nhiều địa phương khác. 

Liên kết để cùng phát triển du lịch là một giải pháp quan trọng, không chỉ làm thay đổi diện mạo du lịch địa phương, tránh tình trạng “cát cứ”, cạnh tranh không lành mạnh mà còn góp phần định vị thương hiệu du lịch vùng, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. 

 NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
;
.