Bỏ phiếu cho văn minh

Chủ Nhật, 10/05/2020, 21:37 [GMT+7]
In bài này
.

Khu đất góc đường Cô Giang - Triệu Việt Vương (TP.Vũng Tàu) nằm ngay giữa chợ tạm Cô Giang giờ đây đã trở thành khu mua sắm Bách hoá Xanh (BHX).

Mở cửa từ 6h30 đến 21h30 mỗi ngày. Giữ xe miễn phí. Nhân viên và khách mua đều phải đeo khẩu trang. Giữa cái nắng gay gắt của tháng 5, máy điều hoà mát rượi là cứu cánh cho người đi chợ. Hàng hoá được chia tầng, ngăn, bày biện đẹp mắt. Giá niêm yết trên từng món hàng. Rau, củ, quả được chọn lọc, tỉa lặt. Thịt, cá, tôm đều đã được sơ chế, đóng gói. Nên không hề có mùi hôi tanh cũng là điều dễ hiểu. Thực phẩm được cân bằng cân điện tử. Tiền tính trên máy, chính xác từng 500 đồng.

Cậu nhân viên quầy hải sản tươi sống vừa cho thêm bạch tuộc ra khay vừa lấy thêm đá cho vào túi cá hồng để “đưa về nhà vẫn tươi nha anh”. Kế bên, cô nhân viên quầy thịt lấy 4 khay ức gà cho vào chung một túi và giải thích thêm, “ngăn bên này là hàng qua đêm, được giữ lạnh nên cửa hàng giảm 25% giá. Nguyên giá là hàng vừa về sáng nay”. Cách phục vụ như vậy chắc chắn nhiều người hài lòng, trong đó có tôi.

BHX là con của Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (mã chứng khoán MWG). Tổng Giám đốc MWG, phụ trách chuỗi BHX, ông Trần Kinh Doanh hồi tháng 3/2019 khẳng định với cổ đông, đến cuối năm 2020, sẽ phát triển 2.000 cửa hàng BHX, phấn đấu xây dựng và ổn định chất lượng nguồn hàng, tiến tới đạt các mục tiêu về giá chiết khấu, kiểm soát hàng tồn, hàng hủy, nâng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Mặt khác, để không phải bị “đè đầu” cũng như tăng lãi gộp, MWG sẽ kinh doanh nhãn hàng riêng (private label) với 18 nhóm. Đặc biệt, mục tiêu của BHX được xác định ngay từ đầu là làm sao lấy được số lượng khách hàng khổng lồ từ các chợ truyền thống. Do đó, công ty đẩy mạnh lựa chọn những sản phẩm tiêu dùng nhanh có chứng nhận xuất xứ rõ ràng và chọn những sản phẩm tốt ở các địa phương tiêu biểu cho lên kệ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thông tin từ trang web của BHX cho thấy, số lượng cửa hàng BHX trên toàn quốc đến cuối tháng 4/2020 đạt đến con số 1.304. Tại BR-VT có 33 cửa hàng, trong đó dự kiến khai trương 2 cửa hàng tại phường 12 (TP.Vũng Tàu) và xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc) trong vài ngày tới đây, 14/5.

Tôi không có ý ca ngợi hay PR cho BHX. Vì trên thực tế, có nhiều đại gia cung ứng hàng hoá tiềm lực còn mạnh mẽ hơn cả BHX đã và đang hoạt động hiệu quả nhiều năm qua. Nhưng tôi muốn mô tả và săm soi một mô hình bán lẻ đang hình thành và có xu hướng cạnh tranh với chợ truyền thống ngay sát bên, hoặc thậm chí nằm giữa lòng các khu chợ tạm, chợ tự phát của các đô thị. Không chỉ với BR-VT, ở nhiều tỉnh thành khác, BHX xuất hiện như một sự tuyên chiến giữa cách làm ăn mới và cũ, giữa khu mua bán sạch sẽ, an toàn vệ sinh thực phẩm với xô bồ, nhếch nhác, xả thải ra môi trường, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh.

Bước chân ra khỏi BHX số 1, Cô Giang với túi đầy đủ rau, cá, thịt, mì sợi, gạo, nước tương, tôi chợt nhớ đến chị Lên bán thịt đầu đường nuôi hai con vào đại học; bác Hai bán rau đã ngoài 70 tuổi vẫn xăng xái thái măng tươi ngâm chua để bán mỗi ngày cho tươi, không hôi khắm; cô Hà là thím của bạn đồng nghiệp tôi mỗi ngày đi từ 4 giờ sáng để lấy mối bán gần 50 ký gà mới đủ xoay xở ăn mặc, học hành cho cả gia đình. Họ sẽ ra sao nếu mọi khách hàng đều như tôi, đã bị chinh phuc bởi BHX? Và tôi cũng nhìn hàng loạt dãy nhà cơi nới, che chắn xập xệ mua bán ngay trên cả lòng đường, làm xấu đi tuyến đường Cô Giang, Triệu Việt Vương, Đoàn Thị Điểm... để rồi không khỏi tự hỏi, nếu được quyền bỏ phiếu thì liệu tôi có dành một lá phiếu cho chị Lên, bác Hai, cô Hà và những quầy sạp buôn bán tạm bợ kia?

Chắc chắn là không. Và tôi cũng chắc rằng, sẽ có nhiều khách hàng, nhiều người đi chợ, sẽ bỏ phiếu cho chính quyền địa phương, cho ngành công thương - những lá phiếu ủng hộ cho công cuộc hiện đại hoá chợ truyền thống theo kiểu BHX và nói không với chợ tạm, chợ cóc. Đó cũng chính là lá phiếu bầu chọn cho lối sống văn minh, từ đô thị đến các ngóc ngách vùng quê như MWG đang làm theo mô hình chuỗi mua bán BHX.

NGUYỄN LUẬN

;
.