Làm việc tại nhà và chính phủ điện tử

Thứ Ba, 07/04/2020, 20:01 [GMT+7]
In bài này
.

Từ 1/4/2020, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã thay đổi cách thức làm việc, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCC) sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, chỉ những trường hợp đặc biệt mới đến cơ quan như xử lý tài liệu mật, trực cơ quan… Cũng từ ngày 1/4, các tỉnh, thành không giải quyết các hồ sơ nộp trực tiếp mà chỉ giải quyết các hồ sơ trực tuyến thông qua dịch vụ công cấp độ 3, 4. 

Dù đã quen ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, nhưng nhiều CBCC nói họ vẫn có cảm giác “mới lạ” trong những ngày đầu làm việc tại nhà, từ việc lập không gian làm việc cho đến cách thức tương tác, trao đổi, liên hệ với đồng nghiệp và cấp trên. Những “thuật ngữ” như tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số, triển khai ứng dụng phần mềm mã nguồn mở thay thế dần cho các phần mềm nguồn đóng có bản quyền… giờ đây bỗng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn bao giờ hết. 

Còn quá sớm để nói về hiệu quả của phương thức làm việc từ xa. Nhưng có cơ sở để tin rằng, dù có đến 2/3 CBCC làm việc tại nhà, các cơ quan đơn vị vẫn bảo đảm các yêu cầu về tiến độ công việc theo quy định. Việc tiếp nhận, phân công, xử lý và phát hành văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản; sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc được thực hiện nghiêm túc. Hầu hết CBCC trong bộ máy công quyền hiện nay đều có máy tính, laptop, smartphone và wifi tại nhà; Kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin của CBCC, các phần mềm mở, phần mềm chuyên dụng cũng được nâng cao, cập nhật thường xuyên. 

Nhiều người tin rằng, khi dịch COVID-19 qua đi, các công sở sẽ sớm trở lại với phương thức làm việc truyền thống. Lý do là, cơ quan công quyền là cơ quan trực tiếp giao tiếp với dân, trực tiếp phục vụ, giải quyết công việc của người dân khi có nhu cầu. Việc giải quyết các thủ tục hành chính như đăng ký khai sinh, khai tử để tiếp tục làm các thủ tục khác; các nhóm thủ tục liên quan đến công chứng, chứng thực như di chúc, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký thế chấp… để vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh đều cần CBCC tiếp tục tiếp nhận trực tiếp và giải quyết. Nếu CBCC làm việc ở nhà thì người dân đến công sở biết làm việc với ai?

Đúng là như vậy, nhưng không có nghĩa là phương thức làm việc tại nhà sẽ kết thúc. 

Làm việc tại nhà là giải pháp nhằm ứng phó với sự bùng phát của dịch COVID-19 nhưng phương thức này cũng mở ra cơ hội thay đổi cách thức lao động trên nền tảng số trong tương lai, khi nền hành chính hiện đại hóa, chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số được hình thành. Vấn đề là từ cơ quan quản lý đến tự thân mỗi CBCC phải nhận thức được rằng làm việc ở nhà không chỉ là giải pháp ứng phó tức thời mà còn là xu hướng tất yếu, một lựa chọn trong tương lai để từ đó thích ứng với phương thức làm việc mới mẻ này. 

Làm việc ở nhà không có nghĩa là đem việc về nhà làm hoặc muốn nghỉ muốn làm giờ nào cũng được. Ngoài kiến thức, kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin - đặc biệt là kỹ năng bảo mật thông tin, môi trường làm việc này đòi hỏi CBCC phải tham gia đầy đủ, đúng giờ các hoạt động thông qua các công cụ trực tuyến như họp từ xa, số hóa các quy trình, chữ ký số, bảo đảm tiến độ, chất lượng và yêu cầu công việc, không làm ảnh hưởng đến công việc của đồng nghiệp và cơ quan, đơn vị. 

Sau nhiều năm khảo sát, phân tích, một chuyên gia lao động có uy tín cho rằng, tính tự giác thực thi công vụ, sự kỷ luật, khép mình vào công việc của một bộ phận CBCC còn thấp, đặc biệt sự ràng buộc với các chỉ đạo của cấp trên vẫn còn rất lớn. Đây là những lực cản khiến cho hiệu quả của phương thức làm việc tại nhà không cao. Vì lẽ đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý, giao việc phù hợp, kịp thời và đánh giá CBCC thông qua hiệu quả công việc. Việc thiếu sự giám sát có thể dẫn đến CBCC làm việc tại nhà không tự giác, thiếu tập trung. 

Làm việc tại nhà không chỉ là chiến lược cần thiết nhằm đối phó với dịch COVID-19 mà nên được coi là cơ hội tốt để tạo ra một thói quen làm việc “tương tác - chia sẻ”, góp phần thúc đẩy cách làm việc trực tuyến, tạo dựng nền tảng kinh tế số giúp chính phủ điện tử vận hành thông suốt.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

;
.