Quay về "sống chậm"

Thứ Bảy, 28/03/2020, 06:49 [GMT+7]
In bài này
.

Cả nước đang thực hiện đợt “cách ly xã hội” kéo dài đến 15/4 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Theo đó, tất cả người dân được khuyến cáo hạn chế tối đa việc ra ngoài. Các địa phương tạm dừng tất cả hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; riêng khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như vũ trường, cà phê, ăn uống, quán bia, vui chơi, rạp chiếu phim… hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng, hạn chế bay từ các thành phố lớn trong nước đến các tỉnh khác - trừ hàng thiết yếu nhằm hạn chế việc tụ tập đông người, chặn đứng nguy cơ lây lan của dịch bệnh. 

Hạn chế tiếp xúc, cách ly, ngừng vui chơi giải trí… những thứ mà chẳng ai mong muốn nhưng giờ đây con người vẫn phải đối mặt, thi hành. Có điều, từ trong những khó khăn, thách thức không nhỏ đó, con virus bé xíu SARS-CoV-2 cũng đem đến những cơ hội không ngờ. Nó lấy đi nhiều thói quen và hành vi cũ, mang đến cho con người những hành vi và thói quen mới. Nó giúp mọi người có cơ hội quay về “sống chậm” cho bản thân và cho cả cộng đồng.

Trước kia, nhìn quanh ai cũng vội vội, vàng vàng. “Nhanh” - một từ vốn để chỉ tốc độ, nay đã trở thành tên của một lối sống. Người ta đi nhanh, ăn nhanh, uống nhanh, ngủ nhanh, tất bật với rất nhiều công việc, bị guồng quay hối hả, gấp gáp của cuộc sống, xoay đảo liên tục, căng thẳng, áp lực cả thể xác lẫn tinh thần. Giờ đây, “cơn bão SARS-CoV-2” khiến trường học đóng cửa, sản xuất đình đốn, thương mại dịch vụ ế ẩm, nhà hàng, quán xá vắng vẻ, tiêu điều, nhiều người mất việc, người ta có thời gian nhận thức lại lối sống đã qua. Giữa dịch bệnh, không ít người chợt nhận ra rằng siêu xe Ferrari, điện thoại Vertu đắt tiền, những nhãn hàng quý tộc Michel Klein, Louis Vuitton, Valentino Creations… bỗng trở nên thừa thãi. Những ham muốn, đua tranh vì lợi ích là vị kỷ, nhỏ nhen. Đây là lúc dành nhiều thời gian hơn để tìm lại, vun bồi những giá trị cốt lõi của gia đình. Thay vì than phiền, cáu gắt vì bị “giam lỏng” giữa bốn bức tường, những ông bố bà mẹ đã dành thời gian để chăm sóc, hướng dẫn con cái học hành; Tổ chức những bữa ăn đầm ấm để gắn kết giữa các thành viên trong gia đình mà trước kia do bận bịu với cuộc mưu sinh không thực hiện được. “Đã lâu lắm rồi, tôi mới cảm nhận được không khí gia đình nó là như nào. Chúng tôi đang sống chậm lại, hiểu nhau hơn”, một Facebooker chia sẻ. 

Nhiều người cũng tận dụng khoảng thời gian “sống chậm” để đọc sách và cuốn sách được cư dân mạng chia sẻ là cuốn Bước chậm lại giữa thế gian vội vã của Đại Đức Hae Min, vị tu sĩ, tiến sĩ tôn giáo học người Hàn Quốc. Một cuốn sách mà họ tin là mang lại cho người đọc một điểm tựa bình an trong những ngày này. 

“Sống chậm lại, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” là tên một cuốn sách cũng được nhiều người tìm đọc trong những ngày thực hiện quy định “xã hội cách ly”. Nó không chỉ chia sẻ với người đọc những thái độ sống tích cực như sống mạnh mẽ, xác định mục đích sống, nhận trách nhiệm, dũng cảm đối mặt với thay đổi mà còn mang ý nghĩa cổ vũ, động viên bạn và tôi quay về với “sống chậm”.

Đã nhận ra mặt tích cực của “sống chậm” thì có lẽ chúng ta cũng nên tích cực hưởng ứng, thực hành. Để mai này khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ trở lại guồng quay cuộc sống cũ với những trải nghiệm mới mà chỉ có những người đi qua khó khăn cùng nhau mới hiểu được. 

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
;
.