"Không bắt tay, tránh ôm hôn"

Thứ Tư, 04/03/2020, 21:32 [GMT+7]
In bài này
.

Trong mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền clip khá vui nhộn chuyển tải thông điệp có ý nghĩa về phòng, chống dịch COVID-19. Đó là hình ảnh những người bạn gặp lại nhau sau những ngày xa cách nhưng thay vì “tay bắt, mặt mừng” như thường lệ lại chỉ vẫy tay chào thân thiện với những nụ cười tỏa nắng. Thậm chí, có clip còn hài hước bằng hình ảnh các bạn trẻ chào nhau bằng cách đá mũi giày với khoảng cách khá xa để hưởng ứng việc thay đổi thói quen bắt tay truyền thống.

Việc thay đổi thói quen trong xã giao hàng ngày đã bắt đầu hình thành và lan rộng khi dịch COVID-19 bùng phát ở khắp các châu lục chỉ trong vòng vài tuần qua. Tất nhiên, chưa phải là ngay lập tức chấm dứt được thói quen bắt tay hay một cái ôm thắm thiết đối với bạn bè, người thân, đối tác… để thể hiện tình mến thương trong mọi mối quan hệ và trong cộng đồng. Nhưng, với thực trạng dịch COVID-19 có nguy cơ lan rộng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt như hiện nay thì ngay cả những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, thậm chí là nguyên thủ quốc gia cũng phải… ngưng bắt tay, ngưng tiếp xúc gần một cách thân mật dù chỉ là phép tắc ngoại giao. 

Đầu tuần, một quan chức cấp cao của Đức đã từ chối bắt tay Thủ tướng Angela Merkel khi bà đưa tay về phía mình. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Horst Seehofer, ông chỉ cười và không đưa tay ra bắt. Bà Merkel giơ tay lên không trung trước khi ngồi vào chỗ. Đức cũng như một số nước châu Âu khác đã bùng phát dịch COVID-19 và buộc phải nâng mức cảnh báo mỗi ngày một cao hơn. Các biện pháp phòng, chống cũng được siết chặt, trong đó phải kể đến vệ sinh cá nhân và tránh tiếp xúc gần, đặc biệt là ôm hôn và bắt tay. Hiện tại dịch Covid-19 đã lan rộng ra 10 trong số 16 tiểu bang của Đức, với hơn một nửa số trường hợp được xác nhận ở North Rhine-Westphalia. Bang đông dân nhất nước Đức trở thành ổ dịch sau khi một cặp vợ chồng nhiễm bệnh tham dự lễ hội hóa trang tại đây, lây nhiễm cho hàng chục người khác, buộc tất cả phải cách ly 14 ngày. 

Tại Bắc Kinh, nhà chức trách treo nhiều băng rôn khuyến cáo người dân không nên chào nhau bằng cách bắt tay mà chỉ cần giơ tay chào là đủ. Ở Pháp, giới truyền thông đăng ý kiến của các chuyên gia khuyên rằng mọi người nên tránh bắt tay hoặc hôn má để chào hỏi, thay vào đó chỉ cần nhìn vào mắt nhau là đủ. Ở New Zealand, một số trường học đã tạm thời bỏ kiểu chào truyền thống “hongi” của người Maori, theo đó 2 người chạm trán và mũi vào nhau. Các nước Trung Đông như UAE hay Qatar cũng khuyến cáo công dân áp dụng cách tương tự. 

Truyền thống văn hóa Việt Nam, việc bắt tay xã giao trong công việc, đời sống đã quá quen thuộc. Thậm chí những cái ôm siết chặt để thể hiện tình thân, sự quý mến cũng không xa lạ. Thói quen này cần được thay đổi trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và có thể lây truyền qua những hành vi thân mật này. 

Ngày 23/2 vừa qua, Bộ Y tế có khuyến cáo người làm dịch vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch… hạn chế bắt tay và tiếp xúc với khách hàng ở khoảng cách dưới 1m nhằm phòng, chống lây nhiễm COVID-19. Thiết nghĩ, khuyến cáo này nên được áp dụng cho cả cộng đồng. Nên thay đổi văn hóa giao tiếp, thay vì bắt tay, tiếp xúc gần là những nụ cười, ánh mắt thân thiện, gật đầu nhẹ… có khoảng cách đủ gần đã thể hiện được phép ngoại giao trong giai đoạn buộc phải phòng, chống dịch COVID-19 như hiện nay. 

THẢO LINH

 

;
.