Cùng chung tay chống dịch

Thứ Ba, 24/03/2020, 22:10 [GMT+7]
In bài này
.

Chia sẻ suy nghĩ trên các diễn đàn mạng xã hội cũng như trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, rất nhiều người đã đề nghị Nhà nước xã hội hóa những chi phí cho việc cách ly phòng chống dịch COVID-19, trong đó có yêu cầu người từ nước ngoài về được cách ly phải chi trả toàn bộ hoặc một phần phí tổn. 

Người ta đọc thấy trên nhiều Facebook cá nhân những status đầy tâm huyết và ý thức công dân, rằng đất nước còn khó khăn, cả cộng đồng nên cùng chung tay chống dịch.  Nếu miễn phí toàn bộ chi phí sẽ không thỏa đáng. Chỉ cần mỗi người một ít, chi trả phí ăn ở khi cách ly, hoặc có điều kiện hơn nữa trả theo nhu cầu ở dịch vụ, như thế sẽ hợp lý hơn. Phải tính đến phương án chống dịch lâu dài. 

Một người đề xuất: “Cần tính tới việc thu phí đối với những người có điều kiện,  nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn. Số tiền thu được tiếp tục được dùng để trợ cấp, lo cho người khó khăn hơn”.  

Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long làm một phép tính kinh tế từ thực tiễn cách ly của Hà Nội: Nếu mỗi ngày chu cấp phí cơ bản là 100.000 đồng/người thì 20.000 người là 2 tỷ đồng/ngày, nhân 14 ngày là 28 tỷ đồng, đó là chưa kể các điều kiện nguồn lực phải chi trả và chuẩn bị cho phòng chống dịch. Và ông bày tỏ lo lắng “Nếu số lượng người bị cách ly tăng theo cấp số nhân hàng ngày, ngân sách Nhà nước sẽ có nguy cơ “vỡ trận”. 

Xin được mở ngoặc ở đây rằng, cả nước hiện có 52.790 người đang thực hiện cách ly, hơn 21.000 người đang cách ly tập trung và con số này sẽ tiếp tục tăng khi du học sinh và người lao động tiếp tục về nước. 

Khi cả nước gồng mình chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh “Vì sức khỏe của dân, chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn. Duy trì mục tiêu kép chống dịch và giữ ổn định xã hội, chăm lo phát triển. Nếu khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba”. Đó là lý do vì sao cho đến nay những đối tượng nằm trong diện cách ly được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh; được cấp không thu tiền gồm: nước uống, khăn mặt, khẩu trang,  nước dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt; được miễn phí di chuyển cách ly. 

Thế nhưng, việc bao cấp như vậy rõ ràng là áp lực rất lớn đối với ngân sách. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên bao cấp một phần như nơi ở, thuốc men, còn thì phải tính tới việc thu phí đối với các đối tượng có điều kiện và có nhu cầu sử dụng dịch vụ tốt hơn. 

Từ nhiều năm qua, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế, việc xã hội hóa các dịch vụ công đã được triển khai - đặc biệt là lĩnh vực an sinh xã hội, y tế,  giáo dục đào tạo và đã chứng minh tính hiệu quả rõ rệt. Và như vậy, nếu Nhà nước cho phép xã hội hóa chi phí cách ly, việc chống dịch COVID-19 cũng sẽ hiệu quả hơn. Đây rõ ràng là một giải pháp hợp lý và nhân văn, không chỉ góp phần giảm áp lực cho ngân sách mà còn đáp ứng được nguyện vọng của người dân có điều kiện kinh tế đi cách ly. Đây cũng là cách để người bệnh và gia đình của họ có trách nhiệm hơn trong việc khai báo y tế trung thực với cơ quan chức năng, chung tay cùng cộng đồng ngăn chặn, dập tắt dịch bệnh nguy hiểm. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chiều 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý mở rộng xã hội hóa, đóng góp tự nguyện trong điều kiện cách ly tập trung. Từ thông điệp của người đứng đầu Chính phủ, các tỉnh, thành phố sẽ xã hội hóa công tác phòng chống dịch bệnh bằng việc cho phép các resort, khách sạn, cơ sở lưu trú… đăng ký nhận người đến cách ly theo hình thức có trả phí hoặc cho mượn cơ sở lưu trú làm khu cách ly tập trung. Nhà nước sẽ chỉ hỗ trợ những điều kiện tối thiểu, cần thiết nhất. 

Xã hội hóa chi phí cách ly được “bật đèn xanh” mở ra một cách làm thấu tình đạt lý, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện các biện pháp bảo đảm phục vụ việc cách ly, đẩy lùi dịch bệnh, đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tin tưởng: “Nếu toàn dân đồng lòng chống dịch, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh COVID-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng”. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

;
.